Xứ hoàng gia mới thức giấc

 

Công viên phức hợp Santorini 

Cha-am và Phetchaburi

Vượt qua 120km với khoảng 2 giờ lái xe từ Bangkok, chúng tôi rẽ vào cung điện mùa hè của vua Rama IV thuộc tỉnh Phetchaburi – nằm ở khu vực trung tâm miền Trung Thái Lan, vốn là hoàng thành cổ của người Môn thuộc thế kỷ thứ 8. Tọa lạc ở vị trí tuyệt đẹp trên những đồi cây, chủ yếu là hoa sứ, cách mực nước biển 92m, Phra Nakhon Khiri (người dân thường gọi là Khao Wang) được xây dựng vào năm 1860. Tôi cũng như các du khách khác chỉ được phép vào công viên lịch sử Khao Wang nằm trong khu phức hợp của cung điện, nơi trưng bày những vật dụng được chạm trổ tinh xảo, gốm sứ mà hai vị vua Rama IV và Rama V đã sử dụng.

Ra khỏi những căn phòng được bày trí cẩn thận, ngạc nhiên với lối đi cúi gập người dành riêng cho người phục dịch, tôi vượt qua những bậc thang dựng đứng để được đón những cơn gió mát rượi từ khu vực cao nhất của bảo tàng. Từ đây phóng tầm mắt có thể thấy những đại sảnh lớn, đền đài và các tòa nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc Thái Lan kết hợp hài hòa với những kiểu kiến trúc tân cổ điển phương Tây và Trung Hoa. Xa xa còn có những khu rừng nhiệt đới cùng các dãy núi ở phía Tây dọc theo biên giới của Myanmar và bờ biển dài 80km. Thuộc về địa phận tỉnh Phetchaburi, Cha-am vốn là một làng chài với nhiều món ngon được chế biến từ hải sản, một nơi lưu trú cạnh bờ biển được hoàng gia và người bản địa yêu thích sau khi vua Rama VI xây cung điện của tình yêu và hi vọng Muruk Khatayawan. Dần dà, trong cuộc đua với thời gian, với những Phuket, Pattaya, Cha-am đi chậm dần và trở thành nơi lý tưởng cho những người chán ngán ồn ào, chán những vũ điệu thâu đêm, muốn tìm một nơi sống chậm.

Cung điện mùa hè Klai Kangwon 

Dường như muốn rút ngắn cuộc đua, hoặc muốn mở rộng hơn cánh cửa đón những người ưa khám phá, chính phủ Thái Lan đã gây dựng ở Phetchaburi một công viên quốc gia Kaeng Krachan rộng lớn nhất Thái Lan có diện tích ngót 3.000km2, khôi phục lễ hội Thai Song Dam, cả hương vị của món khao chae – cơm ăn với nước đá và thịt ngọt. Mới nhất, công viên phức hợp Santorini là khu giải trí hiện đại duy nhất ở Cha-am, vừa được đưa vào khai thác đầu năm 2013, với một màu xanh biếc theo cảm hứng từ đảo Santorini xinh đẹp của Hi Lạp. Tuy vậy, tới nay nơi này hầu như vẫn toàn khách du lịch nội địa.

Hua Hin và rẻo đất hẹp nhất Thái Lan

Tôi đến Hua Hin, một trong những khu nghỉ dưỡng ven biển đẹp của Thái Lan nhưng hiện vẫn còn là một ẩn số với hầu hết du khách. Chỉ cách Cha-am 30 phút lái xe về phía Nam, Hua Hin được biết đến từ những năm 1920 khi đức vua Rama VII xây dựng cung điện mùa hè Klai Kangwon. Theo tiếng Thái, tên cung điện có nghĩa là “giải tỏa những mối lo âu”, điều đó giải thích lý do gia đình hoàng gia vẫn đến Hua Hin hàng năm.

Biển Hua Hin 

Biển Hua Hin trải dài từ một cảng cá chật hẹp rồi uốn cong dịu dàng khoảng 3km về phía Nam, nơi có bức tượng Phật điêu khắc khổng lồ đặt tại chân núi Takiab. Tôi được nhà thiết kế của thương hiệu It’s Happened To Be A Closet mời đến ở trong căn nhà được bà chăm chút tỉ mỉ từng góc nhỏ bên cạnh bờ biển Hua Hin. Nếu ở đây thì tin là chẳng ai muốn bước ra khỏi phòng, tôi đã phải “đấu tranh tư tưởng” rất lâu trước khi quyết định đón xe tuk tuk ra chợ bản địa. Người dân ở đây, đặc biệt là phụ nữ, từ tốn, nhẹ nhàng khác hẳn vẻ vội vã ở những thành phố lớn. Những cuộc bán mua diễn ra hòa thuận, vui vẻ với hải sản, rau quả tươi ngon. Tôi đã tha về căn bếp xinh đẹp rất nhiều mực, tôm, chem chép để chuẩn bị bữa tiệc nướng bên bãi biển vào buổi tối. May mắn làm sao, hôm ấy trăng tròn, chỉ thiếu mỗi rượu vang là đủ một bữa tiệc thịnh soạn. Ngày kế tiếp, tôi thăm khu vườn Bươm bướm và thảo dược đầu tiên của Hua Hin nằm đối diện cung điện Klai Kangwon. Đặt chân đến đây tôi nhớ mình còn chưa thực hiện chuyến đi tới rừng quốc gia Cát Tiên đã lên kế hoạch từ hai năm trước, có lẽ không thể chần chừ hơn được nữa.

Nhà ga Hua Hin 

Không chỉ Cát Tiên, Hua Hin còn khiến tôi nhớ tới nhiều nơi khác của đất nước mình. Tỉ như khi ghé thăm nhà ga xe lửa được xây dựng hoành tráng dưới triều vua Rama VI, một trong những ga xe lửa lâu đời nhất và cũng đẹp nhất Thái Lan. Sự độc đáo trong phong cách kiến trúc Thái đã làm ga Hua Hin nổi bật với quần thể kiến trúc gồm nhà ga, phòng chờ Hoàng gia lộng lẫy được di dời từ cung điện Sanam Chan (thuộc tỉnh Nakhon Pathom) về đây. Nó khiến tôi hơi chạnh lòng, nếu so với ga Đà Lạt chỉ còn là chốn chụp hình cưới cho các đôi uyên ương thì ga Hua Hin vẫn còn được bảo tồn và sử dụng với nhiều chuyến mỗi ngày.

Giống Hội An những năm 90 của thế kỷ XX, dải đất kéo dài từ Phetchaburi đến Hua Hin – xứ sở hoàng gia này vẫn còn là một ẩn số với rất nhiều người, tuy rằng nó khá hiện đại so với Hội An vào thời điểm đó, có chợ đêm, dịch vụ du lịch như khinh khí cầu, golf… Có lẽ bởi du khách quốc tế mải mê với vẻ đẹp của những hòn đảo như Phuket, Koh Chang, Koh Tao, Lipe… hay sự náo nhiệt của Pattaya, Bangkok mà lãng quên vùng đất dịu dàng, hiền hòa, êm đềm cùng những món ăn ngon và bãi biển đẹp này.

Căn nhà xinh xắn của tôi ở Hua Hin 

Swiss sheep farm
 

Những vùng đất bị quên lãng

Làm sao lại thế nhỉ? Dưới mặt trời này, trong thế giới phẳng này, làm gì còn cái gì bị quên lãng nữa? Làm gì còn những câu chuyện dường như phi thực, khi Henri Mouhot sững sờ trước phế tích Angkor Wat dần hiện ra giữa rừng già ngàn năm tuổi. Ấy vậy mà vẫn còn đó, những “miền quên lãng”.

                                                                                    Bài: Thanh Hà
                                                                                    Tổ chức: Vũ Thủy

 


From the same category