Xử lý phanh trong những trường hợp khẩn cấp

Phanh (thắng) là một trong những xử lý tình huống thường xuyên của người lái xe, đòi hỏi sự chuẩn xác, thông minh, linh hoạt – điều này liên quan mật thiết đến sự an toàn của bạn và những người xung quanh. Làm sao để xử lý phanh chuẩn xác trong những trường hợp khẩn cấp thường gặp trên đường?

Phanh khẩn cấp
 
Trong một số trường hợp khẩn cấp, như gặp chướng ngại bất ngờ (người băng ngang đường, xe khác đột ngột chuyển hướng…), bạn phải phanh xe đột ngột.
 
Đối với những xe không trang bị hệ thống chống bó cứng phanh – gọi tắt là ABS (thường là xe đời cũ, dòng xe cấp thấp) thì việc phanh khẩn cấp có thể dẫn đến bánh xe bị bó cứng, khiến bánh xe bị trượt và mất lái rất nguy hiểm. Trong trường hợp này, bạn hãy đạp mạnh chân phanh nhưng không đủ để làm bó cứng bánh xe. Nếu bánh xe bị bó cứng, hãy nhả ngay chân phanh và rồi đạp mạnh trở lại để giành lại điều khiển nếu bánh xe bắt đầu bị trượt. Nhớ đánh tay lái về hướng bạn chọn.
 
Đa số xe đời mới ngày nay, trong đó hầu hết các model xe Ford hiện có trên thị trường Việt Nam đều được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Hệ thống này tự động phanh rồi nhả các bánh để chống trượt xe. Nó cho phép bạn đạp phanh mạnh tùy ý trong khi vẫn lái xe mà bánh xe không bị trượt, xe không bị mất lái.
 

Đối với phụ nữ lái xe, tốt nhất và an toàn nhất, hãy chọn mua những xe có trang bị hệ thống ABS!
 
Phanh trục trặc
 
Các xe đời mới đều có 2 hệ thống phanh thủy lực song song, tránh cho xe của bạn bị mất phanh hoàn toàn. Đèn báo phanh trên bảng đồng hồ sẽ báo hiệu cho bạn khi có trục trặc ở hệ thống phanh. Nó sẽ sáng lên khi phanh có vấn đề hoặc không hoạt động. Hãy nhớ luôn quan sát hệ thống cảnh báo an toàn (trong đó có cảnh báo phanh) trên bảng đồng hồ trước khi cho xe chuyển bánh, phòng khi xe đang ở chế độ phanh tay hoặc hệ thống phanh xe có vấn đề.

Khi thấy đèn báo phanh bật sáng, nhanh chóng lái xe cập lề. Nếu phanh chân không hoạt động, hãy về số và dùng phanh tay để dừng xe an toàn. Liên lạc ngay với các trung tâm dịch vụ của hãng xe để sữa chữa. Tuyệt đối không lái xe khi hệ thống phanh chưa được kiểm tra hoặc sửa chữa.
 
Cũng có khi hệ thống trợ lực phanh gặp rắc rối. Bạn có thể biết điều đó khi đạp phanh mà xe không đi chậm lại. Đừng cuống! Trong trường hợp này, hãy đạp và nhả phanh mạnh và đều đặn. Nếu bánh xe bị khóa cứng, hãy nhả chân phanh rồi đạp lại nhưng đừng mạnh quá. Sau đó về số và sử dụng phanh tay để dừng hẳn xe trước khi gọi cho các trung tâm dịch vụ chính hãng.
 
Nhưng điều quan trọng hàng đầu chúng tôi muốn nói với bạn: Hãy đừng bao giờ để tình huống trục trặc phanh xảy ra với mình, bằng cách bảo dưỡng và kiểm tra xe, trong đó có hệ thống phanh, đúng định kỳ và tại các trung tâm dịch vụ chính hãng để có chất lượng đảm bảo.

Mọi thắc mắc xin gửi về: contact@phunuvaxehoi.com


From the same category