(*) Nhan đề cuốn tiểu thuyết của Haruki Murakami được dịch ra tiếng Việt là “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới”.
Nếu bạn yêu thích Haruki Murakami, cái nhan đề này dễ gợi cho bạn đến cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông, nhưng không chính xác 100%. 7 ngày lang thang và tận hưởng từng giây phút trên đất nước láng giềng Lào khiến tôi phải mượn cái nhan đề của Murakami (và có chút sửa đổi) cho bài viết này…
Một góc phố của cố đô Luang Prabang
1. Hành trình đi bụi xuyên Đông Dương của tôi tốn hết 17 ngày, trải qua đủ các phương tiện vận chuyển từ xe bus, tàu hỏa và máy bay. Đấy là chưa kể những chuyến tuk tuk là phương tiện đi lại cho những chuyến đi ngắn hàng ngày trong các điểm du lịch ở thành phố nơi tôi đặt chân đến. Lịch trình của tôi khá lộn xộn và chẳng theo một cuốn hướng dẫn du lịch nào, tôi cũng chẳng đọc bất cứ thông tin nào về các điểm đến. “Ỷ” có các người bạn đồng hành chu đáo lo mọi chuyện, từ thủ tục đặt vé tàu, xe, máy bay, “book” khách sạn trước, tôi để đầu óc mình hoàn toàn rỗng và chuẩn bị tâm thế của một kẻ du hành ngẫu hứng.
Từ Sài Gòn, tôi đi bus qua Campuchia. Đất nước này vốn không còn xa lạ bởi tôi đã từng đặt chân đến đây 3 năm trước, nhưng so với anh bạn đồng hành thì tôi đích thị là một gã “gà mờ”, bởi dấu nhập cảnh cửa khẩu Mộc Bài đỏ rực trên hộ chiếu của hắn ta. Hỏi ra mới biết, hắn đã sang Cam ít nhất 30 lần trong 5 năm qua. Anh bạn đồng hành, dân làm báo và làm phim tài liệu, vốn đã đặt chân đến hàng chục nước, nhiều trong số đó là những chốn “tận cùng thế giới” (tác giả của bài viết “Say Kava ở châu Đại Dương” trên TTVH & Đàn Ông số 76) thuộc nằm lòng Campuchia như lòng bàn tay, lại có mối quan hệ rất thân thiết với một “thổ địa” làm du lịch ở Cam. Chúng tôi thoải mái phóng mô tô mượn của “thổ địa”, dạo vòng quanh thủ đô Phnômpênh, ghé chân khu phố Tây ngắm dòng Mêkông trong buổi chiều muộn và chọn những hàng ăn đặc sản của người Miên.
Hai hôm sau, chúng tôi thuê taxi lên biên giới trong đêm, nhập cảnh qua biên giới Thái Lan thăm thú cái chợ trời rộng nhất Đông Nam Á rồi trở về Siêm Riệp nghỉ ngơi, thăm thú mấy cái đền đài cách Angkor khoảng 60km. Toàn bộ chuyến hành trình ở Cam của tôi hưởng thụ nhiều hơn là khám phá, lại biết anh bạn đã viết “nát” về đất nước này nên tôi chẳng dám “qua mặt”, cứ ung dung tận hưởng như một chuyến đi nghỉ dài ngày.
Kết thúc 7 ngày ở Cam, tôi một mình trở về lại Sài Gòn, bay ra Hà Nội sáng hôm sau, hưởng thêm một ngày lạnh giá đầu năm ở xứ Bắc mới rồi lên xe bus đi sang Lào ngay tối hôm đó cùng với 3 người bạn khác. Và chuyến hành trình đến “Xứ sở kỳ diệu hiền hòa và chốn tận cùng của thế giới” của chúng tôi bắt đầu với 20 giờ đồng hồ vật vã trên chiếc xe bus ở băng ghế cuối.
Sáng tinh mơ ở Luang Prabang nhuộm màu vàng đỏ,
màu áo của các vị sư đi khất thực
2. Chiếc xe bus dừng lại để làm thủ tục nhập cảnh vào lúc sáng sớm ở cửa khẩu Cầu Treo. Sương mù dày đặc và mưa rơi khiến không khí càng thêm lạnh lẽo. Đám đông khách lục đục nối hàng qua biên giới trong cái mệt mỏi của một chuyến đi dài. Người đi trước cách người đi sau khoảng 10m là đã không nhìn thấy nhau, bởi họ đã lẫn khuất trong sương mù. Nhưng khi xe chạy qua biên giới chỉ khoảng vài chục km, len qua những đoạn đường núi, ánh nắng đã chan hòa ngoài cửa xe.
Thời tiết thay đổi đột ngột khiến hầu hết chúng tôi cởi hết những chiếc áo ấm to sụ, thoải mái với chiếc áo phông. Đường quốc lộ tiến về Viêng Chăn khá đẹp, quang cảnh hai bên đường chỉ có rừng và núi, những cánh đồng khô cháy và những ngôi nhà lác đác mọc hai bên đường. Đi mãi không có chiếc xe cùng chiều nào vượt qua mà cũng hiếm thấy những chiếc ngược chiều. Lào có diện tích hơn 2/3 Việt Nam nhưng dân số chỉ bằng 1/15 (6 triệu dân), dân cư thưa thớt nên chẳng có gì lạ với những con đường vắng người.
Chúng tôi đến thủ đô Viêng Chăn trong ánh chiều muộn. Thời tiết nóng và oi bức, thành phố khá cũ kỹ và nghèo nàn. Chiếc xe tuk tuk đưa cả nhóm về nhà nghỉ, một nhà khách nằm trong khu phố Tây, gần sát bờ sông Mêkong.
Thủ đô kinh tế, chính trị và văn hóa của Lào như hình ảnh của một vài thành phố cấp II của Việt Nam những năm 90, còn so với Việt Nam hiện nay thì thậm chí không bằng thành phố Vinh. Nhưng chính vì thế, nó làm cho thành phố yên bình, nhẹ nhàng, những người dân hiền hậu, chậm rãi và đặc biệt các em nhỏ rất hiếu khách.
Khu phố Tây có vẻ sầm uất hơn vì lượng du khách quốc tế đổ đến Lào khá đông và các dịch vụ du lịch cũng khá dễ chịu, trừ chuyện phục vụ ăn uống thì chậm đến sốt ruột. Sau bữa ăn tối bên bờ sông, thưởng thức món cá nướng đặc sản và chai bia Lào to gấp rưỡi bia Việt, chúng tôi thuê một chiếc tuk tuk đi thăm chợ đêm và vòng vèo thành phố. Sau hai giờ đồng hồ, đi một số điểm du lịch như Khải hoàn môn Patuxay, chùa Thapluang, hầu như không còn chỗ để đi. Một vài bar nhỏ ở khu phố Tây khá dễ chịu, nhưng nếu đã đi bar phố Tây ở PhnômPênh, Siêm Riệp thì ở Viêng Chăn thua xa.
Ba cô bé hồn hậu và hiếu khách ở Viêng Chăn
3. Chiều hôm sau, chúng tôi đặt vé xe bus đến Vang Viêng, một thị trấn nằm trong lòng núi mà tôi thậm chí còn chưa bao giờ nghe tới. Mất hơn 4 giờ đồng hồ dằn xóc do đường xấu trên chiếc minibus, đến Vang Viêng thì trời đã tối. Đập vào mắt tôi là những căn bungalow nằm yên bình giữa thung lũng. Cả thị trấn bao quanh bởi những ngọn núi và dòng sông Nam Song chảy uốn quanh. Tôi cứ nghĩ mình sẽ đến một địa danh du lịch nghỉ dưỡng, nằm sofa ngắm sông núi và thư giãn đọc sách.
Nhưng sau khi ăn tối và đi dạo một vòng quanh thị trấn, mọi dự đoán của tôi… trật lất. Số lượng du khách nước ngoài đổ về thị trấn nhỏ bé này còn đông đúc và nhộn nhịp hơn cả khu phố tây Khao San của Bangkok.
Những quán bar nhộn nhịp hai bên đường phố với đủ dịch vụ ăn chơi nhảy múa tưng bừng và… hoang dã nhất. Nhiều anh chàng Tây to cao cởi trần hoặc quần đùi áo may ô nhảy múa bên đống lửa hay chơi những trò kỳ quặc. Một số cô gái tóc vàng thậm chí chỉ mặc bikini, “xỉn quắc cần câu” đứng chèo kéo khách đi lại bên đường vào một cái bar nằm dưới thung lũng phải đi qua một cái cầu treo. Một số bar khác thì đặt những chiếc ghế sofa dài cho khách nằm “xãi lai” xem đi xem lại những tập phim cũ rích của hai series phim truyền hình nổi tiếng “Friends” và “The Simpsons” đã phát cách đây hơn 10 năm trước rồi ngủ lúc nào không biết.
Các bar ở Vang Viêng mở thâu đêm suốt sáng. 10 giờ sáng hôm sau, thị trấn vắng vẻ và yên bình trở lại. Đây là thời điểm thích hợp cho các chuyến du ngoạn, khám phá những dịch vụ thể thao mạo hiểm hoặc vui chơi giải trí trên dòng sông Nam Song chảy quanh co dưới các chân núi. Những trò chơi hấp dẫn và đông du khách chọn nhất là chèo thuyền kayak, khám phá các hang động ở các chân núi, nằm lên những chiếc lốp xe thả trôi theo dòng nước và đi bộ, đạp xe đến các bản làng của người dân tộc.
Chèo thuyền Kayak trên dòng sông Nam Song
Vì thời gian có hạn, chúng tôi chọn dịch vụ chơi nửa ngày, chèo thuyền kayak khoảng 6 cây số. Một tài xế chở chúng tôi ngược lên mạn núi trên con đường đất đỏ bụi mù rồi chèo kayak xuôi dòng về thị trấn. Cậu hướng dẫn viên du lịch, mới 20 tuổi, người săn chắc như một vận động viên hướng dẫn chúng tôi tập quen với cách chèo thuyền và dẫn đường. Dòng sông trong vắt nhìn thấy đáy. Phong cảnh hai bên hữu tình, một bên là núi, một bên là những cánh đồng rau xanh mướt hoặc những loài hoa lạ đang mùa nở rộ. Càng xuôi về phía thị trấn, hai bên bờ mọc lên nhiều quán bar xinh xắn và các dịch vụ thể thao vui chơi mạo hiểm.
Chúng tôi chèo thuyền tấp vào một quán bar, chọn một người một ly cocktail và thoải mái chơi trò đu dây từ trên cao rồi nhảy ùm xuống suối. Đấy chỉ là một trong vài trò thể thao cảm giác mạnh ở hai bên dòng Nam Song. Một nhóm bạn khác của tôi thì đến một điểm nổi tiếng khác là “Blue Lagoon” nơi có dòng nước xanh ngắt và chơi trò Tarzan đu dây nhảy suối. Chả trách trong hai ngày ở Vang Viêng, tôi thấy khá nhiều anh bạn du khách Tây ba lô băng bó chân tay trắng xóa. Chắc là hậu quả của những trò chơi mạo hiểm trên dòng Nam Song!
Đến Vang Viêng với cái đầu rỗng và kết quả 2 ngày trải nghiệm của tôi là một thị trấn nhỏ bé nhưng sinh động và xinh đẹp đến bất ngờ. Nó như điểm “tận cùng của thế giới”, khác biệt hoàn toàn với thế giới ồn ào và xô bồ bên ngoài, nơi du khách như quên hết thời gian, được sống lại thời kỳ tự do, hoang dã nhất của con người. Có lẽ đó là lý do khiến Vang Viêng hấp dẫn du khách phương Tây đến thế!
4. Chúng tôi rời Vang Viêng lên Luang Prabang tiếp tục bằng chiếc minibus. Hành trình dài gần 300km với những con đường núi quanh co. Tôi dại dột chọn ngồi ngay ghế phụ của tài xế để chiêm ngưỡng cảnh đẹp trước mắt. Đẹp thì có đẹp thật, nhưng tôi phải trả giá cho tư thế ngồi phải gồng mình lên để chống những cú co gập người hoặc bị nén chặt bởi những cú ngoặt tay áo. Chiếc xe chạy trên con đường núi độc đạo, lâu lâu lại chạy qua một bản làng của người Mông, cất nhà ở sát ngay bên đường, trông buồn thê thiết.
10 giờ tối, chúng tôi đến cố đô Luang Prabang, dù mệt vì cung đường khủng khiếp, nhưng chúng tôi cũng tranh thủ làm một vòng dạo phố đêm trước khi đi ngủ trong một nhà khách xinh xắn làm bằng gỗ.
6 giờ sáng, không ngủ được, tôi đi bộ ra phố để đợi đoàn sư bắt đầu giờ khất thực buổi sáng, một biểu tượng tín ngưỡng và văn hóa của đất nước Phật giáo có đến 1.400 ngôi chùa này. Không phải đi đâu xa, bởi ngay trước nhà khách của chúng tôi là một ngôi chùa lớn. Đoàn sư áo vàng bắt đầu giờ khách thực khi ánh đèn đường còn sáng. Họ đi theo đoàn dài, đầu tiên là những vị sư già và cuối cùng là những chú tiểu. Tất cả các sư đều đi chân trần, hàng một chậm rãi qua phố. Những người dân và du khách quỳ xuống nâng những hộp xôi và chuối đặt vào âu của những vị sư áo vàng. Buổi khất thực của sư diễn ra trong lặng lẽ và yên bình trước khi ánh bình minh ló dạng.
Nếu Vang Viêng là nơi để ta sống hoang dã, tự nhiên như thời hồng hoang thì Luang Prabang là cố đô yên bình, nơi để ta “thiền” và sống “thư thái” nhất có thể. Ba ngày ở đây, chúng tôi thuê xe đạp lang thang qua những con phố nhỏ, đặc biệt là con phố dài chạy theo dòng sông Nậm Khan, nơi có những cây cổ thụ tỏa bóng, những nhà hàng, quán bar với những góc nhìn tuyệt đẹp sang phía bên kia bản làng của người Mông.
Luang Prabang có đến 600 ngôi chùa, nhiều trong số đó là những kiệt tác kiến trúc và đã được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa của thế giới. Những ngôi chùa nguy nga không thể không đặt chân đến để chiêm ngưỡng là Wat Xieng Thong, Wat Ho (nằm trong Bảo tàng Quốc gia Luang Pra-bang), Wat Visunarath, Wat Mai…
Nếu những ngôi chùa, khu phố cổ làm nên bộ mặt kiến trúc của Luang thì phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những ngọn núi, dòng sông, thác nước tạo nên phong cảnh hữu tình của một thành phố vùng núi cao. Cả hai “đặc sản” đó gộp lại làm nên một cố đô yên bình, chậm rãi và hiền hòa hiếm thấy.
Ngôi chùa Wat Ho (nằm trong Bảo tàng Quốc gia Luang Prabang)
(1) Hai quán bar độc đáo không thể bỏ qua ở Luang Prabang
(2) Tác giả và chú chó nghịch ngợm ở Vang Viêng
Buổi tối, chúng tôi lang thang quanh khu chợ đêm, mua những món quà lưu niệm nhỏ xinh rồi dạo quanh một vòng quán bar khắp thành phố. Tôi dừng chân ở một quán bar bên sông, do cái bảng chỉ dẫn “Utopia”. Chủ quán thật khéo đặt tên, không chỉ bởi vì quán bar có “view” tuyệt đẹp, cách bài trí đơn giản, tinh tế nhưng sang trọng mà còn bởi ý nghĩa của nó. Bởi 3 ngày sống chậm ở Luang Prabang, cái quán bar này khiến tôi chợt nhớ đến tác phẩm “Utopia” – kiệt tác của nhà văn, học giả kiêm giáo sĩ Thomas Moore (đã từng được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Địa đàng trần gian”) – người đã xây dựng nên một đảo quốc lý tưởng tuyệt đẹp, “nơi thực thi cởi mở tôn giáo, nơi mọi người đều làm việc, không ai sở hữu nhiều hơn đồng loại của mình, và bạo lực, máu đổ cùng những thói xấu xa không hề tồn tại”…
Lâm Lê