Julia Kristin, 26 tuổi:
“Sẽ trở thành Anna Wintour trong tương lai”
VĐV điền kinh quốc gia thành người mẫu Click Models và BTV thời trang cho tạp chí Idoll
Từ Đức tới New York: 02/2009
Dù đã từng gặt hái nhiều thành công tại quê hương Đức một ngày ngẫu nhiên, cựu vận động viên điền kinh của tuyển quốc gia Đức xinh đẹp tên Julia quyết tâm “nghỉ hưu” sớm trên đường đua để dành sức cho đường chạy đòi hỏi nhiều sức bền không kém: sàn catwalk. “2009 là năm tôi đặt chân tới New York với mục tiêu ký được hợp đồng dài hạn với công ty người mẫu để có visa làm việc. Ý định thất bại, tôi đành về châu Âu làm việc năm tháng tại Milan trong khi thâm tâm vẫn muốn bằng mọi giá phải quay lại Mỹ. Ngày 19/10/2009 có thể gọi là định mệnh khi NY chào đón tôi lần thứ hai – quý cô Julia với 140 đô la giắt túi và một chỗ ngả lưng trên ghế sofa nhà một người bạn”.
![](/Uploaded/phuongnth/2011_06_13/Julia.jpg)
Julia chia sẻ rằng nếu muốn leo lên hàng top trong làng người mẫu ở nơi luôn dư thừa sự cạnh tranh cùng cực về nghề nghiệp như NY hẳn nhiên cô phải thỏa hiệp (sống sao cho thật lành mạnh) và khổ luyện rất nhiều. Với vị trí hiện nay là người mẫu đại diện của “agency” nổi tiếng Click Models (công việc Julia có được ba tháng sau cái ngày định mệnh kia), những con số như: 15-18 show thử đồ một ngày trong những tuần lễ thời trang hay một menu chỉ được tính bằng lượng cà phê, chuối, sữa chua và ngũ cốc là những điều khiến Julia… mỉm cười hạnh phúc.
Để sống sót ở NY, “đừng chờ đợi hay nương tựa vào người khác nếu bạn muốn thành công. Tôi vẫn luôn cười thầm khi có ai đó ‘hứa hươu hứa vượn’ rằng: ‘Julia, tôi sẽ giúp cô trở nên nổi tiếng và giàu có’.” Julia vừa cười, vừa nói thêm: “Những thất bại lớn và những thành công nhỏ trong suốt hai năm qua chỉ khiến tôi thêm đứng vững hơn trên đôi chân của chính mình, và không phải chỉ trên sàn catwalk đâu nhé!”.
Thực đơn một ngày của Julia
Sáng: 1-2 ly cà phê không đường kèm sữa không béo, sữa chua Hi Lạp trộn với ngũ cốc và trái cây tươi.
Trưa: 1 bát salát lớn kèm 1 bánh mỳ sandwich nhỏ hoặc 1 bát súp.
Tối: 1 ức gà với rau xanh.
Ghi nhớ: Hạn chế ăn vặt. Đôi khi có thể cho phép mình uống sinh tố hoặc ăn granola bars nếu thấy quá mệt.
Joohee Han, 23 tuổi:
“Muốn có được sự đồng cảm của người thưởng thức”
Sinh viên văn học thành nhiếp ảnh gia phố Bronx
Từ Hàn Quốc tới New York: 04/07/2010
Gặp được Joohee rất khó. Các cuộc gọi của bạn sẽ nhanh chóng được chuyển sang chế độ voicemail và một tiếng nói được ghi âm sẵn sẽ khuyên bạn chân thành rằng bạn nên gọi lại vào ban đêm. Đơn giản vì khi đó chủ nhân của số máy bạn gọi mới bắt đầu ngày làm việc của mình.
![](/Uploaded/phuongnth/2011_06_13/Joohee.jpg)
Từ bỏ chuyên ngành văn học, Joohee rời Seoul tới NY theo đuổi nhiếp ảnh. Ít ai hình dung được một cô gái nhỏ nhắn và rất kiệm lời này lại thích bám đuổi những phóng sự ảnh gai góc và “hầm hố” như nghệ sĩ xăm hình ở khu phố nhộn nhạo Bronx, hay rác trên phố đêm NY. Vì sao thế? “Bản thân mình không nghĩ nhiều liệu đó có phải là các đề tài gai góc hay không. Nhưng quả thật nhiều bạn bè và đồng nghiệp vẫn nhận xét Joohee có mắt cảm nhận và đặc tả được cái đẹp từ những cái xấu xí, bẩn thỉu nhất.
Mọi dự án ảnh có lẽ vì thế đều được hình thành rất tự nhiên. Ngay cả câu chuyện chụp ảnh NY về đêm cũng vậy. Lúc đầu mình chỉ chụp phố Houston thế rồi ‘nghiện’ luôn chụp hình về đêm. Người ta vẫn luôn nói NY là thành phố không ngủ nhưng trên Houston, NY tĩnh lặng vô cùng.”
Hiện tại, Joohee đang chuẩn bị dự án ảnh cá nhân mới nhất về tác hại của hút thuốc lá mà cô kết hợp với nghệ thuật sắp đặt.
Ksenia Gopkalo, 22 tuổi:
“Muốn tìm ra chính mình”
VĐV thể dục dụng cụ thành nhà làm phim
Từ Kyrgyzstan đến New York: 2005
Ksenia đã dạy thể dục dụng cụ tại các trung tâm ở NY suốt bốn năm trước khi cô tìm ra mình trong điện ảnh.
![](/Uploaded/phuongnth/2011_06_13/Ksenia.jpg)
“Tôi muốn ‘kể chuyện’ bằng hình ảnh. Vì thế tôi chọn làm phim. Điều quan trọng trong mỗi tác phẩm chính là ý tưởng. Câu chuyện hay hình ảnh của bộ phim có đẹp đến đâu, nếu trống rỗng về ý tưởng, tôi cũng sẽ lãng quên ngay”.
“Cái đẹp là một cái khung vững chắc cho một tác phẩm tốt. Mục tiêu của tôi là không để nó trống rỗng hay có quá nhiều ý tưởng tuyệt vời tới mức chúng không cần đóng khung. Theo tôi đó là áp lực của bất
kỳ một nghệ sĩ ‘kể chuyện’ nào.”
“Là nghệ sĩ kể chuyện, bạn phải biết giữ lập trường và quan điểm của mình, biết bảo vệ ý tưởng của mình. Dù ý tưởng có khó hiểu hay cách thể hiện có không-giống-ai đến đâu, tôi luôn muốn người xem tự đi tìm và khám phá câu chuyện của mình. Hãy để tác phẩm tự lên tiếng. Đừng giải thích!”
Những điều KSenia học được từ cuộc sống ở NY:
– Phải luôn biết theo đuổi giấc mơ của mình đến cùng
– Luôn lắng nghe điều trái tim mách bảo
– Vận dụng cái ‘đầu’ trong mọi tình huống
– Giữ những gì đặc sắc nhất của bản thân
– Đây là chốn hiếm hoi trên thế giới mà chó mèo hoang không phải sống cơ nhỡ trên đường phố.
Momoe Narazaki, 20 tuổi:
“Mơ về những tác phẩm lay động cảm xúc”
Thiết kế đồ họa
Từ Nhật tới New York: 26/05/2009
Mặc dù đã có sẵn hai người thầy ngay trong gia đình là cha Yoshinobu Narazaki (giáo sư môn đồ họa tại Đại học Mỹ thuật và thiết kế Tokyo nổi tiếng) và mẹ Keiko Narazaki (nghệ nhân thiết kế trang sức), 19 tuổi Momoe vẫn quyết định mò mẫm tới NY để tầm sư học đạo.
![](/Uploaded/phuongnth/2011_06_13/Momoe.jpg)
Momoe giải thích rằng dù chỉ có một mình nơi đất khách, vừa phải học nghề lại vừa phải “bù lỗ” vốn tiếng Anh vẫn còn thủng lỗ chỗ nhưng đổi lại cô được được sống bằng đam mê. “Và thật may, đam mê của tôi lại là môn nghệ thuật không có… âm tiết.” (cười) “Hành trình tôi đến với đồ họa cũng là hành trình tôi đi tìm những cách thể hiện các giá trị vốn dĩ vô hình khó nắm bắt. Chúng là cảm xúc, tâm trạng, ý tưởng và trí tưởng tượng. Tôi mơ một ngày nào đó sẽ ‘sản xuất’ ra những tuyệt tác giàu sức lay động như các tác phẩm của Ray-mond Savignac, thiết kế poster nổi tiếng người Pháp và cũng là thần tượng của tôi.”
“Còn vì sao lại là NY ư? Vì thành phố này đem tới nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo cá nhân: từ kiến trúc, lối sống, cho tới con người và thiên nhiên. Ở đây, chưa lúc nào tôi cho phép mình lười biếng và buông bút vẽ”.
Yadira Badly, 28 tuổi:
“Sẽ thực hiện hết tất cả những giấc mơ của mình”
Diễn viên/ Người mẫu/ Họa sĩ
Tới New York: 2001
Nên gọi Yadira là “kẻ tham công tiếc việc” vì xen giữa những giờ đứng trước ống kính máy quay (Yadira đã xuất hiện trong series truyền hình ăn khách 30 Rock), Yarida còn đóng quảng cáo và xuất hiện trên sàn catwalk. “Người mẫu là nghề kiếm cơm đầu tiên của tôi đấy! Tôi được tình cờ phát hiện từ năm 14 tuổi khi tham gia làm người mẫu tại show diễn thời trang ở trường trung học. Nhưng “điểm đổi đời” thì phải là lúc nghe tin được mời thử vai cho một 30 Rock của thần tượng Tina Fey. Tôi đã hú hét như điên vào giây phút ấy…”
![](Uploaded/phuongnth/2011_06_13/Yarida.jpg)
Gần đây, Yarida quay sang chăm chút cho hai đam mê cá nhân là hội họa và văn học. Hiện nàng đang gấp rút hoàn tất cuốn sách đầu tiên kết hợp các tác phẩm hội họa và thơ ca của chính mình. Còn sau đó? “Sẽ là một triển lãm cá nhân của riêng tôi. Tôi đã nói là sẽ làm. Tốt nhất bạn nên tin tôi đi!” (cười)
Một ngày của Yadira
– 8:30 a.m: bắt đầu ngày mới bằng yoga
– 9 a.m: check email để nhận casting thử vai từ “agency”
– 10 a.m – 9 p.m: tùy ngày sẽ là đóng phim truyền hình/ diễn thời trang hoặc tham gia đóng phim quảng cáo.
– 9 p.m – đêm: vẽ/ viết thơ tùy cảm hứng
Lê An, 25 tuổi:
“Sẽ về Hà Nội mở trung tâm tập gym”
Kiểm toán viên thành VĐV marathon nghiệp dư
Tới New York: 2007
Nghề kiểm toán viên ở KPMG đòi hỏi An ôm máy tính ít nhất tám tiếng một ngày. Thời gian sau giờ làm việc cô dành cho một đam mê cũng gần gũi với con số: marathon!
![](/Uploaded/phuongnth/2011_06_13/Le%20An.jpg)
“Tôi bắt đầu tập chạy từ hai năm trước. Tôi học được từ marathon sự kiên nhẫn và sức bền. Chạy marathon đòi hỏi phải luyện tập gắt gao ba tháng trước cuộc đua, mỗi tuần phải chạy tổng cộng ít nhất 50km”, An cho biết. “Tôi tin marathon là một trong những cách xả stress hữu hiệu nhất. Không có khoảnh khắc nào tuyệt vời bằng lúc kết thúc một cuộc chạy dài đâu!”
Sau cuộc đua bán marathon và thriathlon (cuộc đua đường dài kết hợp chạy, bơi, đạp xe), rốt cuộc An cũng đã tích đủ điểm để tham gia chạy cuộc thi marathon New York 2011 diễn ra trong tháng 10 tới. “Sau khi hoàn tất một trong những cuộc đua mara-thon lớn nhất thế giới này, tôi sẽ về Hà Nội mở trung tâm tập gym. Hẹn Việt Nam cuối năm 2012 nhé!”
Các cột mốc quan trọng nhất trong đời chạy mara-thon của An:
1/2010: hoàn thành chặng bán mara-thon Manhattan (20 km)
5/2010: hoàn thành chặng bán mara-thon Brooklyn (20 km)
7/2010: hoàn thành chặng bán mara-thon Queens (20 km)
7/2010: hoàn thành cuộc thi triathlon NYRR