Nằm giữa trung tâm của con đường biển đẹp nhất Việt Nam – Nam Trung Bộ, Phú Yên là vùng đất được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi với lợi thế biển đảo cùng hệ thống đầm, vịnh rất đa dạng. Được coi là một Việt Nam thu nhỏ, Phú Yên có đầy đủ cảnh quan mà rất nhiều nơi phải mơ ước: từ rừng đến núi non trùng điệp phía Tây, khung cảnh đồng bằng làng quê thanh bình như sông nước Mekong, đến cảnh quan biển đảo trong lành còn chưa chịu nhiều tác động của du lịch. Đẹp khuyên bạn nên tới những địa điểm sau để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp hoang sơ và bình dị của mảnh đất Phú Yên.
1. Mũi Đại Lãnh
Mũi Đại Lãnh nằm tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa. Địa danh này là một doi đất của núi Đại Lãnh nhô ra biển Đông, ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng năm 1890 và bãi Môn quanh năm trong xanh như ngọc ở dưới chân ngọn núi. Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi khác là Mũi Điện theo như cách người dân Phú Yên hay gọi, là địa danh rất quen thuộc với nhiều người, khi đây chính là một trong hai điểm đón bình minh sớm nhất Việt Nam.
Để đến Mũi Điện từ thành phố Tuy Hòa, thường sẽ có 2 tuyến đường để đi. Thứ nhất là đoạn đường theo Quốc lộ 1A, lên Đèo Cả, sau đó quẹo trái theo đường vào cảng Vũng Rô, rồi cứ theo đường lớn là đến được ngọn hải đăng. Hoặc nếu bạn du lịch từ các tỉnh từ hướng Nam đi ra thì trên Đèo Cả, đi theo bảng chỉ dẫn vào cảng, khoảng cách từ Đèo Cả đến Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) khoảng 10km. Tuyến thứ hai là tuyến đường ven biển Phước Tân – Bãi Ngà, là một trong những cung đường du lịch trọng điểm của tỉnh, được đầu tư lớn những năm gần đây với mục tiêu phát triển du lịch dài hạn.
2. Vịnh – Cảng Vũng Rô
Cách Mũi Điện chừng 10km, vịnh – cảng Vũng Rô tọa lạc tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Đây là một vịnh nhỏ xinh đẹp được bao bọc bởi 3 dãy núi Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà.
Ở phía Nam của Vũng Rô là đèo Cả, giáp ranh của 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là một trong những con đèo nổi tiếng và hiểm trở nhất miền Trung, đứng từ trên đèo có thể quan sát được một phần vịnh Vũng Rô từ phía Phú Yên và bán đảo Hòn Gốm của tỉnh Khánh Hòa.
3. Gành Đá Dĩa
Nhắc đến Gành Đá Dĩa (hay Ghềnh Đá Đĩa) là mọi người sẽ nghĩ ngay đến Phú Yên, và mặc nhiên cho điều ngược lại, khi đây được coi là biểu tượng du lịch của vùng đất được gọi là “xứ Nẫu” Phú Yên.
Có niên đại hàng triệu năm, kỳ quan này là một trong những chứng tích hiếm hoi còn lại trên thế giới về quá trình phun trào dung nham núi lửa gặp nước biển lạnh, tạo thành hình như ngày nay mọi người vẫn thấy: một tổ ong khổng lồ bên biển, được xếp từ hàng nghìn viên đá khối lục lăng đều tăm tắp, một dấu ấn của thời xa xưa mà Việt Nam tự hào có.
Nằm cách Gành Đá Dĩa chừng 10 phút đi bộ là ngọn hải đăng Gành Đèn, nằm trên những gành đá màu hồng nhạt xếp chồng lên nhau. Đây là ngọn hải đăng nhỏ, kiến trúc không có gì đặc biệt, nhưng bù lại nó lại nằm ở một vị trí đắc đạo tuyệt đẹp, nơi có thể dễ dàng định hướng cho thuyền bè vào ra Vịnh Xuân Đài gần đó.
4. Cầu gỗ Phú Yên
Một đặc trưng không thể không nhắc đến khi tới Phú Yên là những cây cầu gỗ. Với đặc thù có rất nhiều vịnh nhỏ nằm rải rác dọc theo bờ duyên hải – từ Đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông… – những cây cầu gỗ đã được ra đời nối liền đất liền với những ốc đảo tạo nên một vẻ đẹp rất riêng mà chỉ Phú Yên mới có thể có được.
Nằm ở địa phận huyện Tuy An có một cây cầu rất đặc biệt nằm gần miếu thờ thần bạch hổ. Nhân dân trong vùng gọi cây cầu này là cầu Ông Cọp. Cầu dài chừng hơn 500m với chiều rộng chỉ chừng 1-2m tùy đoạn với mặt cầu lót ván gỗ, thành là những thanh tre được cột lại. Có nhiệm vụ chính là con đường huyết mạch nối huyện Tuy An với thị trấn sông Cầu, đây còn là con đường tắt để đến với thắng cảnh Gành Đá Dĩa, nên hàng ngày thu hút rất đông người dân cùng khách du lịch qua lại, ngắm cảnh.
Qua cầu gỗ Tuy An, vượt tiếp những con đường làng quê nhỏ xíu nhưng thanh bình, du khách sẽ đến được với địa danh nhà thờ Mằng Lăng, sở dĩ có tên vậy vì ngày xưa quanh đây có một rừng mằng lăng rộng lớn. Nhà thờ Mằng Lăng với niên đại hơn 120 năm tuổi, là nhà thờ lâu đời nhất của Phú Yên, đồng thời cũng là 1 trong những nhà thờ cổ nhất của Việt Nam ngày nay…
5. Những làng quê thanh bình
Phú Yên thật sự là một viên ngọc thô chưa được mài với tiềm năng du lịch rất lớn. Bên cạnh thương hiệu biển đảo, một điều thu hút du khách nữa đến với “xứ Nẫu” chính là những khung cảnh làng quê quá đỗi thanh bình. Không phải ngẫu nhiên mà những thước phim trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” về làng quê Phú Yên lại có thể khiến cho nhiều người “sốt” đến vậy: êm ả, nhẹ nhàng và đầy chất cổ tích giữa một cuộc sống hiện đại của 2 “hàng xóm” Nha Trang và Quy Nhơn nằm kẹp giữa.
Đường về thị trấn Sông Cầu. Hẳn sẽ có rất nhiều người ngạc nhiên khi giữa trung tâm 1 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có thể bắt gặp những cảnh quan sông nước miệt vườn miền Tây tại Sông Cầu, khi dọc đường về thị trấn là hàng km hàng dừa lúc lỉu bên đường.
6. Những bãi tắm đẹp và hoang sơ
Phú Yên là xứ biển, nên bao giờ cũng vậy, biển luôn là mối quan tâm hàng đầu của du khách. Được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, Phú Yên sở hữu rất nhiều bãi tắm đẹp phù hợp cho tất cả các lứa tuổi, cho du lịch gia đình như những bãi tắm quanh thành phố Tuy Hòa, hoặc xa hơn một chút phải kể đến bãi biển Long Thủy, bãi Bầu, bãi Bàng (cạnh Gành Đá Dĩa), bãi Nồm…Với những du khách ưa sự hoang sơ, không có nhiều tác động của con người có thể ghé đến bãi Môn (Mũi Điện), bãi biển Xuân Hải (thị trấn Sông Cầu)…
Biển Xuân Hải nằm ở thị trấn Sông Cầu, những năm gần đây bắt đầu được chú ý bởi vẻ đẹp rực rỡ của cảnh quan biển giữa làng chài Xuân Hải đầy màu sắc. Để đến được đây, du khách sẽ được chạy xe trên con đường biển nối liền hai tỉnh Phú Yên với Bình Đinh với trải nghiệm đặc biệt thích thú.