Nếu như ở vòng thi đầu tiên, Ban Giám khảo không khỏi bất ngờ trước những ý tưởng nhân văn mang tính thời sự của các thí sinh thì tại Vòng Thực hiện và Đánh giá Mô hình, các em nhỏ lại tiếp tục làm Ban Giám khảo ngạc nhiên bởi khả năng sáng chế những mô hình sinh động từ vật liệu có kích thước, chất liệu, hình dáng phù hợp có sẵn trong cuộc sống thường ngày. Mỗi mô hình là sự tổng hòa của nhiều chi tiết nhỏ, đòi hỏi các em sự kết hợp của nhiều kĩ năng khác nhau như trí tưởng tượng, sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì…
Bằng trí tưởng tượng phong phú, chủ nhân của 60 ý tưởng đã biết kết hợp chế tạo những vật liệu như bìa các tông, vỏ chai lọ hay quạt tản nhiệt của máy tính bị hỏng, sách báo cũ… thành các tòa nhà, tàu thuyền, cây cối hay các động cơ máy móc. Hai em Nông Bích Ngọc và Trần Bảo Ngọc đến từ Lạng Sơn rất nhanh trí khi tận dụng chiếc ống hút đã qua sử dụng để tạo ra những chiếc xúc tu uyển chuyển cho chú “Mực cứu hộ”. Trong khi đó, để tạo ra mô hình “Ti vi 4 mặt”, em Vũ Thủy Tiên tại Hà Nội lại rất cầu kì khi dùng các đoạn ống nhựa ghép thêm các trục sắt để tạo ra guồng quay cho các hình ảnh chuyển động. Hay như ba em nhỏ Đỗ Nguyễn Lan Anh, Phạm Nam Anh và Vũ Đào Thiên Ngân ở Tp.HCM khéo léo tận dụng những miếng băng dính trong chiếc cặp sách bị hỏng để tạo ra băng chuyền vận chuyển nước và rác thải trong mô hình “Sân trường thông minh”…
Trong 60 ý tưởng này, Ban Giám khảo sẽ chọn ra 30 mô hình xuất sắc nhất vào Vòng Chung kết tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 8.
PV