Y kiến bác sĩ - Tạp chí Đẹp

Y kiến bác sĩ

Sức Khỏe


1. Con trai tôi được gần 1 tuổi. Từ khi sinh, tôi đã thấy cháu đi tiểu có vẻ khó khăn hơn trẻ khác. Dạo này, cháu cứ phải gồng người lên mỗi lúc đi tè, đôi khi cháu rặn è è, vùng da ở đầu dương vật phồng lên, nước tiểu chảy thành tia ra xa. Xin hãy cho biết con tôi bị bệnh gì, bệnh có nghiêm trọng không, có ảnh hưởng đến tương lai khi cháu lớn lên? MINH HÀ (Hải Dương)

Với các dấu hiệu mà bạn kể, có thể khẳng định bé bị hẹp bao quy đầu. Đó là một bao da mỏng được bọc phía ngoài của quy đầu dương vật. Bao có hai lớp da, lớp ngoài liền với da của thân dương vật, lớp trong dính sát vào rãnh quy đầu. Biểu hiện của hẹp bao quy đầu là bao không lộn ra ngoài được, khi đi tiểu thường khó khăn và không ra hết nước tiểu.

Hẹp bao quy đầu làm nước tiểu đọng lại, dễ bị viêm nhiễm, đến tuổi trưởng thành sẽ bị đau khi dương vật cương cứng, thậm chí không cương cứng được. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đến nơi đến chốn, các chất bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu tích tụ lại, đọng ở nếp da quy đầu, tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu, viêm thận, đồng thời ảnh hưởng tới quan hệ tình dục sau này và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên, việc điều trị hẹp bao quy đầu lại không mấy khó khăn. Trước tiên, bạn dùng tay lộn da quy đầu (kéo vùng da quanh dương vật lên phía trên), làm như thế nhiều lần trong ngày, nếu hẹp ít thì hiện tượng trên sẽ hết.

Mỗi khi tắm rửa cho bé, bạn cũng nhớ lộn ra như vậy để rửa trôi những chất bẩn ở đó. Bạn cần theo dõi thêm, nếu bé vẫn bị hiện tượng như vậy thì phải đưa đến phòng khám của bệnh viện huyện/tỉnh hoặc Bệnh viện Nhi Trung ương để được khám và xử lý kịp thời.

Bé sẽ được dùng thuốc bôi tại chỗ, nếu cần phải phẫu thuật cắt bao quy đầu thì cũng không đáng ngại vì đây là một thao tác nhẹ nhàng, đơn giản và rất hiệu quả. Sau khi điều trị, mọi sinh hoạt của bé trở lại bình thường, không ảnh hưởng gì đến tương lai sau này.


2. Con dâu tôi khi mới sinh thì nhiều sữa nhưng đến lúc cháu bé được hơn 3 tháng thì ít sữa hẳn đi. Tôi thử nấu bột cho cháu ăn thì cháu ăn rất nhiều. Vì vậy, hàng ngày, tôi mua xương về hầm cùng rau, củ lấy nước nấu bột. Như thế có sớm quá không?…


Huỳnh Phương Nga (Vũng Tàu)

Trẻ mới sinh cho đến 6 tháng tuổi, cơ thể chưa sản xuất ra men tiêu hóa tinh bột. Vì thế, lứa tuổi này các bé cần được bú mẹ hoàn toàn. Mẹ không đủ sữa thì phải cho bé ăn sữa ngoài thay thế chứ không nên cho bé ăn bột sớm như bà đang làm.

Bên cạnh việc tìm loại sữa phù hợp với lứa tuổi của bé và pha sữa theo đúng chỉ dẫn thì gia đình cũng nên tìm hiểu nguyên nhân ít sữa của mẹ bé là gì để có cách khắc phục vì sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất cho bé trong thời điểm này.

Thường thì nếu mẹ bé ăn tốt, ngủ đủ, tinh thần thoải mái và không có bệnh tật gì là sữa sẽ nhiều.

Khi bé được gần 6 tháng, bà có thể cho bé tập ăn bột với số lượng nhỏ rồi tăng dần. Bột nấu cho bé cần có đủ các thành phần dinh dưỡng (đạm, béo, đường, vitamin) để giúp bé phát triển cân đối. Bột phải nấu cùng thịt, cá, rau, củ nghiền nhỏ để bé không bị hóc.


3. Bé con chị gái em cứ bú mẹ xong, đặt nằm ngủ ngay, còn con của em lại thường bị trớ, có lúc ọc ra hết chỗ sữa vừa bú. Sau đó, bé lại đòi ăn nhưng em không dám cho ăn nhiều vì sợ bé tiếp tục trớ. Mong bác sĩ tư vấn giúp em! Phương Huyền (Hà Nội)

Bé mới sinh dễ bị trớ do dạ dày của bé lúc này nhỏ và nằm ngang, cơ co thắt thượng vị chưa phát triển hoàn thiện. Lý do nữa thường gặp là bé bú no hoặc nuốt nhiều không khí khi bú mẹ cũng gây nôn trớ. Bé nhà bạn bị trớ trong khi bé con chị gái bạn không bị là do các yếu tố gây trớ ở em bé của bạn nổi trội hơn.

Để khắc phục điều này, bạn nên ngồi khi cho bé bú, để bé ngậm hết quầng thâm của vú để tránh nuốt nhiều không khí vào dạ dày (nếu mệt quá thì nửa nằm, nửa ngồi, nhờ người khác đỡ bé).

Bạn chỉ nên cho bé ăn vừa phải, không để bé ăn no quá, không đặt bé nằm ngay sau khi ăn mà hãy bế bé cao đầu hoặc bế vác lên vai, đồng thời vỗ nhè nhẹ vào lưng bé để hơi không đọng lại trong dạ dày mà thoát ra dễ dàng.

Khi bé ợ lên một tiếng tức là hơi đã thoát ra, bạn cứ bế bé nguyên tư thế như vậy chứ không được thay đổi tư thế đột ngột. Lúc bé ợ có thể trớ ra một chút cặn sữa, không sao đâu.

Đối với em bé phải ăn thêm sữa ngoài thì tốt nhất là pha sữa rồi đổ thìa cho bé, nếu cho bú bình, bạn phải để đầu núm vú của bình sữa luôn đầy vì có khoảng trống là không khí chen vào ngay.

Trong và sau bữa ăn của bé, không nên đùa cho bé cười hoặc để bé khóc. Bên cạnh việc thực hiện những phương pháp trên, bạn cần theo dõi kỹ sự phát triển của bé. Có thể yên tâm khi bé tăng cân đều, tỉnh táo.

Đưa bé đi khám ngay nếu hiện tượng trớ kéo dài và có những dấu hiệu bất thường như sốt, tiêu chảy, cân nặng không tăng hoặc giảm cân.

Bác sĩ Đào Tuyết: Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương 

Thực hiện: depweb

08/06/2010, 15:43