Yên Bái: Chữa thành công ca bệnh có biến chứng ngừng tim kéo dài

Đây là trường hợp bệnh nhân bị bệnh rất nặng, nếu ngừng tim trên 3 phút mà không được cấp cứu đúng cách thì có thể tử vong, hoặc được cứu sống cũng để lại di chứng nhất định về thần kinh.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa, 37 tuổi, ở tổ 51, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái (Yên Bái) vào viện khoảng 8 giờ ngày 30/5, trong tình trạng rối loạn ý thức, suy hô hấp, mạch nhanh 130 lần/phút, huyết áp tụt, da tím tái, sốt cao, vô niệu…


Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngoc/TTXVN)

Ngay lập tức, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã tiến hành cấp cứu ban đầu, đồng thời tiến hành hội chẩn toàn viện và điện thoại để hội chẩn với các giáo sư, tiến sỹ ở Khoa cấp cứu A9 và Khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai xin ý kiến và đã chẩn đoán: Bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tăng đường huyết cấp cứu có biến chứng ngừng tuần hoàn.

Bệnh nhân đã được các y, bác sỹ kíp trực nhanh chóng tiến hành hô hấp hỗ trợ bằng đặt ống nội khí quản, thông khí nhân tạo và đặt các đường truyền tĩnh mạch trung ương.

Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân xuất hiện ngừng tim. Kíp trực tiến hành cấp cứu theo phác đồ mới nhất, trên 20 phút cấp cứu tích cực, tim bệnh nhân đã có dấu hiệu đập trở lại, có mạch bẹn rồi hồi phục dần dần.

Sau 12 ngày điều trị tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bệnh nhân được rút ống thở để thở tự nhiên và bắt đầu ăn uống được bằng đường miệng.

Đáng lưu ý là trong quá trình cấp cứu, mặc dù bệnh nhân đã được thông khí nhân tạo với chiến lược bảo vệ não, truyền Isulin liên tục, dùng ba vận mạch liều rất cao nhưng vẫn không nâng được huyết áp, trên da có những mảng bầm tím do rối loạn đông máu.

Ngay sau đó, các kíp siêu lọc máu liên tục đã được trưng tập đến, tiến hành lọc máu liên tục, phải sau bốn cuộc lọc, mỗi cuộc kéo dài 18-24 giờ, cùng truyền các chế phẩm của máu (khối tiểu cầu máy, huyết tương tươi…) mới cứu sống được bệnh nhân.

Theo thạc sỹ Nguyễn Song Hào, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, trong quá trình điều trị, Khoa luôn nhận được hỗ trợ chuyên môn từ các thầy thuốc Khoa cấp cứu A9 và Khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời nhận được sự trợ giúp các chế phẩm máu để điều trị rối loạn đông máu từ Viện huyết học truyền máu Trung ương (tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay chưa tách và trữ được các thành phần của máu).

Hiện bệnh nhân ổn định, chức năng các cơ quan đã phục hồi, giao tiếp được với mọi người xung quanh và đã được ra viện sáng 22/6.

Theo: Đức Tưởng/Vietnamplus


From the same category