Theo giáo sư Đại học Shimane, có nhiều yếu tố giải thích sự cải thiện nhanh chóng của tình hình dịch bệnh đang diễn ra ở Nhật Bản, trong đó phải kể đến tâm lý luôn đề cao cảnh giác của người dân.
Thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm và cũng đã ghi nhận ngày không ghi nhận ca mắc tử vong nào do COVID-19.
Theo ông Takeshi Urano – giáo sư chuyên ngành y tại Đại học Shimane – có nhiều yếu tố kết hợp để giải thích sự thay đổi đang diễn ra ở Nhật Bản, trong đó phải kể đến tâm lý luôn cảnh giác của người dân và đặc tính trong quá trình biến đổi gene của virus.
Theo Japan Times, cách đây ba tháng, Nhật Bản ghi nhận hơn 26.000 trường hợp mắc COVID-19 mỗi ngày, nhưng đến cuối tháng 11, quốc gia 125 triệu dân chỉ ghi nhận trung bình khoảng 200 ca mắc mới mỗi 24 giờ.
Sau khi Olympic Tokyo 2020 kết thúc, Nhật Bản dường như đứng trước một thảm họa COVID-19, chủ yếu là do biến chủng Delta gây ra. Các bệnh viện Nhật Bản đối mặt với áp lực chưa từng có.
Tuy nhiên, dữ liệu của chính quyền thủ đô Tokyo cho thấy tỷ lệ dương tính đã giảm từ 25% vào cuối tháng 8 xuống còn 1% vào giữa tháng 10, trong khi số lượng các xét nghiệm giảm 30%.
Các biện pháp khẩn cấp của Nhật Bản, được dỡ bỏ vào ngày 27/9, chủ yếu yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa sớm và không phục vụ đồ uống có cồn.
Dù thời gian đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 bị đánh giá là chậm nhưng sau đó Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất trong các nước Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7), với hơn 76% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Hơn 91% dân số từ 65 tuổi trở lên đã tiêm hai mũi. Ngay cả ở nhóm tuổi nhỏ nhất đủ điều kiện tiêm chủng là thanh thiếu niên 12-19 tuổi, 60,7% đã được tiêm ngừa đầy đủ.
Mặc dù tiến độ đã chậm lại trong những tuần gần đây, Nhật Bản vẫn đang trên đà tiêm chủng đầy đủ cho hơn 80% dân số.
Theo giáo sư Urano, vaccine không phải lời giải thích duy nhất, mà sự biến đổi gene của virus trong quá trình tự nhân bản cũng đóng một vai trò nhất định.
Ông dẫn báo cáo của nhóm nghiên cứu từ Viện Di truyền quốc gia và Đại học Niigata, các đột biến trong thông tin di truyền (RNA) của chủng Delta có thể khiến virus không thể duy trì thông tin di truyền của chính mình.
Hệ quả là virus dần mất đi chức năng tự sửa lỗi gene, cuối cùng dẫn tới nguy cơ tự diệt vong.
Điều mà giáo sư Urano đặc biệt lưu ý chính là tâm lý duy trì cảnh giác của người dân là một trong những điều tạo nên sự khác biệt trong bức tranh chống dịch ở Nhật Bản.
Giáo sư này khẳng định điều giúp Nhật Bản dường như tránh được làn sóng lây nhiễm mới giống như những gì đang điễn ra ở các nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao khác là người Nhật tin rằng làn sóng thứ 6 sắp đến và chưa buông lỏng cảnh giác, như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Trong khi các quốc gia khác dần nới lỏng yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà và một số địa điểm sau khi tỷ lệ dân số tiêm chủng tăng cao, thì hầu hết người Nhật vẫn cảm thấy không an toàn khi khi cởi bỏ khẩu trang. Người Nhật đã hình thành thói quen giãn cách xã hội, đeo khẩu trang trong văn hóa, sinh hoạt.
Tuy nhiên, giáo sư Urano cho rằng mặc dù nghiên cứu mới cho thấy virus SARS-CoV-2 đang dừng tự nhân bản, điều nhưng không có nghĩa Nhật Bản sẽ hoàn toàn tránh được làn sóng dịch bệnh kế tiếp.
Ông khẳng định không chỉ ông mà nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản tin rằng làn sóng thứ 6 sẽ đến. Hiện vẫn còn hơn 20% dân số của quốc gia 125 triệu dân chưa được tiêm chủng, vì vậy vẫn có rất nhiều không gian để virus lây lan.
Trên thực tế, giữa tháng 10, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tăng cường năng lực y tế để chuẩn bị tiếp nhận số bệnh nhân nhiều hơn 20% so với làn sóng lây nhiễm thứ 5 trong mùa Hè qua.
Nhiều chuyên gia nước này cũng nhận định hiện còn quá sớm để tin rằng virus sẽ biến mất trên toàn cầu giống những gì đang diễn ra tại Nhật Bản.