Xin lỗi mẹ, con đâu phải siêu nhân!

Cùng quẫn vì áp lực học tập

Ngay đầu năm dương lịch 2013, một số học sinh vì chuyện học hành mà có hành động cùng quẫn, dại dột. Em V.T.T (16 tuổi), học sinh lớp 10 tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Nguyên nhân chỉ vì không đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học 2011 – 2012. Một trường hợp khác, đó là em H.T.Đ (18 tuổi), học sinh lớp 12, cùng quê với T cũng do chán nản chuyện học nên đã mua thuốc diệt cỏ paraquat uống.

Những câu chuyện thương tâm này không còn là hiếm hoi. Trước khi những vụ việc ở Lâm Đồng xảy ra ít ngày thì tại Củ Chi, TP.HCM, một học sinh 14 tuổi cũng đã có hành động dại dột. Sau nhiều năm liên tiếp là học sinh giỏi của một lớp chọn, trường điểm, em T.T.L đã bất ngờ bị nhiều điểm kém trong đợt thi học kỳ. Sốc với kết quả nhận được, vừa thất vọng với bản thân, vừa lo cha mẹ, thầy cô quở trách, L đã uống 20 viên Panadol Extra với mong muốn tìm cái chết để trốn tránh phải đối diện với sự thật. Mặc dù em L không bị thiệt mạng do được cấp cứu kịp thời nhưng nỗi ám ảnh và những tác động tiêu cực khác từ vụ việc này chắc chắn sẽ không dễ nguôi ngoai.

 

Nỗi sợ của các em phát sinh từ chính sự kỳ vọng, mong mỏi thái quá của một số bậc phụ huynh. Nào là sợ cha mẹ đánh đòn, nhẹ hơn là trách mắng, nào là lo cha mẹ sẽ thất vọng, buồn phiền. Có thể khi bộc lộ những phản ứng như vậy, cha mẹ nghĩ là hoàn toàn bình thường, thậm chí cho rằng đó là điều cần thiết để dạy dỗ, răn đe con. Thế nhưng, nhiều người đã không lường được hậu quả, hối hận thì đã muộn màng. Chẳng hạn như trường hợp của mẹ em Phạm Đình Tuyên (học sinh lớp 6D Trường THCS Trưng Vương, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc). Thấy con đi học về thông báo bị điểm kém môn Mỹ thuật, chị rất giận nên la mắng con. Vậy mà ngay tối hôm đó, gia đình đã phát hiện cậu con trai nhỏ của chị thắt cổ tự tử trong phòng. Dù vội vã đưa tới bệnh viện, nhưng chị cũng không thể cứu được con. Nỗi đau đớn, ân hận đã theo người mẹ này suốt cuộc đời.

Cuộc chạy đua của người lớn

Dù đã bị lên án, nhưng bệnh thành tích vẫn đang là căn bệnh trầm kha, chưa cách nào chữa được của ngành giáo dục. Điều đó thể hiện rõ trong kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 với tỉ lệ gần 98% học sinh đỗ. Đặc biệt những tỉnh có trường đỗ 100% tăng đột biến. Tuy nhiên, những con số đó chỉ nói lên được một phần. Vấn đề nghiêm trọng hơn là bệnh thành tích đang len lỏi trong từng lớp học, từng môn học gây áp lực nặng nề cho cả giáo viên và học sinh. Cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận 3, TP.HCM cho biết: “Bản thân mỗi cô giáo cũng đều bị kiểm tra, đánh giá thường xuyên và phải chịu trách nhiệm về kết quả học tập của học sinh, thế nên chúng tôi không thể không thúc ép, nhắc nhở các em. Chỉ cần trong một kỳ thi mà nhiều em có kết quả thấp là tôi đã như ngồi trên đống lửa vì lo bị lãnh đạo khiển trách, cắt thưởng”.

Em Phạm Quốc An, học sinh lớp 4 của một trường điểm ở Q 7, TP.HCM kể: “Lớp con rất nhiều các bạn học giỏi, thế nên lúc nào con cũng lo mình bị điểm thấp hơn các bạn. Con rất sợ bị cô giáo nêu tên nhắc nhở trước lớp, khi về nhà lại bị ba mẹ hỏi và trách mắng. Thế nên nhiều khi bị điểm kém, con đã giấu bài kiểm tra đi để ba mẹ không phát hiện ra”.

Điều đó cho thấy, không chỉ nhà trường, mà chính gia đình cũng đang bị “nhiễm” căn bệnh này. Các bậc phụ huynh thấy con người ta được danh hiệu học sinh giỏi nhan nhản mà nếu con mình chỉ khá là đã bắt đầu cuống lên, tìm mọi cách để nhờ vả cô, rồi giao chỉ tiêu cho con, bắt con phải học ngày học đêm, học thêm thầy này cô nọ.

Chị Nguyễn Thị Hoa, Q 4, TP.HCM kể: “Nhà tôi có hoàn cảnh khó khăn, chồng đi làm phụ hồ, vợ bán trái cây, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng cho con gái học hành đầy đủ. Nó có thua kém gì ai đâu, con người ta được học thêm ở đâu, nó cũng được học ở đấy. Vậy mà mấy đứa bạn được học sinh giỏi hết, con mình chỉ được tiên tiến. Tôi buồn nẫu cả ruột. Mắng nó thì nó bảo con cố lắm rồi, thế có tức không. Chẳng biết thương cha mẹ gì cả”.

Có thể thấy, dù là gia đình bình thường hay khá giả, nông dân hay trí thức thì các cha mẹ đều kỳ vọng vào con, đều muốn được tự hào về tài sản quý giá nhất của mình. Thậm chí, những gia đình càng có điều kiện, bố mẹ càng có địa vị lại càng đặt tiêu chuẩn, áp lực cao hơn cho con. Một cô giáo trường chuyên Amsterdam, Hà Nội cho biết: “Tôi làm trong nghề bao năm nay nên biết rõ bệnh thành tích ngành giáo dục. Nhưng chính tôi cũng luôn lo lắng, sốt ruột vì kết quả học tập của con. Năm nào cháu cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, năm nay tự dưng lại chỉ được tiên tiến khiến tôi rất buồn và thất vọng, không biết ăn nói sao khi mọi người hỏi đây. Sợ nhất là người ta lại xì xào là mẹ giáo viên giỏi trường chuyên mà không dạy được con cấp 1”.

 

“Vì con đâu phải siêu nhân”

Cũng vì chuyện học hành, điểm chác nhưng không phải ông bố bà mẹ nào cũng có cách nhìn nhận tiêu cực. Chị Thùy Dung (Hà Nội) đã tâm sự rằng: “Hôm nay con gái đã đọc trôi chảy truyện tranh, mặc dù con đã chuẩn bị qua đến kỳ 2 của lớp 1. Xét theo quan niệm của các bà mẹ có con học lớp 1, thì bé Lem thuộc diện biết đọc chậm. Đơn giản vì trước khi vào lớp 1, các mẹ thi nhau tìm cô cho con học chữ trước, cô bạn ở lớp mẫu giáo của Lem nghỉ hẳn cả học kỳ 2, hy sinh luôn cả mùa hè sôi động để đi học toán, học tiếng Việt. Ngày học chữ, đêm về giải toán như sĩ tử sắp đi thi trạng nguyên vậy.

 

Còn Lem thì nhởn nhơ, mẹ cho con gái hưởng trọn cái độ tuổi vui chơi, vì mẹ thiết nghĩ lớp 1 chúng quy lại chỉ rèn luyện nề nếp và biết chữ. Con mẹ đạt được mong muốn đó là mẹ vui lắm rồi. Chính thức vào lớp 1, con gái mới bắt đầu với bảng chữ cái, tập đếm những con số. Hơn ½ học kỳ trôi qua, con thuộc diện học sinh chậm đọc so với các bạn trong lớp, cô giáo luôn luôn phải uốn nắn, để ý nhắc nhở. Bị điểm kém, con về nhà ủ dột, được mẹ động viên: “Miễn là con cố gắng, hôm nay mình được điểm 5 thì mai cố gắng điểm 6. Rồi dần dần con sẽ có điểm 10”. Mẹ cũng không vì cái sự “cô giáo hay nhắc nhở Lem” mà thăm nom, chăm sóc cô thường xuyên. Mẹ vẫn tin những điều cô làm là vì cô muốn học trò của cô học tốt chứ không vì mục đích khác. Con cũng đã tự tìm ra phương pháp học, học tập các bạn xung quanh. Vì thua kém bạn nên Lem càng có ý thức học tập hơn. Kết quả học kỳ vừa qua Lem đã trở thành một trong 5 bạn đạt điểm tốt nhất lớp và được cô phân công làm lớp trưởng. Mẹ nghĩ mẹ đã làm đúng, là để cho con phát triển trí tuệ và khả năng của con đúng độ tuổi, tự nhiên. Vì con mẹ đâu phải là siêu nhân. Nhưng biết đâu vì thế mà con trở thành siêu nhân”.

Theo Mẹ yêu bé

From the same category