Ngày nào cũng vậy, khoảng 18 giờ là khu chợ An Bình, thị xã Dĩ An – Bình Dương trở nên tấp nập. Hàng trăm công nhân (CN) vừa tan ca tất bật đi chợ chiều. Theo chân mấy chị CN Công ty New Toyo – KCX Linh Trung 2, tôi ghé vô khu vực bán thịt, cá. Thấy các chị định mua mấy con cá biển đã bị bợt da, mắt trắng dờ, phòi ruột, tôi ngăn lại thì chị Hoàng Thị Thắng bảo: “Thức ăn ở chợ này làm gì có đồ tươi; nhất là tôm, cá”.
Hàng “dạt”, ươn sình
Tôi lân la làm quen một chị bán thịt và đồ lòng cạnh đó. Chị khoe hàng của mình còn “nóng hổi” dù tay chị liên tục quơ quơ nhánh cây để đuổi bầy ruồi xanh cứ vo ve xông vào. Tôi hỏi: “Chị nói hàng mới sao cái mớ đồ lòng này em thấy màu sắc nhợt nhạt, có cái lại màu xanh vậy ?”. “À, cái này là ruột già. Em đi mua ruột già mà thấy màu trắng là họ ướp hóa chất đó, ăn vô hại lắm” – chị bán hàng trả lời. Tôi chê hàng không tươi và định qua mua cá biển thì chị mát mẻ: “Ba cái thứ cá sút đầu, đổ ruột đó họ để cả tháng là ít. Ham rẻ ăn vô đi thì biết”.
Rau là lựa chọn hàng đầu của công nhân
Những người dân sống gần chợ cho chúng tôi biết đa số người bán ở nơi khác đến. Buổi sáng họ bán ở các khu chợ dân sinh lân cận, hàng bán không hết thì buổi chiều dồn về bán cho CN. Cá mú, thịt thà đều là hàng “dạt”, hôm nay bán không hết thì ướp đá để hôm sau bán tiếp. Thứ nào quá ươn, sình thì ướp sả ớt, ngũ vị hương.
Cứ rẻ là mua
Khu chợ tự phát trước cổng KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức – TPHCM) cũng nhộn nhịp sau giờ tan ca chiều. Rau củ, trái cây, thịt, đậu hũ đều được để trên các xe đẩy bên cạnh các loại rác như túi ni-lông, trái cây, rau đã hỏng vứt đầy dưới đường. Giá các mặt hàng ở “chợ” này khá rẻ, nhất là rau và trái cây. Một chị bán trái cây giải thích: “Đa số CN chỉ quan tâm tới giá cả chứ ít để ý tới chất lượng. Nếu chúng tôi lấy những mặt hàng tốt với giá cao hơn một chút thì không bán được”.
Ở chợ Bùi Văn Ba (quận 7- TPHCM), chúng tôi cũng bắt gặp cảnh CN chen chúc ở các quầy trứng, rau củ. Chỗ bày bán thịt, cá rất ít người mua. Tôm, cá bày bán ở đây, trừ các loại cá sông như cá lóc, cá điêu hồng còn tươi sống, còn lại hầu hết là cá biển, tôm tép, mực… đều là hàng sút đầu, đổ ruột. Chị Thu Lan, tiểu thương ở chợ Bùi Văn Ba, nhận xét: “Đa số CN còn rất trẻ nên họ không chú trọng chuyện ăn uống, bán mắc chút thì họ thà nhịn ăn chớ không mua. Vì vậy, chợ chỉ bán những thứ phù hợp với túi tiền CN”.
Ăn rau là chính
Chen chúc tại các quầy rau củ một hồi, chị Hà Thị Bầu, 29 tuổi, CN Công ty TNHH Freetrend Việt Nam (KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức – TPHCM), chỉ mua mấy trái cà chua, một miếng đậu hũ và 2 quả trứng.
Tôm cá bán ngoài chợ cho công nhân đều là hàng dạt, ươn. Ảnh: VIỆT NHUNG
Tiền nhà trọ, tiền điện, nước, học phí, sữa cho con… đã mất hơn một nửa số lương ấy. “Nếu ốm đau hay gia đình ngoài quê có việc đột xuất thì phải vay mượn” – chị Bầu than thở. Chị cho biết thêm khi đi chợ, chị chỉ dám mua những loại thức ăn rẻ nhất như đậu hũ, trứng, rau…
Tại khu chợ Sanlim hay các chợ tự phát trước KCN Cầu Xéo, huyện Trảng Bom – Đồng Nai, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều nữ CN cầm trên tay túi thức ăn chỉ toàn rau. Người nào “sang” hơn một chút thì có thêm trứng hoặc vài con cá nhỏ. Chị Nguyễn Thị Thu, CN Công ty Hansoll Việt Nam, tâm sự: “Ở đây ai cũng vậy, cuối tháng lãnh lương mới dám ăn sang một bữa. Để dành dụm được tiền gửi về quê, phòng chúng tôi 3 người không dám mua quá 60.000 đồng cho 3 bữa ăn”.
Theo chân chị Trần Thị Thanh, CN Công ty TNHH Nidec Copal (KCX Tân Thuận – TPHCM), về phòng trọ mới biết bữa ăn của chị thật đơn giản: 2 quả trứng, bó cải xanh là bữa tối cho hai người. “Ăn vậy mà còn không dư được là bao, nhiều lúc không nuốt nổi nhưng muốn ăn ngon cũng đâu có tiền?” – chị Thanh ngậm ngùi.
Nhiều hậu quả do ăn thiếu chất Một nghiên cứu gần đây nhất cho thấy tỉ lệ thiếu máu của CN trên địa bàn TPHCM là 19,2%. Trong đó, tỉ lệ thiếu máu ở CN nữ là 24,5%, CN nam là 10,2%. Đa số CN bị thiếu máu do bỏ ít nhất 1 trong 3 bữa ăn chính mỗi ngày để tiết kiệm chi tiêu. Theo TS-BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TPHCM, ăn thiếu chất sẽ dẫn đến hậu quả dễ bị suy tim, thiếu máu, ngất, choáng trong quá trình lao động làm ảnh hưởng đến năng suất lao động. |
Theo NLĐ