Bức thư viết*
”Lev, con trai yêu quý!
Người ta nói ”Không ai có thể tắm 2 lần trong cùng 1 dòng sông”, vậy mà con đã làm được điều đó.
Lần đầu con xuống tắm khi con mới 17 tuổi, và con đã dũng cảm lội ngược dòng nước, vượt qua tất cả để lớn lên, trở nên thông minh và chững chạc hơn.
Lần thứ 2 khi con đã là 1 người trưởng thành và chuyên nghiệp thực sự.
HÃY BƠI NỮA CON NHÉ! MẸ LUÔN CẦU NGUYỆN CHO CON. XIN TẠ ƠN ĐỨC CHÚA VÌ TẤT CẢ!
MẸ RẤT VUI MỪNG VÌ CON. CHÚC MỪNG CON VÌ THẮNG LỢI TO LỚN ĐẦU TIÊN NÀY, CHÚC CON THÀNH CÔNG NHÉ!
Mẹ bây giờ là người mẹ hạnh phúc nhất con ạ. Con hãy chuyển lời chào của mẹ đến đất nước Việt Nam cần cù, xinh đẹp, ngập tràn ánh mặt trời nhé, đến gia đình, người thân của bố con, đến tất cả bạn bè, cổ động viên, đến Chủ tịch và Ban huấn luyện câu lạc bộ Hải Phòng – nơi con đang làm việc, đến Ngài huấn luyện viên và các cầu thủ đội tuyển Việt Nam và tất cả mọi người ở Việt Nam đã giúp đỡ con bằng tinh thần và hành động, tạo điều kiện tốt cho con có được thành quả công tác.
TÔI XIN CẢM TẠ TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, XIN ÔM MỌI NGƯỜI THẬT CHẶT, XIN HOÀ VÀO NIỀM VUI CHUNG VỚI CÁC BẠN TRONG CHIẾN THẮNG NÀY.
Con xin tạ ơn Đức Chúa vì trái tim con đã yêu thương và thuộc về cả 2 đất nước. Con xin tạ ơn Người vì quê hương của chồng con – Đặng Văn Sơn là đất nước Việt Nam.
Xin tạ ơn Người vì con trai của chúng con đã nghe lời của bố, mẹ mà về nước. Xin tạ ơn Người vì chính tại quê hương Việt Nam con trai con từ năm 17 tuổi đã lớn lên trở thành chuyên nghiệp để có thể chứng minh tài năng của mình.
XIN CẢM ƠN TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐÃ TIN TƯỞNG con trai tôi Lev Đặng Văn Lâm.
Mẹ của Lâm”
Được biết, thủ môn Đăng Văn Lâm là kết quả của mối tình Việt-Nga giữa nghệ sĩ múa Đặng Văn Sơn và bà Olga Zhukova.
Sinh ra và lớn lên tại Nga (1993), theo tập tại đội trẻ các câu lạc bộ lừng danh là Spartak và Dynamo Moskva, song con đường để Văn Lâm trở thành người hùng trong khung thành của đội tuyển Việt Nam cũng khá trắc trở.
Năm 17 tuổi, anh từng về quê cha và thử việc tại Hoàng Anh Gia Lai, được gọi vào đội U19 Việt Nam, nhưng do khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, Lâm “Tây” từng bị đẩy sang Lào chơi cho đội Attapeu do HAGL tài trợ.
Vấp váp đầu đời khiến chàng cầu thủ mang một nửa dòng máu Nga này phải trở về quê mẹ năm 2014 và được gia đình khuyên bỏ nghiệp quần đùi áo số.
Tuy nhiên, mong ước cháy bỏng được tỏa sáng trong khung thành như thần tượng Lev Yashin (mẹ anh đặt tên Lev cũng là từ việc ngưỡng mộ huyền thoại bóng đá Nga, mong muốn con trai mình giống như “Người nhện” của đội tuyển Liên Xô trước đây) vẫn chưa bao giờ tắt.
Năm 2015, Văn Lâm từng chia sẻ trên Facebook mong muốn được thử sức trong đội tuyển U23 của huấn luyện viên Toshiya Miura, trước khi một cánh cửa mở ra từ câu lạc bộ Hải Phòng, để rồi từ đó, Văn Lâm được huấn luyện viên Hữu Thắng lần đầu gọi lên tuyển vào tháng 4/2016.
Nhưng rồi sóng gió lại ập đến, một lần nữa cũng từ những khác biệt văn hóa, khiến anh không hòa đồng được với cả đội, bị một số đàn anh dằn mặt, thậm chí dọa “chém.”
Tuy vậy, những cố gắng “điên rồ” của Văn Lâm cũng đã được đền đáp xứng đáng khi anh được huấn luyện viên Park Hang-seo tin tưởng để rồi góp công lớn giúp đội tuyển Việt Nam lên ngôi xứng đáng ở AFF Cup 2018, nơi Lâm “Tây” không để lọt lưới bất cứ bàn nào ở vòng bảng, đồng thời có nhiều pha cứu thua ở các trận bán kết và chung kết.
Có thể nói, chính tình yêu vô bờ bến của cha mẹ là chỗ dựa để Văn Lâm làm nên những điều kỳ diệu ấy.
Được biết, cha đẻ của Đặng Văn Lâm, ông Đặng Văn Sơn là em trai của nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng, và Lâm “Tây” là em họ của nghệ sĩ múa Linh Nga. Đó quả là một gia đình nghệ thuật, khi cha chú là những diễn viên múa lừng danh, còn con cháu là thủ môn điệu nghệ.
* bản dịch từ Báo Ảnh Việt Nam
Thực hiện: depweb