Công văn nêu rõ: Vừa qua, việc thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi trên trang thông tin điện tử cucnghethuatbieudien.gov.vn gây hiểu lầm trong dư luận là cấp phép phổ biến cho các ca khúc cách mạng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn khẩn trương phối hợp với Vụ Pháp chế triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, báo cáo lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biển trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực của cán bộ thực thi pháp luật, thường xuyên báo cáo lãnh đạo Bộ về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Ngày 19/5/2017, trang thông tin điện tử của Cục Nghệ thuật biểu diễn tại địa chỉ cucnghethuatbieudien.gov.vn cập nhật hơn 300 bài hát đã được phổ biến rộng rãi.
Đây đều là những bài hát cách mạng rất quen thuộc với nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam.
Trong số 300 ca khúc cập nhật lần này có những bài ca ngợi cuộc kháng chiến của quân và dân ta như “Bước chân trên dải Trường Sơn,” “Chào em cô gái Lam Hồng,” “Chào sông Mã anh hùng,” “Bình Trị Thiên khói lửa”...
Cùng với đó là rất nhiều bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh,” “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó,” “Như có Bác trong ngày vui đại thắng,” các bài hát nổi tiếng về Hà Nội…
Ngay sau đó, một số cơ quan báo chí đã lên tiếng, cho rằng đến thời điểm cập nhật danh sách 300 ca khúc, Cục Nghệ thuật biểu diễn mới cấp phép lưu hành, phổ biến các ca khúc này.
Trước những thông tin nêu trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản khẳng định: Việc một số báo phản ánh Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép trên 300 bài hát “nhạc đỏ” là chưa đúng với bản chất của vấn đề.
Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cập nhật thêm 300 bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi chứ không phải cấp phép mới đối với 300 bài hát nói trên.