Y Ban: Tôi không nhẫn được

Vừa gặp tôi, chị than vãn: “Ôi mong cho hết năm nay đi, sắp hết nửa năm rồi đấy, thôi đen thì đen nửa năm về trước đi… Tháng trước, tôi lăn đùng ra ốm, tôi tự nhủ rằng thôi, tôi đang thách thức đây, tôi không cúng bái gì nữa, kệ, đập chết tôi đi…”.

Tôi biết, Y Ban đang gặp… hạn. Có quá nhiều chuyện xảy ra với chị như chuyện công việc, lại vụ tập truyện “I’m đàn bà” bị thu hồi, rồi truyện ngắn “I’m đàn bà” bị tước giải thưởng với lý do phạm luật đã in ở sách trước, rồi cơ số chuyện khác nữa…

Chị hiểu thế nào về chữ nhẫn thời xưa, và chữ nhẫn thời hiện đại?

Ngày xưa được cha mẹ thường dạy dỗ lại cho con gái: Tam tòng tứ đức, còn con trai là: quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử. Và chữ nhẫn cũng từ triết lý sống ấy mà ra.

Còn chữ nhẫn bây giờ nó sẽ được vận dụng trên cơ sở pháp lý và văn hóa và sự hiểu biết của từng người. Bình thường nhất người ta có thể đánh tráo chữ nhẫn thành sự ngậm miệng để yên thân, ngậm miệng để ăn tiền.

Còn hơn thế nữa, tôi đã nhìn thấy rất nhiều trường hợp, ngậm miệng cũng chẳng yên thân, nói gì đến ăn tiền nữa.

Quay lại với những tác phẩm của chị, tôi thấy chữ nhẫn được nói đến rất nhiều?

Trong truyện “Ai dạy dùm tôi”, người mẹ dạy con gái chữ ­nhẫn bằng cách vót cho con gái một đôi que đan với một cái giỏ đựng đầy sợi gai và ròng rã 7 năm trời, cô nhẫn nhục nuôi chồng cho đến khi chàng đủ lông đủ cánh và tạm biệt cô một cách phũ phàng.

Người phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn bị giằng xé giữa cái tam tòng tứ đức và cái quyền con người, quyền của người phụ nữ hiện đại. Vì vậy mà trong hoàn cảnh này thì nhân vật của tôi vin vào tam tòng tứ đức, trong hoàn cảnh khác thì lại vin vào cái quyền con người hiện đại.

Và tôi đã nghiêng về bên người phụ nữ phải được sống như cái quyền họ được sống.

Dường như khi người ta không chịu đựng và nhẫn nhục mãi, người ta bắt đầu… vùng lên?

Thực ra, người đàn bà Việt Nam, mẹ tôi, và giờ đây, ngay cả tôi cũng vậy (tuy rằng tôi là một người phá cách), nhưng tôi vẫn dạy cho con gái chữ nhẫn. Mà thực ra, là chữ nhịn.

Chữ nhẫn, ít được dùng đến, chứ tôi dám chắc, cái câu một điều nhịn, là chín điều lành là câu cửa miệng của người Việt ta. Và dù được dạy dỗ thật đấy, nhưng người ta không hiểu hết chữ nhẫn là như thế nào.

Nhẫn, ngoài sự nhịn, thì phải có sự hiểu biết để đối xử và lòng khoan dung, vị tha thì ở người Việt, là rất ít.

Rồi đằng sau cái chữ nhẫn thái quá ấy, là “đạp” vào mặt nhau đi. Con gà, tức nhau tiếng gáy, nên đôi khi người ta không vì một cái cớ gì cả, nói (chửi) nhau rất kinh khủng.

Tôi nhớ, ở nhiều vùng, có những bài chửi bài bản, mà đau đớn. Người ta can nhau, cũng bằng câu: “Thôi nhịn đi, nhịn đi”, nhưng chỉ 5 phút sau, người ta lại có thể hòa vào đám chửi nhau rất to.

Hồi xưa còn có các cụ trưởng thôn, trưởng làng, những ông tiên chỉ, hay những cụ chùa, được coi là người giải quyết mâu thuẫn, hòa giải, và lúc ấy, chữ nhẫn, chữ nhịn, lại được lôi ra để răn dạy nhau.

Theo chị, trong chính cuộc sống chồng vợ của mình, và phụ nữ nói chung, chữ nhẫn trong tình dục sẽ như thế nào?

Trước kia người phụ nữ Á Đông khi lên giường với chồng dường như chỉ để thực hiện một nhiệm vụ: duy trì nòi giống cho nhà chồng. Có nhiều người tìm được khoái lạc khi ân ái với chồng thì lập tức bị mẹ chồng can thiệp: “Rồi cô lại giết chồng bằng cái thứ đấy của cô mất thôi!”.

Thế là người đàn bà cắn răng chịu một chữ nhẫn nhục với chồng, mặc cho chồng giày vò tấm thân mình mà không có sự hợp tác, mà đôi khi vì không có sự hợp tác đó mà còn bị đánh đập, chửi rủa.

Bây giờ dù cuộc sống hiện đại đã tràn vào tận gường ngủ nhưng đa phần người phụ nữ Á Đông vẫn luôn thụ động trong chuyện chăn gối với chồng. Chuyện đó sẽ dẫn đến bi kịch là người chồng sẽ chán người vợ thụ động và tẻ ngắt đó.

Chị nói rằng, thời nay, phụ nữ có học thức, thường là không nhẫn nhịn được, điều này liệu có mâu thuẫn không?

Như tôi đã trả lời ở trên rằng, trong cuộc sống hiện đại chữ nhẫn sẽ được vận dụng trên ba yếu tố: Cơ sở pháp lý, văn hóa và sự hiểu biết.

Là một người có học có văn hóa, có sự hiểu biết thì dù có nhẫn đến đâu cũng không thể cứ mãi chung sống với một người chồng nhiều thói hư tật xấu. Hoặc không cờ bạc rượu chè trai gái, thì vô trách nhiệm.

Tôi đã từng nghe nhiều ông chồng kêu lên với vợ rằng: “Tôi không cờ bạc rượu chè, không trai gái đĩ bợm, thì cô còn đòi hỏi gì nữa?”

Tôi hỏi những người vợ ấy rằng: “Họ tốt thế sao không sống tốt được với nhau?” Có người thì bảo: “Không cờ bạc rượu chè, không trai gái đĩ bợm nhưng mà nhạt thếch!”.

Có người thì bảo: “Gia trưởng thế có ma nó đi với…” Nhưng mặt khác tôi cũng thấy nhiều chị em quá yêu bản thân mình nên ích kỷ, không thể chia sẻ được với ai. Đó lại là một bi kịch khác.

Còn chị thì sao, một nhà văn đã có những năm tháng buôn bán ngoài vỉa hè, có phải “tu” gì ở giữa chốn chợ búa không?

Xưa, tôi đâu có biết cắt tiết một con gà thế nào. Thế mà vì mưu sinh, vì cuộc sống gia đình và con cái, mà tôi một ngày làm thịt đến 25 con gà, tiền kiếm được cũng rất nhiều.

Tôi bán hàng, nhưng tuyệt nhiên chưa ai thấy tôi nặng nề, cãi vã nhau với ai một câu. Thời gian ấy, quả là đã đem lại cho tôi rất nhiều bài học trong cuộc sống.

Các cụ có câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Chẳng cứ phải là người buôn bán ngoài vỉa hè, mà đã là phụ nữ thì phải đi chợ.

Tôi biết, đi chợ là cả một cái sự “tu” của chị em phụ nữ. Ngay cả siêu thị, chỉ cần vào nhặt hàng và trả tiền mà đôi khi cãi chửi nhau đến cả tiếng đồng hồ.

Nhà chị luôn có lửa, lúc nào cũng “hot” cả, vậy cái chữ nhẫn, lúc đó sẽ diễn ra như thế nào?

Chồng tôi luôn nói: Không mang lửa về nhà, nhưng chính đồng chí đó lại hay bị con gái tôi nhắc nhở: “Bố bảo không được mang lửa về nhà thế mà tại sao bố lại cứ mang lửa về?”.

Khi được con cái nhắc nhở bao giờ chúng tôi cũng lắng lại. Có thể đó chính là vì một chữ nhẫn chăng? Chứ với một nghệ sĩ mà không còn lửa nữa thì coi như “toi nghiệp rồi.”

Hồi xưa, có lần chúng tôi “hục hặc”, bản thảo của tôi bị anh xé hết, tôi cáu quá, cũng bê tượng của anh ra đập… Sau này, mỗi lần có chuyện, nhìn con cái, chúng tôi đã “nhẫn” hơn nhiều…

Chị có muốn tìm đến thiền, đến nhẫn không?

Tôi là một người phụ nữ luôn bị giằng xé giữa cái truyền thống và cái cách tân. Tôi rất thích thiền, đã đi học thiền. Tôi treo một chữ nhẫn trong nhà, luôn dạy con chữ nhẫn, nhưng tôi lại không nhẫn được. Trong tim tôi luôn có một ngọn lửa, nó luôn đốt tôi cháy lên.

 Lan Anh

 Ảnh: Quang Bảo

 


From the same category