Yayoi Kusama: Vòng xoáy cuồng nộ

Cái điên của người nghệ sĩ là sự cuồng nộ cảm xúc, bị kìm nén, luôn chực bộc lộ trên tác phẩm của mình. Hoặc có khi người ta bảo anh chàng hay cô nàng nọ điên điên kiểu nghệ sĩ là do phong cách sống, thói quen và diện mạo khác người.  

Trong số những nghệ sĩ “có vẻ điên rồ” ấy, có một nữ nghệ sĩ điên thật sự, điên vì nghệ thuật và điên bệnh lý. Nhưng chính sự điên rồ ấy, cộng với khả năng cảm thụ thẩm mỹ bậc thầy, đã tạo nên một thiên tài cho nền nghệ thuật đương đại từ giai đoạn sơ khởi của trào lưu này cho đến tận thời điểm đỉnh cao hiện tại của nó.  

Kusama và tác phẩm “Self Obliteration” tại Marunouchi House – Tokyo


Ngày 9/2 vừa qua, tại Tate Modern – bảo tàng nghệ thuật danh tiếng nhất Vương quốc Anh đã diễn ra buổi khai mạc triển lãm mang chính tên Yayoi Kusama với các tác phẩm đủ thể loại và phương tiện, từ tranh hội họa, sắp đặt, trình diễn, đến phim, điêu khắc, thời trang,… nằm trong chuỗi hành trình qua các châu lục, bắt đầu ở bảo tàng Reina Sofia, Madrid, Tây Ban Nha vào tháng 5 năm ngoái, tới Pompidou Paris, rồi hiện giờ là Tate Modern và cuối cùng sẽ dừng chân tại bảo tàng Whitney New York đầu hè này. Triển lãm là một cuộc biểu trưng trọn vẹn nhất cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật của Yayoi suốt sáu thập kỉ qua.

Tác phẩm Dots Obsession sáng tác năm 1999 của nghệ sĩ Yayoi Kusama

Dù đã bước sang tuổi 83 vào tháng ba vừa rồi, năng lượng sáng tạo của nữ nghệ sĩ này thật đáng nể phục. Trong vòng hai năm trở lại đây, bà vẫn tiếp tục hoàn tất 200 bức tranh sơn dầu phủ kín họa tiết chấm bi. Phải giải thích thêm rằng, mặc dầu có vẻ ngoài hỗn loạn và ăm ắp vật thể chi tiết, cấu trúc vô chừng đó luôn tồn tại sự sắp xếp, bố trí chặt chẽ trong tư duy của Yayoi. Vậy nên, việc thực hiện được chừng ấy số lượng tác phẩm ở tuổi trên 80 quả thực không chỉ cần đến sức lực vật lý bền bỉ của cơ thể mà còn cả một suối nguồn sáng tạo bất tận và tinh thần lao động nghệ thuật mãnh liệt nhất.  

Sức mạnh thể hiện cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ Yayoi Kusama được nung cháy từ những năm 50 thế kỉ trước. Bà không chấp nhận cách vẽ truyền thống của Nhật Bản thời bấy giờ, và luôn hướng sự tò mò, bị mê hoặc và phấn chấn vì đồng cảm nghệ thuật của mình qua bên kia bờ Thái Bình Dương – Hoa Kỳ. Năm 1958, Yayoi chuyển sang New York. Cuộc sống gần 20 năm trên đất Mỹ không hề êm ả khi người nghệ sĩ phải đấu tranh sống còn để tồn tại.

Yayoi là một con người đặc biệt. Ở bà luôn có những mối xung khắc đặc trưng nhất của xã hội và nghệ thuật: bà tượng trưng cho nữ quyền trong thế giới nghệ thuật vốn đầy ứ nghệ sĩ nam; bà xuất hiện như vẻ đẹp phương Đông xa xôi, chậm rãi đến kỳ lạ với bộ kimono màu hồng đối chọi khung cảnh đường phố New York tấp nập; nổi tiếng với chứng sợ sệt e dè với người đối diện nhưng Yayoi lại yêu thích sự nổi tiếng và được đám đông say mê theo kiểu văn hóa pop quần chúng. Bà thân thiết với những nhân vật nổi tiếng nhất trong hội nghệ sĩ New York tiên phong lúc bấy giờ, như Frank Stella, Donald Judd, Andy Warhol. Thậm chí, Yoko Ono, nữ nghệ sĩ trình diễn trứ danh, vợ góa của danh ca John Lennon, từng tiết lộ chịu ảnh hưởng phong cách nghệ thuật của Yayoi.

 

Tác phẩm “Self-Obliteration – Horse Play” của Kusama năm 1967

Kusama trong không gian tác phẩm “Yellow Tree Furniture” của bà sáng tác năm 2010 tại Aichi Triennale Nhật Bản

ư

Tác phẩm “The Anatomic Explosion” trên cầu Brooklyn với mục đích phản đối chiến tranh của Kusama năm 1968 

Quyết định quay về quê hương Nhật Bản vào năm 1973 và sinh sống tại Tokyo đến nay, Yayoi Kusama trở thành một trong những nghệ sĩ hàng đầu, tiêu biểu cho nền nghệ thuật đương đại của đất nước này. Được công nhận giá trị sáng tạo và vây quanh bởi sự nổi tiếng, nhưng Yayoi sống khép kín và luôn có sự chăm sóc, điều trị từ bác sĩ tâm thần tại bệnh viện Shinjuku suốt 70 năm nay. Từng xuất bản tiểu thuyết đầu tay mang tựa “Chứng nghiện tự tử Mahattan”, bà luôn có nỗi ám ảnh với cái chết, ảo ảnh và sự sống đích thực. Chính vì thế, đứng trước tác phẩm của Yayoi Kusama, người ta luôn bị choáng ngợp trong vòng xoáy hỗn loạn của màu sắc căn bản đỏ, trắng, đen, vàng, tím,… đặt cạnh nhau một cách tương phản chói chang, của cấu trúc và bố cục phức tạp trong không gian giữa vật thể, gương phản xạ và hàng trăm ngàn chấm lớn nhỏ khác nhau.

Một trong số công chúng hâm mộ sự điên rồ do Yayoi sáng tạo phải kể đến là Marc Jacobs, giám đốc sáng tạo nhà mốt Louis Vuitton. Những tác phẩm hợp tác giữa hai tên tuổi Yayoi Kusama và Louis Vuitton sẽ được ra mắt vào tháng 7 năm nay hứa hẹn là một cuộc biểu trưng ngoạn mục kết hợp giữa vô vàn “chấm” đảo điên của nghệ sĩ Yayoi Kusama cùng vẻ quái gở trong tạo mẫu đặc trưng của Marc Jacobs, giám đốc sáng tạo thương hiệu nổi tiếng của Pháp. Cú va chạm của hai tâm hồn nhạy cảm đồng thời là hai tài năng xuất chúng này hứa hẹn một cơn bão “chấm bi” dữ dội, không nhượng bộ bất cứ kẻ nào sợ hãi sự khiêu khích thẳng thừng của nghệ thuật.

Một trong các tác phẩm sắp đặt của Kusama được triển lãm trong cửa hàng Louis Vuitton tại New Bond, London

 

Chuyên đề: Thời trang & Nghệ thuật

Thật đáng ngạc nhiên khi từ thời Phục Hưng, vào cuối thế kỉ 16, nhà tiểu luận và triết gia nổi tiếng người Anh, Francis Bacon, đã nhận định: “Thời trang là một nỗ lực nhằm thực tiễn hóa nghệ thuật trong các hình thức sinh sống và giao thiệp xã hội.” Điều đó quả không khó để chứng minh trong bối cảnh ngày nay. Bởi ngoại trừ chức năng che phủ cơ thể hay hơn thế nữa, nhằm chứng tỏ đẳng cấp, trang phục còn được lựa chọn và ưa thích vì vẻ đẹp mang tính thẩm mỹ của chúng. Vậy nên, nhà thiết kế thời trang, người tạo ra các mẫu áo quần và phụ kiện có giá trị thẩm mỹ, chẳng phải cũng là người nghệ sĩ sáng tạo sao?

Thực hiện chuyên đề: Arlette Quỳnh-Anh Trần

Các bài viết trong chuyên đề:

>> Khi nhà thiết kế là nghệ sĩ

>> Cuộc “hôn phối” của cái đẹp

>> Yayoi Kusama: Vòng xoáy cuồng nộ




From the same category