“… Đừng nên so sánh con của mình như con vật hay không được giỏi hơn người khác về mặt nào đó. Với ai chứ với cháu, cháu đã biết cảm giác đó. Cháu căm giận ba mình và có ý định trả thù bằng việc không chịu học. Cháu nghĩ việc so sánh đó là điều không bao giờ nên làm…” – (Nam, 16 tuổi, Quảng Ngãi).
Đó là một trong những ý kiến của các em khi được các chuyên gia tham gia khảo sát thực trạng trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em phỏng vấn.
Bạn đã bao giờ có những câu nói, hành động khiến con cảm nhận rằng bạn có cách hành xử bất công với trẻ? Nếu bạn đang áp dụng lối giáo dục so sánh con với anh, em của chúng, với những người bạn cùng lớp hay so sánh với cả thế hệ của bạn đã từng sống thì hãy dừng lại. Bạn đã sai rồi đấy.
Các em mong muốn bố mẹ đừng đối xử cũng như so sánh khập khiễng giữa anh chị em trong gia đình. Việc đối xử không công bằng của bố mẹ sẽ gây hậu quả về tâm lí đối với các em ở tuổi mới lớn.
Nhiều em tâm sự rằng không hiểu vì sao bố mẹ lại ghét mình đến thế, trong khi bố mẹ hết lòng vì chị gái của em. Nhiều lúc, các em nghi ngờ về bản thân, không biết mình có phải là con đẻ của bố mẹ hay không – như lời tâm sự của em Nữ, 16 tuổi, ở Vĩnh Phúc:
“Em là một đứa con gái giống như bao đứa trẻ khác vào tuổi 16. Em có rất nhiều ước mơ và hi vọng. Gia đình có hai chị em. Chị gái hơn em một tuổi. Tuy nhiên, tình yêu thương của bố mẹ luôn luôn dành cho chị, còn em thì lạnh nhạt. Em đã cố làm đủ mọi cách, từ thay đổi tính nết đến học hành chăm chỉ để mẹ yêu quí em nhưng đều vô nghĩa. Khi chị gái vào cấp 3, chị được xuống Hà Nội để học.
Đó là động lực thúc đẩy em cần phải cố gắng học giỏi hơn nữa để cũng được xuống Hà Nội như chị. Năm đó em đã được đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đoạt giải. Em vui sướng về khoe thì mẹ lạnh lùng nói: “Chẳng may chó ngáp phải ruồi, có gì mà khoe chứ!”.
Không chỉ so sánh, đối xử thiếu công bằng, nhiều người còn cho rằng, khi nghe kể lể những khó khăn ngày xưa của bố mẹ, trẻ sẽ thấy chúng sướng hơn, thuận lợi hơn để từ đó cố gắng vươn lên và thành công hơn bố mẹ. Nhưng đó chỉ là mong muốn và hi vọng của bạn thôi.
Còn với trẻ, chúng sẽ nghĩ, mỗi thời một khác, sao bố mẹ cứ kể khổ ra làm gì. Thậm chí, có trẻ còn khoe: “Mỗi lần mẹ kể lể, em cứ giả vờ nghe cho mẹ kể thoải mái. Nhưng thực ra em đang theo dõi phần đối thoại trong phim trên kênh HBO”.
Việc so sánh trẻ với anh, em hay người khác chỉ khiến trẻ sinh chán ghét, thậm chí đố kị với những đối tượng được lấy ra làm hình tượng tiêu biểu. Trẻ không nhìn vào điểm tốt của đối tượng để học tập như bố mẹ mong muốn mà sẽ cố tìm nhược điểm hoặc cố gây ra sai sót cho đối tượng làm gương phải gánh chịu, nhằm mục đích duy nhất là chứng tỏ với người lớn rằng, thần tượng do họ nêu gương cũng chẳng giỏi giang gì.
Đối với trẻ ngang bướng, việc so sánh ấy khiến các em có phản ứng tiêu cực, làm ngược lại điều người lớn mong muốn hoặc đặt kì vọng. Đối với số khác, các em lại sinh tính tự ti vì nghĩ rằng sự so sánh đó chứng tỏ cha mẹ coi thường chúng. Trẻ sẽ không bao giờ đạt được những ưu điểm như “tấm gương”.
Do đó, mọi sự giáo dục bằng cách so sánh đều phản tác dụng, gây hậu quả xấu đến tâm lí của con, làm mất tính tự chủ và niềm tự hào của chúng về bản thân. Nếu có cố gắng hoặc chuyển biến tích cực nào đó thì chúng cũng đang cố gắng giống người khác theo mong muốn của người khác chứ không vì ý thức giá trị của bản thân.
Dù thế nào thì mọi sự so sánh vẫn thiếu tích cực và không có lợi cho sự phát triển của trẻ. Hãy đem đến cho con mình sự phấn đấu tích cực vì bản thân và mỗi ngày trẻ nhìn thấy sự tiến bộ của mình, chiến thẳng bản thân mình chứ không phải ai khác. Đó là điều mọi đứa trẻ đều mong muốn.