Y học lý thú - Tạp chí Đẹp

Y học lý thú

Làm Đẹp

Trẻ em cũng thở dài

Bạn có bao giờ thấy con bạn thở dài không? Thấy thì đừng lo. Trẻ thở dài không phải do buồn bực, chán nản, thất vọng như người lớn mà chúng thở dài chính là đòi hỏi của cơ thể. Các bác sĩ nhi khoa ở Bệnh viện University Children Hospital ở Bern (Thụy Sĩ) cho biết: cứ khoảng 50 đến 100 nhịp thở, bé lại thở dài một lần.

Họ đã kiểm tra nhịp tim, lượng oxy trong máu và các yếu tố liên quan khác, thấy rằng thở dài, sau đó hít vào cũng dài hơn là sự tự điều chỉnh của cơ thể, dưới sự chỉ huy của bộ não.

Thở dài chẳng qua là sự thở sâu để cải thiện quá trình hô hấp, có lợi cho sức khỏe của chúng. Tuy nhiên, cũng có thể căn cứ vào số lần thở dài để theo dõi xem bé có bị mắc bệnh gì liên quan đến hô hấp không.

(Reuters)

Phụ nữ lớn tuổi uống bia? Tốt thôi!

Nhiều quý bà, trẻ không ưa bia rượu nhưng đứng tuổi, làm một ngụm bia lại thấy… hay hay. Tốt thôi! Đó là cái gật đầu ủng hộ của nhà y học.

 Trường Y, ĐH John Hopkins (Baltimore) theo dõi 150 phụ nữ lứa tuổi mãn kinh 49-62 uống bia với lượng tới… 3 cốc/ngày thấy sức khỏe của họ được cải thiện, đặc biệt tỷ lệ bị bệnh tim mạch có chiều hướng giảm.

Theo các nhà nghiên cứu của trường, phân tích cholesterol trong máu, thấy hàm lượng HDP (tức cholesterol tốt) tăng 12%, mà chỉ cần tăng 2% đã hạn chế được bệnh tim mạch rồi. Đồng thời tỷ lệ apolipoprotein (loại protein có ích cho tim) cũng tăng đến 9% so với thời trẻ của họ.

Như vậy thì các quý bà có ngà ngà một chút cũng như một cách phòng bệnh thôi, có gì ghê gớm đâu.

(Reuters)

Trẻ lớn khi nào?

GS Wilsman, một nhà “cừu học” đã theo dõi sự tăng trưởng của đàn cừu theo thời gian và nhận thấy chúng lớn vào ban đêm tuy ban ngày ra sức gặm cỏ. Ông giải thích: ban ngày khi cừu đi lại, chạy nhảy, đĩa tăng trưởng (gồm những sụn mềm ở chỏm xương) chuyển động liên tục và bị nén lại nên không phát triển.

 Còn ban đêm, cừu nằm yên, những áp lực lên đĩa tăng trưởng không còn nên xương có điều kiện để mọc dài ra.

Cừu như vậy, còn trẻ em thì sao? Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học ĐH Wisconsin-Madison cài những cảm biến (sensor) lên xương chậu trẻ em để theo dõi sự tăng xương. Quả nhiên, trẻ em cũng như vậy, 90% xương mọc dài ra khi ngủ.

(Reuters)

Ưu thế của các “chân dài”

Người ta đã biết nguyên nhân của bệnh tiểu đường thì nhiều, nào tiền sử gia đình, thói quen sinh hoạt, nào chế độ ăn uống, béo phì… Các nhà nghiên cứu Trường Y, ĐH John Hopkins lại tìm hiểu theo hướng khác: liên quan giữa cấu tạo cơ thể và bệnh tiểu đường.

Trên cơ sở số liệu thống kê của  8.700 người cả nam và nữ, đối chiếu giữa những người đã bị tiểu đường, người có triệu chứng kháng insulin (tức là có dấu hiệu sẽ bị tiểu đường) và người không bị bệnh. Kết quả: nhưng người đùi ngắn dễ bị tiểu đường nhất và đùi dài ít bị nhất. Cụ thể:

– Người không bị tiểu đường đùi dài trung bình 40,2cm

– Người kháng insulin đùi dài 39,1cm

– Người bị tiểu đường đùi dài 38,3cm.

Như vậy là đùi cứ ngắn đi 1cm thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng 19% ở phụ nữ da trắng và 13% ở phụ nữ da đen và Mỹ Latin.
Nguyên nhân hoàn toàn chưa rõ.
                                                                                               (MedicalDaily)

Pizza càng có lợi nếu…

Bánh pizza thuộc loại đồ ăn nhanh được ưa thích. Nhưng muốn nó bổ nữa thì làm thế nào?

Các nhà hóa học thực phẩm Trường ĐH Maryland thấy rằng nếu nướng bánh pizza ở nhiệt độ cao hơn, kết hợp với thời gian ủ để lên men và nướng lâu hơn (khống chế không để ảnh hưởng đến chất lượng và khẩu vị bánh pizza) thì có thể tăng được hàm lượng các chất chống oxy hóa (antioxidant) trong bánh lên.

 Và như ta đã biết, chất chống oxy hóa là tác nhân bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của những phân tử hoạt động, thường được gọi là gốc tự do. Chế độ làm bánh tối ưu là: tăng nhiệt độ lò nướng từ 204oC lên 287oC, thời gian ủ lên men là 18 giờ và thời gian nướng tăng từ 7 lên 14 phút.

Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng nhiều người vẫn thích thưởng thức lớp chất béo quết trên mặt bánh, thơm ngậy sau khi nướng. Lượng mỡ đó không tốt cho sức khỏe.

                                                                                                          (CNN)Vừa làm vừa chạy

Béo phì thuộc loại “bệnh văn phòng”, ngồi lì mà ít vận động. Để vừa ngồi một chỗ vừa vận động, các nhà nghiên cứu Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) đã sáng chế ra chiếc bàn làm việc, phía dưới chân là băng tải chuyển động buộc hai chân bạn phải chuyển động liên tục trên đó.

 Với chiếc bàn này, bạn có thể vừa ngồi làm việc giấy tờ, vừa vận động để tiêu hao năng lượng. Khi đo số calo bị tiêu hao, người ta thấy nó “đốt” được nhiều năng lượng hơn 100 calo so với 1 giờ đi bộ với tốc độ 1,6 km/h.

Nếu “vừa làm vừa chạy” và chế độ ăn không thay đổi thì sau 1 năm, bạn sẽ giảm được từ 20 đến 30kg.

Người ta không cho biết phải làm 2 việc một lúc như thế thì có mất tập trung không, hiệu suất lao động tăng giảm ra sao, nhưng cân nặng thì chắc giảm.

                                                                                                     (Reuters)Bạn chọn sôcôla hay thích được hôn?

Chuyện vớ vẩn, việc nào ra việc ấy chứ! Thế mà không! Tiến sĩ David Lewis, ĐH Middlsex (Anh) đã cho các cặp tình nhân hôn nhau và ăn sôcôla để “nghiên cứu” họ và đi đến kết luận là cả hai việc làm ấy đều mang lại khoái cảm như nhau thông qua việc xác định nhịp tim, hocmon nội sinh trong máu và lời thú nhận của chính người trong cuộc.

Ông cho biết: Trong sôcôla có chứa các chất kích thích. Đó là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Song sôcôla có hiệu quả hơn rõ rệt. Nó khiến não hoạt động mạnh hơn. Tim đập nhanh hơn.

Thời gian gây hưng phấn và hiệu ứng gây “ngây ngất” thì nụ hôn thua xa một thanh sôcôla nguyên chất. Sôcôla có hiệu quả tổng hợp gấp 4 lần một chiếc “gắn môi” nồng nàn. Nhưng chắc chẳng cặp tình nhân nào nghe nhà khoa học “xui dại” đâu.

                                                                                                      (Reuters)

                                                                                                     Bảo Châu

Thực hiện: depweb

13/06/2007, 10:28