Đứng trên sân khấu là thí sinh mang cái tên khá phổ biến – Người nghèo. Các giám khảo quyền lực, cũng như format chương trình Giọng hát Việt – ngồi quay lưng lại sân khấu. Tuy nhiên, khác một chút với Giọng hát Việt, game show Sinh tồn này có đến 5 giám khảo quyền lực: Điện – Nước – Viện phí – Gas – Xăng.
Không một giám khảo nào bấm chiếc chuông “Tôi chọn bạn” – đồng nghĩa là Chúng tôi – toàn bộ ban giám khảo – đều không đồng ý cho thí sinh cơ hội đi tiếp.
Có vẻ đây đang là kịch bản xảy ra giữa đời thực, khi chỉ cách đây vài ngày, 3 giám khảo quyền lực Viện phí – Gas – Xăng vừa đồng loạt tăng giá. Kết hợp với “cặp đôi hoàn hảo” Nước – Điện đã tăng chỉ mới hồi đầu tháng trước, 5 vị giám khảo này đã hội ngộ “tuyệt vời” để trở thành bộ ngũ độc quyền.
Nhiều người hoài nghi đây là một kịch bản có dàn xếp – giống như vẫn thường hoài nghi hàng loạt chương trình truyền hình thực tế nối đuôi nhau chiếu trên truyền hình. Nỗi hoài nghi này không phải vô căn cứ, vì người ta nhận thấy trong khi giám khảo Điện từng bị chê “không khéo” chọn thời điểm tăng giá, thì nay các giám khảo đã rút kinh nghiệm để chờ lúc CPI giảm mới dắt tay nhau cùng tiến.
Chỉ có thí sinh Người nghèo thì không ngừng “sốc”, “ngơ ngác” trước quyết định “nghiệt ngã” của toàn bộ Ban giám khảo. Đáng khâm phục nhất phải tính đến độ kín tiếng của giám khảo Viện phí, khiến thí sinh chỉ “ngã ngửa” biết chuyện tăng giá khi đã móc hầu bao trả tiền.
Mỗi giám khảo đều có lý giải riêng cho quyết định tăng giá của mình, nhưng tựu chung lại là không tăng giá thì tôi lỗ. Còn lỗ do đâu thì các bạn không nên quan tâm quá nhiều.
Tuy nhiên, nếu như ban giám khảo Giọng hát Việt bị chê có phần thái quá trong chuyện vỗ về, an ủi thí sinh, thì có vẻ bộ ngũ quyền lực không giỏi lắm trong việc này. Chẳng hạn giám khảo Viện phí khi tăng giá, một mặt trần tình chưa chuẩn bị kịp chất lượng phục vụ tương xứng việc tăng giá, một mặt cũng “tâm sự” là cần có thời gian thì tiền tăng mới đem lại chất lượng tăng.
Không may là trong các game show truyền hình, việc bị loại cũng không quyết định cả cuộc sống một con người, nhưng cuộc thi Sinh tồn đầy nghiệt ngã giữa đời thực thì không thế.
Giá cả các mặt hàng cơ bản tăng đồng loạt tác động đến tất cả các đối tượng và mọi mặt đời sống. Nhưng trong số đó, người nghèo vẫn luôn phải hứng chịu nhiều nhất. Trong khi nguồn thu nhập vốn đã eo hẹp của họ còn có nguy cơ giảm xuống, thì mọi loại giá cả đều tăng sẽ như muôn gọng kìm thít chặt hơn vào cuộc vật lộn sinh tồn của họ.
Ừ thì không có tiền có thể không dùng nước sạch, thắp đèn dầu thay cho đèn điện, dùng bếp rơm thay bếp gas, đi xe đạp, đi bộ để chẳng màng đến xăng. Nhưng còn một cái quyền – “quyền” được ốm?
Một người dân khi được đề nghị bày tỏ ý kiến về việc tăng giá viện phí đã tổng kết chua chát rằng: Nghèo thì tốt nhất đừng có bệnh. Nhưng khổ nỗi bệnh nào có chừa ai, nhất là với người nghèo.
Vì thế, kết cục của người nghèo mà vẫn “dám” có bệnh rất có thể sẽ giống như lời của một vị lãnh đạo sở y tế: “Tăng giá viện phí gấp đôi đã là nhiều rồi. Nếu tăng cả chục lần thì người dân có nước ôm bệnh mà chết, tiền đâu chữa trị“[1].
Sân khấu game show The Voice – Giọng hát Việt. Ảnh: Nguyễn Trung Hải/ VOV |
2. Cơm áo không đùa với bất kỳ ai, chứ chẳng nói riêng gì “khách thơ”. Mà trong cuộc đời, người ta đâu chỉ sống luẩn quẩn với riêng chuyện cơm áo, gạo tiền. Còn biết bao mục tiêu khác cần thực hiện để được sống đúng với ý nghĩa con người, như được học hành chẳng hạn.
Tuần qua, hẳn không ai có thể không xúc động, cảm phục trước những tấm gương vượt lên nghịch cảnh, cái nghèo quay quắt để xuất sắc đề tên mình vào bảng thủ khoa các trường đại học. Đó là những trường hợp như thủ khoa Lưu Thế Anh của Đại học Bách khoa, và đặc biệt là Lê Đức Duẩn, thủ khoa Đại học Dược Hà Nội.
Chàng trai mười tám đôi mươi nặng chưa đầy 40kg, với chiếc xe đạp không thể cà tàng hơn, chằng chịt vết vá, buộc, căn nhà trống huếch không thấy được vật nào đáng giá… Khó ai quên nổi hình ảnh đó của thủ khoa Lê Đức Duẩn. Chàng trai mảnh khảnh còn mang trên vai gánh nặng của bi kịch là anh trai và bố đều đã lần lượt “ôm bệnh mà chết”.
Có thể nói, nhiều mặt cuộc đời đã “không chọn” chàng trai này. Chỉ nghị lực, trí tuệ phi thường của bản thân và tình yêu vô bờ của người mẹ tần tảo giúp cậu không “chết chìm” trong nghịch cảnh.
Giờ đây, rất nhiều người đã biết đến Duẩn, và chắc rằng sẽ có những tấm lòng hào hiệp sẵn lòng giúp cậu bước tiếp con đường học hành đầy tốn kém. Nhưng hãy giả sử, trong mười mấy năm khắc nghiệt đã trải qua, cậu đầu hàng số phận, bỏ học giữa chừng, thì liệu chúng ta có một Lê Đức Duẩn thủ khoa như hôm nay.
Bản thân Duẩn cũng tâm sự là đã vài lần định nghỉ học. Và trong những lần đó, Duẩn đã nhận được sự may mắn hiếm hoi khi được nhà trường miễn giảm học phí để có thể tiếp tục đến lớp.
Thế nhưng, vẫn là một từ “nếu như”. “Nếu như” Duẩn không thể vượt nổi hoàn cảnh, và chẳng ai mở lòng trợ giúp em? Chắc hẳn sẽ còn rất nhiều trường hợp “nếu như” như vậy xảy ra, nếu không có một cơ chế xứng tầm nhằm tìm kiếm và nâng đỡ người tài, mà thay vào đó chỉ may rủi nhờ vào lòng hảo tâm của một số cá nhân, tổ chức nào đó.
Chợt nghĩ đến một hiện tượng được báo chí mổ xẻ tuần qua. Đó là chuyện về quy trình khắc nghiệt đào tạo các vận động viên (VĐV) Trung Quốc để họ mang về những tấm huy chương vàng Olympic cho đất nước này. Cái giá phải trả để “chạm tay vào vàng” của họ thường rất đắt, có VĐV ngay cả bà chết, mẹ mắc bệnh nan y cũng không được biết.
Chúng ta có thể phê phán sự khắc nghiệt đến vô cảm mà đất nước này dành cho những con người bằng xương thịt. Chúng ta có thể phê phán căn bệnh thành tích và ham muốn chứng tỏ vị thế bằng mọi giá của đất nước này.
Nhưng có một điều khó có thể phủ nhận là cũng nhờ quy trình khắc nghiệt ấy, phần lớn những VĐV Trung Quốc vô địch thế giới đã được phát hiện tài năng và đưa vào đào tạo từ rất sớm. Theo một bài báo gần đây, ngay từ những năm 1980, Trung Quốc đã ra một mật lệnh, có nội dung đại ý rằng những nhà vô địch trong tương lai phải được phát hiện và mài giũa ngay từ khi còn nhỏ. Nhờ đó, những tài năng bẩm sinh có cơ hội để lựa chọn trở thành những kình ngư, những nữ hoàng thể dục dụng cụ, v.v… dù lựa chọn ấy có thể sẽ lấy đi của họ rất nhiều thứ.
Không phải đến khi những vận động viên này thành danh nhờ sức lực và tiền bạc của chính mình, nhà nước mới mở tay ra nồng nhiệt chào đón, hỗ trợ, có chính sách phát triển họ. Bởi vì, nếu cứ chờ đợi thế, hẳn sẽ có rất nhiều trường hợp “nếu như” xảy ra, và không biết bao nhiêu tài năng phí hoài cuộc đời vào những thứ không đáng.
3. Một sân chơi tầm cỡ thế giới đã được mở ra sôi động tuần qua sau lễ khai mạc Olympic đầy dư vị hôm 28/7. Một lễ khai mạc giống như bộ phim về cuộc đời, với rất nhiều nhân vật từ nhiều địa vị, lĩnh vực cùng tham gia vào.
Vô vàn mỹ từ đã được sử dụng để ca ngợi sự kiện thế giới này, như: siêu phẩm, hoành tráng, ấn tượng, tiêu tốn, huyền ảo, thành công rực rỡ… Nhưng người viết bài này lại ấn tượng sâu sắc nhất với một cách miêu tả rất bình dị của một nhà báo về Olympic 2012 – Lễ hội của mọi người.
Thực vậy, Lễ khai mạc Olympic 2012 đã thực sự trở thành lễ hội của mọi người khi tham gia sân khấu hoành tráng đó không chỉ có những nhân vật nổi tiếng, có địa vị, thành công, mà còn có cả những em nhỏ khuyết tật dẫn đầu trong đoàn hát quốc ca của Anh. Chỉ huy dàn trống với 965 tay trống là nữ nghệ sỹ bị điếc bẩm sinh Dame Evelyn Glennie.
Danny Boyle, vị tổng đạo diễn của đêm khai mạc, người lừng danh với bộ phim “Triệu phú ổ chuột” đi sâu vào thế giới những người cùng cực, đã đưa những nhân vật này lên như một phần quan trọng “phản chiếu tương lai nước Anh”. Các em đều là những số phận thiệt thòi khi không được lớn lên hoàn chỉnh, có em không nói được, có em không nghe được. Nhưng tất cả các em vẫn được chào đón trân trọng và tham gia bình đẳng trên một sân khấu hoành tráng, tràn ngập ánh sáng, âm thanh.
Tạo ra một sân chơi để mọi người đều có thể có phần trong đó, ngay cả những người có số phận thiệt thòi, có lẽ ý nghĩa nhân văn của Olympic là ở đó. Giá như, trong cuộc đời thực ở khắp mọi nơi, ngay cả những nơi tăm tối nghèo nàn nhất, cũng vẫn có những sân chơi như vậy, để mọi người đều “được chọn” và có cơ hội tỏa sáng.
Theo Vietnamnet