Xót xa cho “Những người viết huyền thoại” - Tạp chí Đẹp

Xót xa cho “Những người viết huyền thoại”

Review

Lời nguyền “phim cúng cụ”

Trước ngày chính thức có mặt tại rạp chiếu, 10/01/2013, bộ phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã nhận được những cơn mưa lời khen từ báo chí và một bộ phận giới chuyên môn. Đấy là những người đã có điều kiện xem tác phẩm này trong đợt LHP Việt Nam lần thứ 18, dịp Quốc khánh năm 2013 và đôi suất chiếu cho nhà phát hành, cánh báo chí trước khi phim có cửa ra rạp.

Bởi vậy, khi “Những người viết huyền thoại” còn nằm xếp kho thì đã có nhiều bài giới thiệu, phê bình phim trên khắp các mặt báo. Với tính chất của một bộ phim Nhà nước, lại về đề tài chiến tranh thì không khó để đoán biết một điều: Dẫu được khen phim vẫn ế… Hiệu ứng nếu có về phim, sau giải thưởng Bông sen vàng, cũng nguội ngay sau khi LHP khép lại.

Trước “Những người viết huyền thoại”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng để lại ấn tượng tượng tốt với bộ phim chiến tranh khác là “Đường thư”

Nhưng bỗng một ngày đẹp trời, bất ngờ có tin “Những người viết huyền thoại” được chính thức phát hành. Không ít người lạc quan, với chất lượng như thế, với nội dung khá gần gũi và dễ xem, phim sẽ đánh động khán giả, ít nhiều gây chú ý. Vậy mà cho dù giá vé đã giảm 40, 50%, phim vẫn nhận về kết quả doanh thu thảm hại.

Điều này đã được kiểm chứng qua những suất chiếu vắng đến không thể vắng hơn ở nhiều rạp lớn. Người đi xem về kể, họ có cảm giác mình đang… thuê nguyên phòng chiếu! Các suất chiếu cũng ít, lại rơi vào những khung giờ oái oăm. Vậy nên, có lẽ chỉ sau một tuần, ngoài hệ thống rạp của nhà phát hành BHD,  phim sẽ sớm phải rút lui trong im lặng.

Cố nhiên, kết cục ấy không cá biệt. Ba năm qua, khi Nhà nước không rót tiền sau “xì căng đan” thất thoát hàng chục tỷ đồng ở Cục Điện ảnh, thì không ít phim “nhảm” của tư nhân cũng ế chỏng chơ. Điều đáng nói hơn ở đây là khán giả mua vé đến rạp dường như đã khước từ “Những người viết huyền thoại”. Có lẽ nào là vì họ đã không chia sẻ được với những bộ phim chiến tranh nữa, cho dù đó là một bộ phim tốt, được làm có nghề và tâm huyết?

Hãy xem, ở suất chiếu người viết bài này có mặt, cả rạp có 6 người. Một cặp đôi chỉ “mượn” phòng chiếu phim làm “chuyện riêng”. Đôi bạn trẻ khác thoả thuê cười nói từ đầu đến cuối, ngay cả ở những cảnh súng đạn và chết chóc xuyên suốt bộ phim gần 100 phút. Có phải phim chiến tranh lạc hậu với khán giả trẻ rồi chăng?

Chắc không phải thế, hoặc một bộ phận khán giả trẻ Việt Nam đã lỡ đi lạc vào rạp chiếu? Cứ nhìn quanh, suốt mấy năm nay, giữa vô vàn “bom tấn”, phim chiến tranh vẫn đều đặn xuất hiện ở khắp các rạp chiếu trên toàn thế giới, nhiều tác phẩm thuộc danh sách phim ăn khách. Không đâu xa, cùng thời điểm “Những người viết huyền thoại” ra rạp có “Lone Survivor” (Sống sót), một bộ phim cùng thể loại chiến tranh – tiểu sử. Trên thị trường Bắc Mỹ, tác phẩm tràn ngập tiếng súng của hai bên chiến tuyến này vẫn đang đứng đầu doanh thu phòng vé.

Vai diễn người lính giao liên tên Nghĩa mang cho Trương Minh Quốc Thái giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 18 

Vậy thì tại sao “Những người viết huyền thoại”, một “tiểu tự sự” về cuộc chiến trên chính đất nước mình, về những người dân mình, mang câu chuyện của mình, thì lại bị số đông thờ ơ như vậy?

Cùng với lý giải thời điểm phát hành bị “vênh” với hiệu ứng mà phim có được trước đó thì có thể tính đến một nguyên nhân dễ thấy khác. Đó là cái mác “phim cúng cụ” nói riêng và “phim Việt Nam” nói chung đã nằm trong danh mục “phim không phải xem” của nhiều khán giả. Đã vậy, đây lại là về chiến tranh, đề tài mà nhiều tác phẩm xài “tiền chùa” trước đó đã thể hiện quá dở, ít nhiều gây mất lòng tin trong công chúng.

Ai còn làm phim chiến tranh?

Sang đến tuần này, “Cô dâu đại chiến” phần 2, một bộ phim Việt Nam khác bắt đầu ra rạp. Loạt phim Tết cũng đang ùn ùn đổ về và chắc chắn có những “phim bánh mứt” với kinh phí đầu tư chỉ độ đôi ba tỷ đồng. Trong lúc ấy, một bộ phim có kinh phí 10 tỷ như “Những người viết huyền thoại” lại phải sớm rút lui khỏi rạp.

Nói con số 10 tỷ không phải để so sánh rồi quy ra chất lượng, bởi sẽ là ngây ngô nếu đánh đồng kinh phí cao thì chất lượng song hành. Điều được nói tới ở đây đó là khó có bộ phim chiến tranh nào chân thực, sinh động như “Những người viết huyền thoại” mà lại có kinh phí sản xuất “eo hẹp” đến vậy! Ít nhất là đối với điện ảnh Việt, chứ chưa nhìn rộng ra để so sánh với những nước đi đầu về công nghệ làm phim khác.

Vai diễn cô văn công chiến trường tên Hà giúp Tăng Bảo Quyên có được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 18

Chưa thể nói là hay, và còn nhiều điểm chưa thực sự thuyết phục, nhưng hãy xem những gì mà tác phẩm điện ảnh dòng chính hiếm hoi này làm được sau bao bộ phim chiến tranh đang xếp kho khác. Những cảnh đạn bom, máy bay rơi, cháy nổ, đấu súng… ở cả đại cảnh và cận cảnh chiếm hầu hết thời lượng phim nhưng không tạo cảm giác gượng, giả – như ấn tượng về nhiều phim chiến tranh có dàn dựng cẩu thả, hời hợt khác.

Nhiều cảnh quay trong “Những người viết huyền thoại” cũng xứng đáng được ngợi khen. Ở đó, ngôn ngữ điện ảnh toát lên rõ nét, thể hiện trình độ và cả sự nghiêm túc, tìm tòi của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và quay phim Lý Thái Dũng.

Với nội dung kịch bản không lấy gì làm xuất sắc về nhiệm vụ khơi thông đường ống dẫn dầu xuyên Trường Sơn giữa mưa bom bão đạo, đạo diễn đã đặt được dấu ấn riêng lên bộ phim, để ở đó, màu sắc tuyên truyền chỉ là thứ yếu. Trên hết, đó là câu chuyện về sự bền chí, dũng cảm hy sinh, biết sống vì người khác. Trong sự oai hùng đó còn đọng lại trong người xem những rung cảm về tình thân gia đình và tình yêu bi thương, trong sáng.

Chưa chắc với số tiền lớn hơn thì “Những người viết huyền thoại” sẽ trở thành một bộ phim tốt hơn. Quan trọng hơn là đoàn làm phim và các diễn viên đã thể hiện sự tận tuỵ cho một bộ phim tiêu tiền của dân, đồng cảm với câu chuyện vừa khốc liệt và giản dị mà mình đang kể. Chỉ tiếc và xót xa khi những nỗ lực ấy đã chưa chạm đến sự đồng cảm nơi khán giả. Vậy thì mai này, ai còn làm phim chiến tranh!

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: BHD

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Từ hồi ký được chuyển thể thành phim, “Lone Survivor” (Sống sót) trở thành tác phẩm để xem chứ không phải để kể. Từ sự chứng kiến đó, khán giả có thể hiểu rõ hơn những câu chuyện thôi thúc con người sống nhân ái và mạnh mẽ hơn.

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

16/01/2014, 10:07