Không phán xét con ngay khi cơn bực bội diễn ra
Không ít các ông bố, bà mẹ hét lên, cáu gắt, quát mắng hoặc mỉa mai con ngay khi không vừa ý với con chuyện gì. Những câu nói giận dữ, gay gắt bật ra ngay như một phản xạ tự nhiên. “Im đi/ Con dốt thế/ Chán mày quá”… Điều này thật ra chỉ khiến con hoảng hốt, tủi thân thay vì nhận thức được vấn đề. Lặp lại quá nhiều lần còn làm cho trẻ “lùi xa” cha mẹ mình hơn là hợp tác, đồng thời khiến cho cha mẹ hình thành thói quen xấu, tự cho mình cái quyền nói với con thoải mái theo bất cứ cách nào mình muốn mà không cần suy nghĩ.
Tốt nhất, cha mẹ nên hình thành thói quen không – phản – ứng – ngay. Nếu trẻ nói sai, nói bậy hay quát mắng người khác, đôi khi có những cách nhìn nhận lệch lạc về cuộc sống thì cũng tuyệt đối không lên giọng mắng mỏ con “im mồm”, mà cần tìm nguyên nhân xem trẻ bắt chước ở đâu, nghe được chỗ nào, trẻ có thật sự hiểu những gì mình đang nói không hay chỉ nói bắt chước. Sự góp ý, nhận xét để con hiểu ra là cần thiết, nhưng chắc chắn không phải là ngay lúc đó.
Điều này càng đặc biệt đúng với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Khi nhìn thấy những điều chưa vừa lòng, hãy thật bình tĩnh để hỏi trẻ xem “Con làm gì thế?”, “Làm thế để làm gì?”, rồi nghe trẻ diễn đạt hết ý tưởng của mình, dù đúng hay sai. Đôi khi cũng cần khẩn trương tìm cách để xử lý ngay nhưng hãy để việc phán xét lại sau đó. Thông thường, nếu giữ được bình tĩnh, ta sẽ thấy đa số các lý do của trẻ rất đáng yêu, chẳng hạn, trẻ lôi chăn đệm xuống nền nhà, có thể là vì muốn hóa trang thành công chúa hoặc trèo lên bàn bếp có thể là vì bắt chước vở kịch tối qua được xem trên tivi. Tìm hiểu đúng lý do, hòa đồng vào câu chuyện của trẻ, thậm chí trở thành một nhân vật trong sự tưởng tượng của trẻ để vận động con hợp tác, sẽ tốt hơn là phán xét.
Hãy truyền đạt thông tin với trẻ thật rõ ràng
Mỗi buổi sáng đi làm, tôi thật sự ngạc nhiên vì ngày nào cũng nghe chị Hòa, mẹ bé Giang hàng xóm mắng con ồn ã cả khu nhà. Hôm nay cũng không ngoại lệ, và còn phiền phức hơn vì xảy ra va chạm nhỏ. Nguyên nhân chỉ vì cái cửa nhà chị Hòa rất hẹp, từ cửa nhà lại đi ra cái ngõ cũng bé tí teo, hết ngõ mới đến đường to. Mỗi lần mẹ dắt xe máy là bé Giang chạy lăng xăng đón đầu xe của mẹ, gây vướng víu. Y như mọi hôm, tôi nghe chị Hòa quát: “Tránh ra”. Bé Giang sợ mẹ, chạy lên đằng trước, cách đầu xe khoảng 1 mét. Đứng ở đó lại vướng đúng chỗ chị Hòa dựng xe khóa cổng, nên chị quát to hơn: “Biến hẳn ra đằng kia”. Thế là bé Giang lao ngay ra đầu ngõ, chạy rất nhanh, tiến đến sát đường to xe cộ chạy ầm ầm, chị Hòa hoảng quá gào lên từ trong ngõ: “Ối giời ơi đứng yên”. Giang chạy trên vỉa hè, nghe mẹ hét thế, nó giật mình, lùi ngược lại đằng sau thì húc ngay vào bà cụ ra đầu ngõ đi mua phở, cụ đang bê bát phở về nhà. Phở đổ tung tóe lên cả 2 bà cháu, chị Hòa xin lỗi bà cụ tới tấp rồi lôi con vào nhà thay quần áo mà mặt hầm hầm, thỉnh thoảng lại làu bàu mắng con “Láo toét, mất dạy, sáng ra đã hành mẹ thế này”. Bé Giang thì sợ quá, run bắn lên mà không dám khóc to.
Tôi quan sát điều này và nhớ đến câu chuyện “hòa giải với con” mà mẹ Cua, cũng là hàng xóm nhà tôi chia sẻ. Mẹ Cua nói rằng qua quá trình làm mẹ của mình, chị thấy không ít những trường hợp như vậy, và nơi mà chúng ta đổ lỗi, thậm chí đánh mắng, thường là con trẻ. Chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu chị Hòa nói rõ hơn ý của mình với con, và có những dấu mốc rõ ràng để con hình dung, chẳng hạn như: “Con ra chỗ bác bán xôi đợi mẹ”, hoặc “Con chạy ra gốc cây bàng đầu ngõ đi”. Cũng có thể, chị dắt con ra một nơi chị muốn, dặn con đợi mẹ rồi quay về khóa cửa. Chỉ 1-2 lần bé sẽ quen.
Nếu trẻ dưới 2 tuổi thì không xử phạt
Mẹ bé Cua đã nói với tôi rằng, sai lầm lớn nhất của chị là đã mắng, phạt Cua khi Cua chưa tròn 2 tuổi. Bởi lẽ, dưới 2 tuổi, con hầu như chưa biết phân tích nguyên nhân và kết quả, chỉ tò mò khám phá, không hề nghĩ được rằng sự việc gì sẽ kéo theo nếu mình nghịch ngợm theo cách đó. Đồng thời, khi bị mắng, phạt, trẻ cũng chưa thể hiểu gì về lý do dẫn đến sự tức giận của cha mẹ. Nếu con bị phạt hay đánh, mắng, con sẽ chỉ nhớ đến cảm giác buồn bã, bực bội, đau đớn khi bị mắng, bị phạt… Sẽ cảm thấy rất tủi thân. Lâu dần, nỗi tủi thân ấy sẽ khiến trẻ trở nên nhút nhát, rụt rè, xa lánh bố mẹ. Đôi khi chúng ta nghĩ, sự đánh mắng có tác dụng ngay, nhưng đó là bởi trẻ sợ hãi chứ không phải là trẻ đã ngoan và biết suy nghĩ hơn. Và Cua càng ngày càng trở nên bướng bỉnh, cũng bởi vì Cua bị phạt đứng góc và bị bố tét đít từ 1 tuổi.
Khi trẻ trên 2 tuổi, xử phạt theo nguyên tắc nhân quả
Nguyên tắc nhân – quả nghĩa là cho trẻ thấy rõ nguyên nhân và kết quả những việc mình làm. Và phải là thấy ngay lập tức. Chẳng hạn, nếu con không dọn đồ chơi, lần sau mẹ sẽ không cho con lấy đồ ra chơi nữa. Con có thể khóc lóc hay ăn vạ nhưng mẹ đã nói là làm. Nếu con ném thức ăn, con sẽ phải nhịn đói ở bữa sau. Nếu con không đi tắm, hôm sau sẽ không được ra công viên đá bóng…
Nếu trường hợp cha mẹ không thể để cho trẻ “lãnh hậu quá” được, vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng thì trước hết cần thực hiện phương pháp thuyết phục bằng cách: nhìn vào mắt trẻ, thể hiện tình yêu thương. Ví dụ như, trẻ không chịu mặc áo chống nắng, không uống thuốc… mẹ cần nhìn vào mặt trẻ, giải thích cho trẻ, khơi gợi tình yêu thương với trẻ, khiến trẻ xúc động và làm điều đó cho mẹ vui lòng. Tuy nhiên, việc trẻ cố tình không hợp tác với những việc rất đơn giản như vậy, ngoài việc liên quan đến sở thích, như là màu sắc, kích cỡ (cần tôn trọng sở thích của con, để cho con lựa chọn)… còn có thể là do trẻ bị ức chế, không được thoải mái với quá trình vận động, sinh ra ấm ức và cố tình không hợp tác. Vì vậy có thể suy nghĩ về cách tạo điều kiện để trẻ thoải mái phát huy sức vận động của mình.
Mỗi một đứa trẻ sẽ có cá tính riêng, tâm sinh lý riêng. Và cách xử lý trong từng trường hợp, hoàn cảnh khi con làm điều sai, cũng không thể giống nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc chung nhất là tôn trọng con, yêu thương con và thấu hiểu những mong muốn, nguyện vọng theo quy luật của con.
Bài: Trúc An
Xem thêm: Bình tĩnh – Bài học vỡ lòng cho cha mẹ