Chăm sóc cho bệnh nhân bị tiêu chảy. (Ảnh: Nguyễn Hồng Cường/TTXVN)
Hiện sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định, không có trường hợp diễn biến nặng và không có người tử vong.
Trước đó, ngày 7/2 (29 Tết âm lịch), tại thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, người dân có mổ 1 con trâu bị ốm chết. Thịt trâu để ở nhiệt độ thường, không được bảo quản lạnh trong 4 ngày. Tới ngày 10/2 (mùng 3 Tết âm lịch), người dân chế biến thịt trâu để ăn Tết. Trong 13 hộ gia đình là anh em trong nhà thuộc 2 thôn Tấu Trên và Tấu Giữa, tất cả những người ăn thịt trâu đều bị mắc bệnh.
Ca bệnh đầu tiên là bà Cứ Thị Mảy, sinh năm 1961, với các triệu chứng đau bụng, nôn kèm theo đi ngoài nhiều lần, người mệt mỏi. Sáng 11/2, bệnh nhân được người nhà đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.
Tiếp đó, trong các ngày 11 và 12/2, thêm 33 người khác cũng có các triệu chứng bệnh tương tự. Trong số những người mắc bệnh, có 9 người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ, 11 người được điều trị tại Trạm y tế xã Trạm Tấu và 14 người được cấp thuốc điều trị tại nhà.
Ngay sau khi nhận được tin báo (ngày 12/2), Sở Y tế Yên Bái và Trung tâm y tế huyện Trạm Tấu đã cử cán bộ đến các thôn Tấu Trên, Tấu Giữa điều tra xác minh vụ việc, tổ chức khám bệnh, phân loại, điều trị tại chỗ đối với các bệnh nhân nhẹ tại 2 thôn Tấu Trên và Tấu Giữa; đồng thời cử cán bộ thường trực tại địa bàn có người mắc bệnh.
Các ca nặng, có dấu hiệu mất nước được chuyển đến Trạm Y tế và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ để điều trị.
Trung tâm y tế huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh tiêu chảy, cách phòng tránh. Bên cạnh đó, cán bộ y tế tập trung điều tra, lập danh sách các bệnh nhân mắc bệnh để quản lý và điều trị, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các thôn bản, các xã lân cận…
Theo VietnamPLus