Yemen: Bước qua đêm dài - Tạp chí Đẹp

Yemen: Bước qua đêm dài

Sự Kiện
Kỳ 5: Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu khởi đăng từ số tháng 2/2012.

Sanaa là thành phố được xây dựng bởi con trai của Noah trong kinh thánh, người vượt qua trận đại hồng thủy với con thuyền huyền thoại. Sanaa 3000 năm tuổi được mệnh danh là nơi sản sinh ra những tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới. 

Anh chàng nhân viên hải quan ở sân bay gí mũi vào cuốn hộ chiếu, ngẩng đầu nhìn tôi chằm chằm rồi hỏi: “Cô bay đi Yemen thật à?” – “Vâng!” – Tôi trả lời. Ngay lập tức, anh ta đứng phắt dậy, khoát tay gào lên thông báo cho hơn chục cabin hải quan khác: “Nhìn này! Có một khách đi Yemen này!”. Trong giây lát, hơn chục cái đầu chồi lên xung quanh. Họ trầm trồ, lắc đầu, chép miệng… Một người thậm chí vọt ra ngoài cabin xán đến đứng cạnh tôi để xăm xoi cho rõ. Tôi cười gượng gạo rồi nhanh chóng lủi đi khỏi những ánh nhìn không rõ thán phục hay thương cảm. Có ai điên mà đi Yemen vào đúng 24 giờ trước cuộc bầu cử được cả thế giới dự báo là sẽ gắn liền với bạo động và đổ máu? 

Sân bay Sanaa dày đặc an ninh. Mặc dù bạn tôi Fatma đã trực tiếp gọi điện, hải quan nhất định không cho phép tôi tự bắt taxi về nhà, cũng không cho tôi đi nhờ xe một phóng viên BBC. Họ bắt tôi chờ gần 2 tiếng để điều động một lái xe riêng của sân bay chở tôi về tận cổng. Từ đây, nhất cử nhất động của tôi đều không thể thoát khỏi sự theo dõi của mật vụ và an ninh.

Tôi đem điều băn khoăn này ra thổ lộ với Fatma. Nó cười xòa rồi bảo tôi đừng lo vớ vẩn. Chẳng cần sự có mặt của tôi thì khu nhà của Fatma đã ở trong khu vực có rada theo dõi 24giờ/ngày rồi. Đơn giản vì Fatma là một trong những nhà chống đối và hoạt động chính trị nổi tiếng của Yemen. Tôi há hốc mồm nhìn Fatma, vọt ra ngó ngoài cửa sổ. Phía bên kia đường, một trạm gác sơ sài nép dưới lùm cây với hai chú lính hờ hững gác chân lên báng súng. Fatma cười rũ: “Không sao đâu! Chỉ hơn nửa ngày nữa là Yemen có một chính phủ mới. Với lại ai dám động đến tôi? Mẹ tôi là Bộ trưởng giám sát nhân quyền…”

Hai tiếng Ye-men không gợi lên nhiều điều sáng sủa. Quốc gia Hồi giáo khá cực đoan này đang trên bờ vực của đổ máu, nơi gần nửa dân số mù chữ và sống dưới mức nghèo đói, nơi hầu hết phụ nữ trùm khăn đen chỉ hở hai con mắt, nơi trung bình mỗi người đàn ông sở hữu cả chục khẩu súng, nơi chế độ độc tài của tổng thống Saleh tồn tại hơn 30 năm, nơi khủng bố Al Qaeda đang lớn mạnh từng giờ trong khi chờ mùa xuân Ả Rập như đứa trẻ tiến từng bước chênh vênh dễ ngã. Yemen là nước nghèo đói nhất trong vùng Vịnh, dầu mỏ chỉ vài năm nữa là cạn kiệt trong khi đây là nguồn thu chính của đất nước. Vậy nhưng những trải nghiệm của tôi trong vòng 15 tiếng sau khi đặt chân đến Yemen hầu như trật lất với mọi hình dung, dù là những hình dung tưởng chừng như logic và giản đơn nhất.

 

Gần 80% các loại cây cỏ và côn trùng trên đảo Socotra không có ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đặc biệt là cây máu rồng (dragon blood) gắn liền với huyền thoại kỳ bí của phương thuốc trường sinh bất lão.

 

Những đứa trẻ lớn lên từ hòn đảo đẹp mê hồn nhưng nghiệt ngằn sỏi đá ở Socotra. 

Phía sau Ninja là… hip-hop

“Này cậu! Kiếm cái gì sexy một chút để mặc nhé! Bọn mình đi party…” – Tôi vừa kịp đặt chiếc ba lô nặng trịch xuống giường đã thấy Fatma ngó đầu vào phòng tuyên bố. Năm phút sau, đám bạn của nó tíu tít xuất hiện, bọn con gái đứa nào đứa nấy trông như ninja đen sì từ đầu đến chân. Tôi thấy mình như “truổng cời” với áo hai dây và legging thít thìn thịt. Fatma phủ lên người tôi một chiếc khăn to như cái chăn rồi cả lũ mở cổng chui tọt vào xe. Tiếng nhạc ầm ầm. Bọn ninja lắc lư những cái đầu kín khăn. Bỗng nhiên Moe kêu lên: “Check point!”. Trạm kiểm soát hiện ra giữa đường. Nhạc tắt phụt. Đèn bật sáng. Cả lũ ngồi im mặt nghiêm trang. Tiếng báng súng trường va vào xe lách cách. Một vài khuôn mặt hình sự ló vào dò xét. Một cái phẩy tay cho qua. Fatma ngồi cạnh khe khẽ bĩu môi. Ở ghế trước, Moe nhè nhẹ nhấn ga lướt vào đêm Sanaa yên ắng.

Ở cái thành phố không có một quán bar chứ đừng nói đến sàn khiêu vũ này, những party hiếm hoi chỉ diễn ra trong khuôn viên các đại sứ quán hoặc trong nhà những người bạn có quốc tịch nước ngoài. Khi cánh cửa khép lại, tôi há hốc mồm chứng kiến những bóng ma chùm khăn đen sì cởi phắt áo choàng và khăn trùm đầu, hiện nguyên hình là những cô gái cực kỳ xinh đẹp với bộ cánh hip-hop đến mức có thể khiến cho đám choai choai Tây Âu tím mặt vì ganh tị. Họ thuộc lòng các bài “hit” mới nhất trên MTV, chửi thề như một rapper, lắc mông không thua gì Beyoncé, và khi ngồi xuống thì bàn luận cực kỳ nghiêm túc về những vấn đề rất nhạy cảm như “cách mạng”, “đồng tính”, hay “ăn cơm trước kẻng”. Khi giờ giới nghiêm điểm, họ nhanh chóng chui vào bộ cánh tối om, và như những bóng đen phi danh tính, họ lên xe trở về nhà, tiếp tục cuộc vui trên facebook.

Tôi từng nghĩ chẳng cô gái trẻ trung xinh đẹp nào lại tự muốn khoác lên người chiếc áo chùng tối đen xấu xí và che đi khuôn mặt thanh xuân của mình. Nhưng những ngày ở Yemen khiến tôi ngã ngửa bởi rất nhiều cô ninja cực kỳ có ý thức về chiếc khăn trùm đầu. Họ cho rằng đó là cách hữu hiệu để bảo vệ bản thân. Đàn ông coi đó là dấu hiệu để thể hiện sự tôn trọng. Gia đình coi con gái trong nhà như viên ngọc trai đẹp đẽ cần được bảo vệ khỏi những bàn tay tham lam. Thật khó tưởng tượng một cô gái mạnh mẽ, hiện đại, tự tin bên dưới bộ áo cánh đen sì chỉ hở hai con mắt. Nhưng bước đi trên đường phố Sanaa giữa hàng trăm bóng đen giống hệt nhau, tôi buộc phải đánh vật với cái hình dung tưởng như logic: “Phụ nữ che mặt là phụ nữ bị đàn áp” để đối mặt với thực tế: “Phụ nữ che mặt chưa chắc đã là phụ nữ bị đàn áp”. Hãy chờ cho đến khi bạn trở thành một người thân quen, chiếc mạng kia rơi xuống, khi đó mới biết mèo nào cắn mỉu nào.

 

Dưới tấm áo choàng đen này là quần bò thủng lỗ và áo hip-hop 

Nói vậy nhưng tôi thấy vô cùng thương cảm với những người đàn ông ở Yemen. Hãy tưởng tượng cả cuộc đời dài đằng đẵng hơn 60 năm của mình bạn chỉ được thấy mặt cả thảy chưa đến hai chục người phụ nữ. Desmond bạn tôi ở Yemen 6 tháng học tiếng Ả Rập mà người phụ nữ duy nhất anh ta được nhìn mặt là cô giáo dạy tiếng của mình. Để cho bạn thấy rõ bức tranh cuộc sống thê thảm của đàn ông và cuộc sống ngầm sục sôi của những người phụ nữ, tôi sẽ kể cho bạn nghe về một đám cưới ở Sanaa.

Những con dao quắm luôn đeo trước ngực là một phần không thể tách rời của trang phục truyền thống Yemen. Ahmed al-Kibsi – một nhà nghiên cứu chính trị so sánh như sau để tôi dễ hiểu: “Thì cũng như cái cà vạt mà thôi. Đàn ông nước cô đeo cà vạt thì đàn ông Yemen đeo súng và dao găm”. Với một nền văn hóa súng ống dao găm như Yemen, không ai có thể hiểu nổi tại sao mùa xuân Ả Rập lại có thể thành công với tối thiểu thương vong. Có một điều gì đó rất đặc biệt trong tính cách người Yemen, một sự dịu thuần mà du khách phải ở lại lâu mới có thể nhận ra, mới có thể hiểu rằng đối với người Yemen, vũ khí không nhất thiết đi liền với bạo lực.

Tiên nữ trùm khăm đen

Layla tốn gần 4 tiếng để trang điểm chuẩn bị đi dự đám cưới. Khi cô bước xuống nhà với toàn thân phủ kín bởi chiếc áo choàng đen có đính thêm chút kim sa lấp lánh, tôi không nén nổi thất vọng. Mẹ Layla phì cười, bảo con gái hé cánh áo chút cho tôi chiêm ngưỡng. Layla bật cúc. Và tôi suýt chết sặc. Layla mặc một chiếc váy họa tiết da báo đốm siêu ngắn bó sát, hở gần như toàn bộ ngực. Làn da trắng mịn của cô dát đầy kim tuyến và đôi giày ngất nghểu của cô dễ chừng tới hai chục phân. Mẹ Layla vỗ tay khen con gái có gu thẩm mỹ.

Ở cổng chào của đám cưới, chúng tôi phải gửi toàn bộ điện thoại cho nhà tổ chức. Thiếp mời ghi rõ tuyệt đối cấm chụp ảnh. Mỗi người được phát một… hộp đồ ăn với bánh mỳ kẹp và nước ngọt. Tay xách nách mang, tôi theo chân Layla bước vào sảnh đường lớn. Và ôi trời ôi! Tôi suýt chết trân vì kinh ngạc. Trước mặt tôi là một tổ hợp của Tây Lương nữ quốc, lễ trao giải Oscar, và cung cấm của một vị Sultan giàu có trong “nghìn lẻ một đêm”. Hàng trăm nữ hoàng sắc đẹp lướt qua trong những bộ váy áo lộng lẫy. Những khuôn mặt trang điểm trau chuốt mỉm cười chào tôi. Những bộ tóc bới chải cầu kỳ nghiêng nghiêng. Những làn da, những vai thon, những núi đôi, những chân dài quấn quýt. Trong tiếng nhạc tưng bừng, họ nhún nhảy theo những bài “hit” mới nhất của ca sĩ da đen Rihanna. Trên một bục cao dát vàng son lộng lẫy, cô dâu ngồi nhận lời chúc mừng của bạn bè. Hầu hết trong số họ dù học và làm việc với nhau cả chục năm trời, đây là lần đầu tiên họ biết mặt nhau. Layla thì thầm vào tai tôi: “Cô dâu xinh hơn tớ tưởng Mai ạ!”  

“Chú rể đến!” – Tiếng loa đột ngột thông báo.

Tôi chưa bao giờ từng chứng kiến một sự đổi thay nào khủng khiếp hơn thế. Chỉ trong vòng 30 giây, hàng trăm cô hoa hậu biến mất, cả sảnh đường tối sầm lại trong biển áo đen và khăn bịt mặt. Trên bục cao, cô dâu bất ngờ tỏa sáng chói lọi. Cô đứng lên, hào quang lấp lánh bao trùm. Xung quanh nơi cô đứng, đám bạn nhấp nhô hàng trăm cái đầu phủ khăn. Cảnh tượng trước mắt tôi như trong một bộ phim viễn tưởng khi nữ hoàng của thế giới bên kia dùng ánh sáng quyền năng của mình để trị vì đám thần dân sinh ra từ bạt ngàn đêm tối.

Và tất nhiên, khi chú rể bước vào, người phụ nữ duy nhất trông giống một phụ nữ là cô dâu. Cầu cho họ sống bên nhau đời đời hạnh phúc.

Khi tôi viết những dòng này, tên tôi được tag vào một cái post trên facebook của Fatma: “Yemen nghìn năm tuổi mà bây giờ mới dậy thì, bước chân qua đêm dài của chế độ độc tài, đêm dài của chiến tranh liên miên, đêm dài của khăn đen trùm đầu, đêm dài của cuộc sống hai mặt nơm nớp lo toan. Đất nước qua đêm dài nhưng ngơ ngác không biết làm gì với ánh sáng tự do. Sự đổi thay bất ngờ khiến ngay cả bản thân tôi cũng thấy mình lẫm chẫm vì chói mắt…”

Tôi nhấn nút “like”, chéo hai ngón tay cầu nguyện cho Yemen. Bước qua đêm dài, dù sao thì một ngày mới cũng sẽ bắt đầu.

– Các đơn vị có kế hoạch cộng tác hoặc có nhu cầu tài trợ kinh phí, công cụ tác nghiệp cho chuyến đi xin liên hệ với tác giả qua địa chỉ:

EMAIL dr.nguyenphuongmai@gmail.com

– Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành hiện nay của Phương Mai ở Trung Đông tại:
BLOG www.culturemove.com
FACEBOOK www.facebook.comdr.nguyenphuongmai

TWITTER www.twitter.com/thequest2quest

 

Kỳ sau: Li Băng – Trận chiến của những mảng màu mosaic

Bài & ảnh: Phương Mai

 

Thực hiện: depweb

17/06/2012, 14:42