Vừa qua, các nhà nghiên cứu Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ USGS đã thu thập các mẫu mưa từ 8 địa điểm dọc theo mặt trước của dãy núi Rocky (Colorado) và bất ngờ phát hiện trong nước mưa có lẫn những phân tử nhựa. Không chỉ là một phát hiện đột phá của các nhà khoa học môi trường, hiện tượng trên báo động mối nguy hại do thói quen sử dụng đồ nhựa của con người.
Cơn mưa có lẫn theo phân tử nhựa mới đây ở Colorado như một lời cảnh báo đến con người rằng ô nhiễm môi trường sống đã không còn giới hạn, và những hiểm nguy từ một lối sống thiếu trách nhiệm với môi trường sớm sẽ khiến con người phải trả cái giá đắt. Trong một lần kiểm tra nguồn cấp cho đường dẫn nước trên mặt đất và ngầm dưới tầng đất sâu, để tìm hiểu và vạch ra nguyên nhân khiến nguồn nước ở Colorado bị nhiễm nitơ nặng, thì các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nguồn gốc chủ yếu và cũng chính là yếu tố bất ngờ trong khu vực bị ô nhiễm này – đó là trong nguồn nước có lẫn những phân tử nhựa nhỏ đến mức mắt thường không thể nhìn thấy.
Chính kết quả nằm ngoài dự tính này khiến nhóm nhà nghiên cứu nghĩ đến việc kiểm tra thử mẫu nước mưa ở 8 địa điểm – những nơi được dùng để theo dõi sự thay đổi trong thành phần hóa học của mưa – trải đều ở vùng núi, đồng bằng và rừng phòng hộ. Theo đó, chuyên gia Greg Wetherbee, nhà hóa học thuộc biên chế Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đã ghi kết quả mà theo ông nhận định là “bất ngờ chưa từng thấy và vô cùng hi hữu trong các cuộc thống kê về môi trường” rằng: “90% thành phần vượt trội hơn kim loại hay tro than tồn dư trong nguồn nước chảy tại các danh lam thiên nhiên là nhựa tổng hợp. Những phân tử nhựa hỗn hợp với kích thước nhỏ hơn khả năng nhìn của mắt thường từ 20-40 lần, có màu cầu vồng và kết cấu phức tạp, bền chặt, đồng thời có khả năng tồn tại qua nhiều thế hệ và không thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên”.
Theo như Austin Baldwin, chuyên gia đảm nhận trọng trách nghiên cứu thành phần hydro của tiêu bản nhựa do USGS gửi về, thì những “bãi thải nhựa” hoà tan trong thành phần nước được tìm thấy có khả năng xuất xứ từ 3 nguồn chính: sản xuất – tiêu dùng trong nội địa bang, nguồn rác trôi từ những nơi đô thành hoặc vùng nông thôn lân cận, từ các khu dân cư hoặc nhà máy kinh tế – xã hội trọng điểm, và đặc biệt là nếp sống lạm dụng vào đồ nhựa cũng như không phân loại hoặc bỏ rác vào các thùng rác tập kết.
Có thể nói, những hiện tượng các vật thể và hợp chất làm ô nhiễm môi trường tự nhiên không hiếm. Nhưng dựa trên thành phần và các phân tích kinh tế xã hội, Austin Baldwin đưa ra giả thuyết về “thủ phạm” giúp phân tán thành phần nhựa trên vào nguồn nước chính là nhà máy. Nhựa trong các sản phẩm bỏ đi được nhà máy xử lý rác thải đun nóng, bốc hơi và rồi theo mưa đổ xuống sông suối, cánh đồng, đại dương, làm ô nhiễm mặt đất, rừng cây và đem đến mối nguy hại cho muông thú sinh sống trong hệ sinh thái. Thêm vào đó là nguồn rác thải nhựa lênh đênh trên dòng sông và mặt biển đến từ sự vô ý thức của con người, khiến các sinh vật gần như mang trong mình những “bãi rác khổng lồ”, dẫn đến hàng loạt cái chết thương tiếc.
Nếu chúng ta vẫn quá lạc quan và còn đứng ngoài cuộc trong trận chiến bảo vệ môi trường, thì “cơn mưa nhựa ở Colorado” chính là một lời đáp trả đanh thép đến từ môi trường tự nhiên. Nguồn rác thải nhựa có ở khắp mọi nơi chứ không riêng gì Colorado, và nếu con người không thay đổi thói quen tiêu dùng đồ nhựa nói riêng và nâng cao ý thức giữ gìn màu xanh trái đất nói chung, thì “cơn mưa nhựa” tương tự sẽ đổ xuống mảnh đất chúng ta đang sinh sống. Cuộc chiến thay đổi thói quen này với chúng ta tuy không dễ dàng nhưng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu sửa chữa sai lầm.