Xưng tụng quá đà và ném đá tàn nhẫn

LTS: Bắt đầu từ tuần này, Văn hóa Vietnamnet sẽ mở chuyên mục “Người quan sát” với những bài bình luận về các vấn đề văn hóa và giải trí nóng trong nước cũng như quốc tế với những góc nhìn riêng biệt. Các bài viết sẽ được đăng tải định kỳ vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần.

Khi những ồn ào quanh Giọng hát Việt (phiên bản của The Voice) còn chưa tan thì một chương trình khác là Thần tượng âm nhạc (Vietnam Idol) mùa mới 2012 đã kịp tung ra khúc dạo đầu quen thuộc bằng những màn trình diễn đầy hồn nhiên của hàng loạt giọng ca “thảm họa”. Việc xếp đặt những tiết mục như vậy không nằm ngoài chiêu thức tạo chú ý bằng những trò hài hước.


Những thí sinh của Vietnam Idol 2012, ai sẽ tỏa sáng và ai sẽ hứng chịu những trận ném đá của dư luận?

Cỗ máy tạo…xì căng đan

Trong trường hợp này, thông điệp kêu gọi “tự tin tỏa sáng” của chương trình có thể xem là tàn nhẫn, lợi dụng và gây nhiều thương tổn cho những thí sinh, những người mà sau đó bị đem ra chế giễu bằng các từ “dị”, “bựa”, “nhảm nhí”… trong các đoạn video lan truyền và…”để đời” trên mạng.

Ngoài hai tâm bão gây sóng gió dư luận trên, bầu khí quyển của làng giải trí còn đang hình thành những vùng áp thấp tham vọng trở thành “bão truyền thông” như: Thử thách cùng bước nhảy (So you think you can dance), Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model), Cặp đôi hoàn hảo (Just the Two of Us) và Tìm kiếm tài năng (Vietnam’s Got Talent).

Tất nhiên, động cơ làm bão không gì hơn ngoài những đồng tiền kiếm được nhờ tỷ lệ người xem cao, kéo theo quảng cáo và tin nhắn bình chọn. Cũng như, một khi nội dung chuyên môn nhạt nhòa thì sức mạnh đẩy thành bão không gì khác ngoài các vụ xì căng đan làm nhiễu loạn làng giải trí.

Việc áp dụng các nguyên tắc và cách làm từ phiên bản gốc của truyền hình Âu – Mỹ thường đồng nghĩa với việc bộ máy sản xuất phiên bản Việt phải vận hành trong các chuẩn mực chuyên nghiệp.


Uyên Linh, ca sĩ trẻ bước vào làng âm nhạc từ bệ đỡ cuộc thi Vietnam Idol 2011.

Nếu không tính tới vài sự cố thí sinh vạch trần hậu trường sản xuất của Vietnam Idol hay Vietnam’s Next Top Model, nhiều show truyền hình thực tế đã thành công trong việc phong tỏa những thông tin hậu trường nhằm chứng minh các vụ xì căng đan là vô tình hay cố ý dàn dựng. Thậm chí, chương trình Giọng hát Việt còn phát tờ giấy cam kết về bảo mật đến tận…khán giả ngồi trong trường quay.

Nhưng dù cơn bão xì căng đan có dậy sóng đến đâu, gây tổn thương cho những ai, thì những chương trình vẫn luôn chứng tỏ chúng là những cỗ máy không chùn bước và hưởng lợi từ tất cả những hỉ, nộ, ái, ố mà nó gây ra cho công chúng. Chúng chỉ có thể dừng lại khi người xem tẩy chay hoặc chán ngán, nhưng điều này lại chưa xảy ra.

Hai cực đoan từ một thực tế được dàn dựng 

Kể từ khi được nhập khẩu thông qua các hợp đồng chuyển nhượng bản quyền (có khi lên tới cả triệu USD như Vietnam Idol), các show truyền hình thực tế thành công nhất tại VN thường có sự trộn lẫn giữa tính chất trò chơi, tài liệu và giải trí ca vũ nhạc. Khác với truyền hình Âu – Mỹ, nơi có cả thành công cho những chương trình bới móc đời tư của các thí sinh hay quăng họ vào những cuộc phiêu lưu, giành giật bộc lộ khía cạnh xấu tính của con người như tham lam, đố kỵ hay âm mưu…


Giám khảo có thể là người có chuyên môn hoặc không chuyên môn, nhưng phải là người nổi tiếng và biết pha trò.

Những chương trình mang đặc tính kể trên tại VN có khía cạnh hấp dẫn là đặt những con người, từ nổi tiếng đến vô danh, vào tâm điểm của một bối cảnh hào nhoáng và hư ảo: sân khấu lộng lấy, tiếng vỗ tay hò hét, hàng triệu người theo dõi…Chúng cuốn hút những người vô danh bằng sự không ngừng khích lệ làm những “điều phi thường”.

Chúng cũng gây cảm hứng cho các nghệ sĩ bằng cách khuyến khích họ “làm chuyện lạ” trước công chúng như kiểu ca sĩ đi thi nhảy, nhạc sĩ nhận xét khiêu vũ, diễn viên thi hát… Đồng thời, mang lại tiền bạc và cơ hội tạo lập/ duy trì sự nổi tiếng cho họ.

Kết quả là hàng ngàn người trẻ nuôi ước mộng xếp hàng đăng ký các trò chơi “tìm kiếm tài năng”, cũng như hàng loạt nghệ sĩ bỏ công việc chuyên môn để đi làm những chuyện “lu bu” trên truyền hình thực tế.

Trong dịp ghé thăm và trình chiếu phim tại TP.HCM hồi cuối năm ngoái, hai nhà làm phim tài liệu người Mỹ là Steven Klein và Melinda Levin bày tỏ sự thất vọng về sự thống trị của các chương trình truyền hình thực tế. Họ gọi đây là “rác rưởi” của thể loại tài liệu. Có thể hiểu vì sao họ lại khó chịu như vậy, nếu xét trên cách mà các chương trình này đã khai thác phong cách tài liệu để biến các tập phim được biên tập và dàn dựng kỹ lưỡng trở thành “truyền hình thực tế”.

Thế nên, điều cần được hiểu là “thực tế” ở đây là “thực tế” được cắt gọt theo chủ ý của nhà sản xuất. Nơi mà tất cả những phô bày của thí sinh đều trở thành “hoàn hảo”, từ những khiếm khuyết, sai lầm, ảo tưởng cho tới những ước vọng, những điểm sáng vừa phải của tài năng. Do vậy, những cảm xúc mà chương trình gây ra cho công chúng thường nằm ở hai đầu của cực đoan: hoặc xưng tụng quá đà, hoặc ném đá tàn nhẫn.

Theo Vietnamnet

From the same category