Xu hướng Xuân Hè 2015: Lại nói về cool!

Cả Marc Jacobs và Alexander Wang đều là hai nhà thiết kế tiêu biểu của cool và đều đi theo công thức đã được kiểm chứng qua thời gian. 

Lấy một chi tiết của thời trang đường phố – như thói quen ăn mặc của người vô gia cư, các nhóm thanh niên “hư hỏng”, các cộng đồng sống ở “ngoại vi” như người nhập cư, thậm chí có thể là những nhóm có đời sống tình dục được coi là “trụy lạc”, hoặc đơn giản là những người mua sắm trong siêu thị… sau đó nhào nặn với chất liệu đắt tiền, khó kiếm hoặc công nghệ cao, sử dụng hết công suất đôi tay của những người thợ lành nghề để biến thành sản phẩm long lanh. 

Vâng, grunge – biểu tượng của nghèo nàn và cũ kỹ – đã hết thời, và normcore “tinh chất” – phong cách của sự sành điệu không long lanh – cũng vậy. Thậm chí, tờ New York Times đã đăng lên Twitter: “R.I.P normcore” (rest in peace – an giấc ngàn  thu) sau khi tờ Time viết rằng từ này đã thua cuộc trong cuộc chạy đua giành danh hiệu từ mới của năm. 

Công đoạn cuối cùng là một show diễn hoành tráng – trong trường hợp của Marc Jacobs, với tai nghe phát cho khách mời để có thể chìm đắm trong thế giới riêng, và đã làm cho biên tập viên kỳ cựu của Vogue phải thú nhận là vẫn còn đang “bay” khi viết bài bình luận. Và một xu hướng mới, phong cách thời thượng mới ra đời.

 

Bộ sưu tập Xuân Hè 2015 của Alexander Wang

Ý tưởng của Alexander Wang nghe chừng có vẻ khá “không nghiêm túc”. Chưa ai may đồ hiệu với cảm hứng từ giày thể thao bao giờ. Tuy vậy, hãy nghĩ đến món đồ đặc biệt này như một biểu tượng cho thể thao duy mĩ – vẻ năng động kết hợp với các chất liệu “siêu” công nghệ, trong trường hợp này là lưới, được cắt ghép vòng vèo mô phỏng những đường may để có thể tạo sự liên tưởng đến giày thể thao. 

Normcore có thể là sự hợp thời vừa mới trôi qua, nhưng giày thể thao đồ hiệu thì vẫn đang ở trung tâm chú ý của thời trang. Rõ ràng, ý tưởng này đã xuất hiện đúng lúc đúng chỗ – và chỉ có thể là Alexander Wang! Điểm mấu chốt trong bộ sưu tập – như thường lệ, là sự kết hợp thể thao – công nghệ – đường phố – haute couture. 

Theo lời bình của Vogue, thời gian nhà thiết kế làm việc cho thương hiệu Balenciaga tuy chỉ mới đây, nhưng đã làm cho tay nghề của Alexander Wang thực sự lên “level” (tuy bằng chứng của Vogue có vẻ cũng không được nghiêm túc cho lắm, là không ai may những chiếc quần cạp cao vải satin đẹp như trong bộ sưu tập của Alexander Wang). 

Alexander Wang trình diễn một phong cách khỏe khoắn, nếu không muốn nói là hơi “cường tráng”. Dàn người mẫu size 0 trông khác hẳn chuẩn mực “cô bé bán diêm” mà Anja Rubik lăng xê trên các trang báo của Vogue vừa qua. Vai họ trông có vẻ ngang hơn (nhờ áo top cổ thuyền không tay), cặp giò có vẻ cứng cáp hơn (nhờ chân váy xếp li như trang phục của các vận động viên cổ động). Quần cạp cao làm cho vòng hông trông cũng đầy đặn hẳn ra. Đây có thể gọi là tuýp cơ thể vận động viên Olympic cho một lối sống lành mạnh.

Bộ sưu tập Xuân Hè 2015 của Alexander Wang

Phải nói rằng chủ đề giày thể thao khá thú vị ở hai điểm. Thứ nhất, đó là niềm mê mệt của các anh chàng sành điệu hơn là của các cô nàng sàng điệu. Thứ hai, đó là các anh chàng sành điệu nhiều khi có những sở thích kỳ lạ với giày. Mẫu giày AirMax của Nike là một ví dụ. Nó nổi tiếng bởi cấu trúc gói kín không khí trong đế giày làm cho việc đi lại, chạy nhảy, vận động dễ chịu hơn. Tuy vậy, điều những kẻ mê giày mê nhất là lấy dao chọc thủng những túi khí tiện dụng đó, có lẽ để nghe tiếng sột soạt lúc không khí thoát ra. Nó đem lại cho họ cảm giác hưng phấn tình dục là khác. Nhiều người vẫn tiếp tục đi những đôi giày đế đã lép kẹp, nhưng không ít kẻ lùng sục những mẫu mới. Phong cách thể thao chắc gì đã “lành mạnh” như trong bộ sưu tập của Alexander Wang?

Bộ sưu tập Xuân Hè 2015 của Marc Jacobs

Ngược lại với các nữ điền kinh tỏa sáng của Alexander Wang, người mẫu trong show của Marc Jacobs trông vừa lôi cuốn, vừa hơi đáng sợ. Có lẽ vì họ đội tóc giả kiểu bob giống như Uma Thurman trong phim “Pulp Fiction” (Style.com viết rằng hình mẫu cho show là Grace Slick, ca sĩ Mỹ từng tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam trong thập kỷ 1960). 

Bộ sưu tập của Marc Jacobs  lấy ý tưởng từ quân phục/đồng phục có thể diễn tả với ba từ: to, cúc, túi. Cúc áo to, mô típ viên đá quý cỡ lớn, túi hộp cỡ “ba gang” hay kiểu dáng quá khổ đều là những “kỹ xảo” chúng ta đã có dịp chứng kiến trong không ít bộ sưu tập trước đây của nhà thiết kế. Điều gì khiến cho những thiết kế trong bộ sưu tập này của Marc Jacobs trông dễ dãi và đơn điệu như vậy? Vì đồ xuân hè thì rộng rãi và giản lược vẫn là hơn cả? Vì đồng phục nên cứ phải lặp đi lặp lại như vậy? Vì chẳng lẽ lại “tôn vinh” quân phục sang chảnh, trong khi nó vốn được coi là biểu tượng cho tư tưởng chống chiến tranh và phản đối lối sống giàu sang?

Đây có lẽ là một vấn đề không nhỏ khi thời trang “lấy cảm hứng” từ trang phục đời thường, không phải chỉ vì đó là những trang phục người ta mặc hàng ngày, mà nó còn mang theo nhiều ý nghĩa nữa. Liệu có nên làm áo len “của người vô gia cư” từ sợi cashmere, may áo váy kẻ sọc dứa – mô típ của dân nghèo nhập cư, hay kẻ ca rô (plaid) nổi tiếng của phong cách grunge, bằng lụa xịn? Có lẽ rẻ hơn, và có lẽ vì thế cũng cool hơn, là đi giày thể thao với bất cứ trang phục nào và vào bất cứ dịp nào, hay kết hợp quần lính với giày cao gót? 

Cứ theo lập luận này, thì thời trang có khi lại chính là dành cho những người không thể đạt đến cool. Thời trang là kỹ xảo, vải xịn và show hoành tráng, là việc làm và lợi nhuận. Còn những kẻ ăn mặc cool thì nhiều khi chỉ cần đi những đôi giày vintage, hay mặc đồ lính của những nước càng nhỏ và càng khó kiếm càng tốt, cho đến khi phát chán thì thôi.

BST Xuân Hè 2015 của Marc Jacobs

Thời trang là kỹ xảo, vải xịn và show hoành tráng, là việc làm và lợi nhuận. Còn những kẻ ăn mặc cool thì nhiều khi chỉ cần đi những đôi giày vintage, hay mặc đồ lính của những nước càng nhỏ và càng khó kiếm càng tốt, cho đến khi phát chán thì thôi.

 

Bài: Thành Lukasz

logo 


From the same category