TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã cho biết như vậy tại hội thảo “Cập nhật tình hình kinh tế và Tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng Việt Nam”, ngày 13/11.
Theo đánh giá của ông Võ Trí Thành, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam 2012 đã được cải thiện, song rủi ro vẫn còn hiện hữu, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm chạp, yếu và còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, rủi ro là lạm phát cao vẫn có thể quay trở lại do những cú sốc bên ngoài, hoặc chính sách điều hành; thâm hụt ngân sách lớn, việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chậm, lòng tin vào sự ổn định còn thấp.
Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dù đã có cải thiện song vẫn gặp nhiều khó khăn: cầu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn, sản xuất kinh doanh đình trệ, đình đốn ở nhiều khu vực.
Về chính sách tiền tệ, theo đánh giá của ông Thành, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra trước đây là từ 15 – 17%, nhưng 10 tháng đầu năm mới chỉ đạt 3,3%. Sở dĩ tăng trưởng tín dụng thời gian qua chỉ đạt mức khiêm tốn như vậy là do cầu giảm, doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn; bên cạnh đó là vấn đề nội tại của các ngân hàng như thánh khoản (dù cải thiện ít nhiều) và nợ xấu tăng cao.
Ông Thành cũng cho biết, chương trình xử lý nợ xấu đang được xem xét và sắp được công bố trong vài ngày tới. Đây là một trong những điểm tích cực của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, cụ thể là từ nay đến đầu năm 2013. Theo đó, vấn đề xử lý các doanh nghiệp nhà nước yếu kém cũng sẽ rõ ràng hơn vào đầu năm tới.
Để xử lý nợ xấu, theo khẳng định của ông Thành, “Việt Nam không cần vay ai. Vấn đề xử lý nợ xấu sẽ được giải quyết nếu có một định chế xử lý nợ xấu được thành lập, cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện cho định chế này hoạt động”. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ứng xử với áp lực xã hội, giải trình với người dân; đồng thời, việc xử lý ai trước, ai sau sẽ là vấn đề cần đặt ra.
Nhận định riêng về vấn đề tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng, theo ông Thành, Việt Nam đang có những thuận lợi là có sự thay đổi nhận thức của cả bộ máy chính trị. Chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước đây. Tuy nhiên, có những khó khăn là việc vượt qua được lợi ích nhóm, chưa kể sự thiếu hụt nguồn lực.
Các diễn giả tham gia tại hội thảo.
Do đó, Việt Nam không nên chỉ nhìn vào ngắn hạn, hãy nhìn vào dài hạn là những yếu tố này có tác động thế nào đối với tương lai của mình. Vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu đóng góp như thế nào vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với ngành hàng quan trọng như cà phê, gạo, nông sản, dệt may… thì sự đóng góp của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng tăng. Tác nhân mang lại những thành công đó có thế là những doanh nghiệp nội địa, trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Tôi cũng thấy có sự chuyển biến trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt chú trọng vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn chứ không chỉ thuần túy là những mặt hàng thô hay nguyên liệu như trước đây. Chính vì vậy, có 2 mảng quan trọng là quản lý tài nguyên và xuất khẩu, động lực quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế. Còn về dài hạn, một yếu tố quan trọng đảm bảo độ tăng trưởng của Việt Nam là thị trường trong nước và sức bật tiêu dùng trong nước”, ông Tareq Muhmood nhấn mạnh.
Tổng giám đốc ANZ Việt Nam cũng đánh giá, bức tranh tín dụng 10 tháng đầu năm của Việt Nam khá thấp, phản ánh đúng tình hình thị trường tài chính tiền tệ hiện nay. Lãi suất huy động 1 số ngân hàng tương đối cao so với trần, cơ bản là hệ thống thanh khoản của mỗi ngân hàng khác nhau. Có ngân hàng không đủ cơ cấu vốn để vượt qua song gió, bằng cách nào đó phải tăng lãi suất huy động để có nguồn vốn họ cần.
Các ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc. Ông Tareq Muhmood nhìn nhận, không chỉ nội tại các ngân hàng Việt, mà một số ngân hàng nước ngoài cũng cần phải làm mới mình. “Điều quan trọng đối với ngân hàng là bản cân đối tài sản và yếu tố nội tại cơ bản vững chắc, bên cạnh thế mạnh tài chính để vượt qua khủng hoảng là quản lý rủi ro, quản trị rủi ro tốt, quản lý tốt các danh mục của mình trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Cần ý thức rõ hiện trạng của mình và nắm rõ cả tình hình doanh nghiệp của mình, xem họ có thách thức khó khăn gì để hỗ trợ vượt qua khó khăn…”, vị đại diện này nói.