Xúc cảm cuồng nhiệt từ Nam Âu

Từ viên ngọc tì vết của nhóm trưởng giả…

Lật lại trang sử tiền Khai sáng của châu Âu khoảng thế kỉ thứ 17 đến 18, có một sự chuyển biến rõ rệt về mỹ quan và phong cách sáng tạo. Kể từ kỷ Phục hưng vào 200 năm trước đó, thuyết nhân văn của thời cổ đại Hy Lạp hồi sinh. Nền chính trị, tôn giáo và triết học kinh viện thay đổi, khiến cho tất cả các hình thái nghệ thuật như kiến trúc, hội họa, văn chương, nhạc kịch,… đều có bước ngoặt mới. Sự mô phỏng Kinh thánh vô vàn kính cẩn, gò bó của nghệ thuật Gothic được nới lỏng; thay vào đó, hình ảnh nhân loại được đặc tả như thực, sáng tươi và lý tưởng hóa. Nhưng có thăng thì có trầm, sau suốt hai thế kỉ phát triển đỉnh cao, Phục hưng bắt đầu đi vào lối mòn và dần thoái trào. Trước khi tiến được tới sự khai minh, với Immanuel Kant, Voltaire, Cách mạng Pháp, Hội Tam điểm, Hoa Kỳ độc lập,… châu Âu phải trải qua một giai đoạn giao thời. Bao giờ cũng vậy, buổi nhập nhoạng giữa hai thời kì lịch sử thường bị lãng quên, thậm chí coi thường. Và Baroque – khoảng giao giữa Phục hưng và Khai sáng – là một điển hình bị đánh giá thấp như vậy.

“Bó hoa trong bình đồng”, tranh tĩnh vật sơn dầu của họa sĩ Abraham Brueghel

Chữ “Baroque” xuất phát từ khoảng giữa thế kỉ thứ 16 ở Bồ Đào Nha. Họ gọi những kẻ đua đòi trí thức, trưởng giả học làm sang bằng từ “barroco”, nghĩa tiếng lóng là viên ngọc trai gồ ghề, thô ráp, cần được đánh bóng. Đến tận cuối thế kỉ 18, người Pháp lại chế ra cụm “le gout baroque” để chỉ kiểu Phục hưng, Cổ điển cách tân gượng ép, nửa mùa. Thậm chí, nhà thơ Goethe còn dùng từ này để châm biếm, hài hước. Đơn cử cho thái độ ghét bỏ Baroque, có thể kể đến câu chuyện trầm bổng của nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi. Dù là một nhân vật có tài được yêu thích trong mấy chục năm đỉnh cao của thời kỳ Baroque; nhưng khi ông chết, và trào lưu nghệ thuật này tàn lụi, các tác phẩm sonata, concerto kinh điển, kể cả bản “Le quattro stagioni” (Bốn mùa) cũng đều chìm vào quá khứ mờ bụi và có những quyển nhạc của ông còn bị hủy hoại trong chiến tranh.

Phải đến đầu thế kỉ 20, Baroque mới được nhìn nhận đúng đắn và công bằng hơn. Năm 1888, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Heinrich Wolfflin ra mắt quyển sách “Thời kỳ Phục hưng và Baroque”, đánh dấu sự tồn tại của Baroque một cách chính thống. Không quan tâm sao được, khi bao nhiêu công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc, âm nhạc mang tinh thần Baroque vẫn hiện diện khắp châu Âu mà chẳng có sách vở nào ghi chép và nhận định tiến trình lịch sử của nó!

… đến khoái cảm nhung lụa Địa Trung Hải

Tại sao xứ sở Nam Âu lại sinh ra Baroque? Trước hết, hãy xem thế nào là Baroque.

Một căn nhà mang kiến trúc Baroque nếu nó nằm trong một không gian riêng biệt rộng bao la, được xây dựng hoành tráng với nhiều bố cục và cấu trúc phức tạp. Khởi thủy từ Ý, mở rộng ra khu vực Nam Âu, nhưng phong cách Baroque lan tỏa mạnh mẽ lên hướng Bắc, bùng nổ ở Pháp và gây dấu ấn đậm nét ở miền Nam nước Đức.

Hai trong số những tuyệt phẩm điêu khắc của Giovanni Lorenzo Bernini trong nhà thờ St.Peter và Santa Maria della Vittoria ở Roma.

Đó là các tòa lâu đài của hoàng gia, dinh thự của quý tộc và bộ trưởng, những người thuộc tầng lớp thượng lưu, biểu tượng cho quyền lực phong kiến. Lâu đài Versailles của triều đại các vua Louis là một trong những ví dụ rõ nét nhất. Toàn bộ lâu đài nằm trên một khuôn viên rộng 800 hecta. Nhìn trên cao xuống, nó là một tổ hợp phân bố không hề đối xứng, như một bức tranh trừu tượng, ghép giữa các mảng miếng tam giác, hình thang, hình thoi, đường chéo, đường tròn của mê cung hoa cỏ, hồ nhân tạo, đài phun nước. Mặt tiền của lâu đài quả đúng với cách người ta ví von một cái gì đó đẹp đẽ – đẹp như tranh vẽ! Hàng cột ốp sát tường, cửa mái vòm, đường viền mái, dải điêu khắc phân tầng, … tất thảy thâu gom ánh mặt trời như trò chơi ánh sáng – bóng râm. Ngoại cảnh đã vậy, nội thất còn muôn phần kì công, rực rỡ hơn. Trần nhà phủ kín bởi tranh vẽ và đường diềm sơn nhũ vàng lộng lẫy. Cầu thang ốp đá hoa cương kết hợp nhiều màu sắc đá tự nhiên, phản chiếu ánh đèn chùm pha lê treo bên trên. Bao chi tiết tinh xảo, công phu biểu trưng tài sản và quyền lực cũng chính là nền tảng mấu chốt trong kiến trúc Baroque.

Một bức tranh mang hơi thở Baroque khi trong tranh ta thấy xuất hiện người phụ nữ trắng trẻo, đẫy đà và người đàn ông với trang phục thêu chỉ vàng quý phái. Họ ở trong tư thế luôn chuyển động, nào gảy đàn, vẽ tranh, hay chí ít cũng phải biểu lộ rõ rệt xúc cảm trên gương mặt, dù giận dữ, hay vui sướng, và kể cả buồn ngủ cũng chẳng sao. Phú quý sinh lễ nghĩa. Khung cảnh những nhân vật trong tranh cũng phải ngập tràn gấm vóc, lụa là, hoa quả, sơn hào hải vị, rượu mật thơm ngon. Cuộc sống giàu có, sung túc chất đầy trong hội họa Baroque.

 

Bức tranh sơn dầu dài hơn 4m, mô tả đại gia đình vua Louis XIV hóa thân trong trang phục cổ đại, được họa sĩ Jean Nocret hoàn tất năm 1670. 

Quay lại câu hỏi về khởi nguồn của Baroque, giờ đây, ta thấy rõ, tại sao mọi người lại cho rằng Baroque được ra đời tại Nam Âu. Vì ở vương quốc Anh sương mù, miền Bắc Âu lạnh lẽo, vào thời hậu Trung cổ, con người đâu thể thoải mái sinh sống và hưởng thụ những gì thiên nhiên ưu ái trao tặng như ở xứ sở Địa Trung Hải. Tư tưởng và lối sống duy mỹ căn nguyên bám rễ tại Nam Âu. Khi người ta sống không phải chỉ vì mục đích tồn tại, cái đẹp, cái ngon, nhu cầu biểu lộ cảm xúc sẽ nâng dần, để đạt đến đỉnh điểm cấp độ xa xỉ như Baroque.

Thực tế thì Baroque không phải là một thời kì hẳn hoi của lịch sử Trung cổ – Cận đại tại châu Âu, như Phục hưng hay Khai sáng, Baroque đơn thuần là một trường phái nghệ thuật. Ngoài thẩm mỹ, Baroque không tạo nhiều ảnh hưởng khốc liệt trong tư tưởng hay văn hóa. Mặc dù thế, xét về mặt thị giác, Baroque lưu dấu sâu đậm trong cách ăn, mặc, ở của người dân lục địa này, đặc biệt là vùng Nam Âu nóng ấm, nơi con người ưa chuộng lối sống cuồng nhiệt, đầy màu sắc. Phong cách sống này cũng chính là nền tảng cho cảm hứng Baroque. Bởi dẫu gì, nghệ thuật vẫn đi từ cuộc sống mà ra!

 

Baroque: Viên ngọc trai tì vết

Cảm hứng từ phong cách nghệ thuật Baroque đang là xu hướng lan tỏa khắp các bộ sưu tập của những nhà mốt nổi tiếng trong các tuần lễ thời trang tại New York, Milan, London, Paris. Chúng ta hãy ngược dòng thời gian để tìm hiểu về nguồn cội của phong cách nghệ thuật này.

Thực hiện: Arlette Quỳnh Anh 

Các bạn đón đọc các bài viết:

>> Xúc cảm cuồng nhiệt từ Nam Âu

>> Bản hòa tấu của thời trang đương đại


From the same category