Y học lý thú

Một công đôi việc

Những nhà nghiên cứu tại ĐH California (Irvine) đã có một phát hiện mới khi điều trị ung thư: Thuốc hạn chế sự phát triển những khối u ác tính histone diacetylase (HDAC) không những làm bệnh không tiến triển mà còn làm cho bệnh nhân… minh mẫn ra.

Tác dụng phụ của nó thật thú vị: nó tác dụng trực tiếp vào vùng đồi thị, tăng cường trí nhớ và củng cố sự kết nối thần kinh của người bệnh. Cơ chế hóa học của nó là làm duỗi cấu tạo protein, tổ chức lại khiến chúng sắp xếp chặt chẽ hơn.

Vì vậy thuốc này còn có thể dùng để chữa một số bệnh liên quan đến thần kinh như bệnh lãng trí ở người già Alzheimer, bệnh Huttington…

Nó cũng giống như trường hợp Viagra, vì mục đích ban đầu của Viagra là chữa bệnh tim chứ đâu phải là “ông uống bà khen”.

( UPI)

 

 Giảm béo mà không bị đói

Dường như thủ phạm chính của sự béo phì là… đói, bởi nó bắt người ta phải chén quá mức, dù biết có hại nhưng không cưỡng lại được. Do vậy, một nhà khoa học trẻ Israel tên là Yaniv Linde (ĐH Hebrew) đã nghĩ ra một phương pháp giảm béo bằng cảm giác… ”khiếp, no không chịu nổi!”. Đó là hoóc mon aMSH. Nó tiết ra khi ăn, kết hợp với thụ quan MC4R trên não và khi não thấy đã đầy bụng liền ra lệnh cho miệng: “Thôi ngay đi!”.

Linde đã tổng hợp được một peptid có tính chất rất giống aMSH khi uống nó sẽ thấm vào máu, lên não, tác động vào thụ quan MC4R. Bị “lừa”, thụ quan MC4R thấy đã đủ “no nê ” rồi bèn ra lệnh ngừng ăn.

Thí nghiệm trên chuột, thấy một liều đủ phát huy hiệu lực chán ăn trong 24 giờ và sau một tuần, nàng chuột dù mập đến mấy cũng giảm 40% trọng lượng. Những thí nghiệm trên người cũng tỏ ra đầy triển vọng. Linde đã được giải thưởng nghiên cứu khoa học Kate và đăng ký bản quyền sang Anh, Mỹ. ĐH Hebrew cũng đã chuyển giao công nghệ cho hãng Bioline RX Ltd. để đưa vào sản xuất.

  (Science Daily)

 

  Trà cũng trị béo phì

Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện trà có tác dụng lấy đi những lượng mỡ thừa tích lũy ở bụng, đùi… Những nghiên cứu tiến hành trong 5 năm qua đã cho phép họ kết luận: các polyphenol có nhiều trong trà Ô long đã thúc đẩy quá trình trao đổi lipid trong cơ thể và nhờ vậy có thể kiểm soát được bệnh béo phì. Giám đốc Bệnh viện Nhi khoa tại Nam Kinh là Kinh Guo Xirong cho biết, tất cả các loại trà, từ trà xanh đến trà đen đều có tác dụng này.

Phụ nữ nghiện trà có gì là xấu đâu! Lại “đẹp” nữa.

  (Reuters)

Nội trợ tốt, tiểu đường giảm

Các nhà khoa học ĐH Queensland và Viện Tiểu đường quốc tế tại Melbourne (Australia) đã theo dõi một cách hệ thống mức đường trong máu của 173 người nhiều ngành nghề trong vòng một tuần.

 Kết luận bước đầu cho thấy nếu làm những việc nội trợ như lau dọn nhà, giặt giũ, là quần áo, nấu ăn… thì mỗi giờ giảm được mức đường trong máu 0,2 mmol/lit (người bình thường mức đường trong máu từ 4 đến 6,5 mmol/lit, cao hơn là có nguy cơ bị tiểu đường).

Phát hiện này quả là tin vui đối với các bà nội trợ, vì nó có khả năng lôi kéo các ông xã chia sẻ công việc với họ một cách tự nguyện.

 (AP)


Ve sầu làm điếc tai
  

Tiếng ve là một trong những kỷ niệm thời thơ ấu, nhưng sự ồn ào quá đáng của chúng trong mùa hè ở nhiều vùng nông thôn lại có hại. Vừa qua, loài côn trùng 17 năm mới hoàn thành một kiếp này làm náo loạn thành phố Chicago (Mỹ) khiến giới y học phải lên tiếng.

Tiếng ve, tức tiếng loài côn trùng này gọi bạn để cặp đôi lên tới 90 decibel, tương đương tiếng xe ủi và xe lăn đường đã gây ra căng thẳng về sức khỏe và trí não cho mọi người. Billy Martin, một chuyên gia về thính giác thuộc ĐH Y học và Khoa học Oregon (Mỹ) cho biết nó làm giảm thính lực của người trong vùng, gây cho người ta có cảm giác bực bội, lo âu và tăng huyết áp. Vấn đề diệt ve sầu đã được đặt ra.

 (Science daily)

 
Tổn thương não dẫn đến tài năng nghệ thuật

Nữ Giáo sư Valeria Drago (ĐH Y Florida (Mỹ) cùng một nhóm sinh viên đã nghiên cứu nghệ thuật của một phụ nữ bỗng nhiên trở thành họa sĩ nổi tiếng trước khi bà ta bị bệnh thoái hóa thùy trán-thái dương (frontotemporal lobar degeneration, viết tắt FTLD).

Bà theo dõi 40 bức vẽ của bệnh nhân ở những thời kỳ khác nhau, nhờ những chuyên gia nghệ thuật thẩm định và họ đều thấy khi bệnh tiến triển tốt do được điều trị, kỹ thuật hội họa của bà ta cũng tốt lên nhưng xúc cảm và sự sáng tạo lại tồi đi.

Drago cho rằng khi FTLD đã được chữa khỏi, nhưng phần não phụ trách hội họa và những kỹ năng nghệ thuật khác vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ có hệ bản tính (limbic system), một mạng thần kinh liên quan đến việc biểu lộ bản năng và tính khí biểu lộ cảm xúc bị hư hại.

 (Reuters)

 

 Stress trong lòng mẹ

Những tác động xấu đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ luôn là stress, sự cẩu thả lơ là trong chăm sóc hoặc bị ngược đãi. Những bào thai trong cơ thể mẹ cũng bị ảnh hưởng rõ rệt của stress.

Đặc biệt đối với bào thai bé trai, stress kìm chế sự phát triển vùng điều khiển cảm xúc của não. Nữ bác học Katharina Braun (University of Magdeburg), người trẻ tuổi nhất trong Hội nghị Thần kinh học châu Âu (Vienna 2006) đã trình bày kết quả nghiên cứu vấn đề này qua cuộc thử nghiệm những chú chuột.

 Những con chuột mang thai ở giai đoạn cuối bị ảnh hưởng stress trong quá trình vận chuyển. Những chú chuột con sinh ra dễ bị căng thẳng, có phản ứng cuồng loạn khi bị kích thích, khác hẳn những con chuột cùng thế hệ có mẹ mang thai trong yên bình. Chúng có những triệu chứng thần kinh phân liệt.

 Qua phân tích kết quả thí nghiệm, người ta thấy rõ ràng những dấu hiệu gây stress trong não chúng. Hai vùng điều khiển tình cảm bị kém phát triển rõ rệt. Điều này chỉ thấy xuất hiện ở những con đực mà không có  ở những con cái. Braun đưa ra kết luận: Chuột là loài vật có tập quán sống bầy đàn. Quá trình phát triển từ bào thai đến trưởng thành và cấu trúc cơ thể của chúng rất giống con người. Từ đó ta có thể liên hệ đến ảnh hưởng của stress đối với thai nhi nam của con người.

  (Tạp chí Tâm lý học ngày nay – Đức)

 

 

 

 


From the same category