Xin đừng nói nàng từng rất đẹp!

Nhà văn Mai Thảo, một người độc thân trọn đời, lúc sinh thời từng ao ước có được một người bạn đời chung thủy, sống với nhau đến đầu bạc răng long, chiều chiều dìu nhau ra ghế đá công viên lặng lẽ nhìn cảnh vật, tóc bạc như cước và da nhăn như mặt biển trông từ trên cao, giai nhân của một thời nhưng mãi mãi là giai nhân trong lòng một người. Vẻ đẹp, nếu được nuôi dưỡng bằng tình yêu, trong mắt người yêu, sẽ không bao giờ phai nhạt, mặc cho giông bão, mặc cho tháng năm đi qua.

Nhưng đấy là trong mắt người yêu.

Còn trong mắt người ngoài, thì trẻ nghĩa là đẹp và khỏe, già là yếu và xấu, chắc chắn rồi.

Thỉnh thoảng lại thấy báo chí hé lộ tung tích những giai nhân một thuở, Nàng Thơ một thời của ai đó, với những dòng chữ không hơn gì một lô xổ số an ủi, đại loại như bà X, hình bóng trong mộng 50 năm trước của nhà thơ Y, nay ở tuổi thất thập cổ lai hy vẫn phảng phất nét đẹp thanh xuân; hay là cảm hứng để xây dựng nhân vật Z của nhà văn T chính là bà U, chúng tôi vừa đến thăm bà và ghi nhận những hình ảnh sau, qua đó ta có thể thấy thời thiếu nữ bà đã từng đẹp đến thế nào. Nói kiểu ấy tôi thấy cứ bất nhẫn làm sao, tưởng rằng cảm thông mà hóa mai mỉa, như thể ai đó bảo rằng ông kia bà kỉa vừa ung thư vừa tiểu đường nhưng dáng ngồi xe lăn vẫn phong độ chẳng kém ai. Thời gian là kẻ vùi hoa dập liễu kinh khủng nhất, sát thủ không thèm giấu mặt đáng sợ nhất – nó không biết nể nang ai, thế nên dù nói hoa hòe hoa sói sao chả biết, tôi xem hình và tìm mãi chẳng thấy đâu là nét thanh xuân phảng phất. Thời gian đã tàn phá hết rồi.

Mà như vậy, tốt hơn cả là đừng cố làm ra vẻ cảm thông.

Trong lịch sử nghệ thuật, rất nhiều trường hợp các Nàng Thơ, người tình, cảm hứng một thời, tri âm tri kỷ gì đó của các nghệ sĩ được tiết lộ danh tính và hình ảnh. Báo chí tò mò thì tất nhiên, nghề của họ; nhưng báo chí văn minh chọn thái độ khách quan, tường trình sự việc một cách trung tính, không kẻ cả, không cảm động vờ vĩnh, không bóp méo vấn đề. Báo chí và các nhà sử liệu nghệ thuật chỉ ghi nhận như một tư liệu lịch sử. Bởi vậy, chẳng ai sốc khi thấy hình ảnh người tình cũ của nhạc sĩ Leonard Cohen, cô bồ thầm kín của nhà thơ Pushkin hay người vợ thứ mấy của danh họa Pablo Picasso hiện ra trong vẻ già nua, mệt mỏi, yếu ớt. Trong khi đó, việc tô hồng chuốt lục cho một vẻ đẹp không còn tồn tại nữa, tôi cho rằng rất đáng trách: nó làm cho công chúng hoang mang, nó khơi mào cho thói ngồi lê đôi mách, nó khiến cho nhân vật trở thành chủ điểm của những cuộc bình phẩm dông dài vô bổ và ít nhiều, ác tâm.

Nàng Hanna, nhân vật trong cuốn “Người đọc” (Der Vorleser) của Bernhard Schlink, tự tử vì gì? Vì bà bắt đầu bốc mùi của người già, và bà thấy được người tình cũ Michael nhận ra điều đó. Khi người ta già đi, da dẻ nhăn nheo, răng rụng hay lưng còng không gây khó chịu nhiều bằng việc mùi cơ thể thay đổi. Mùi là yếu tố quan trọng số một trong nghệ thuật quyến rũ. Và vì lẽ đó, khi mùi đã xấu đi, tức là không còn khả năng quyến rũ nữa, đã thoái hóa trầm trọng đến mức đủ làm nên một lòng tự ti. Tự ti đến mức tuyệt vọng kết liễu cuộc đời.

Những giai nhân một thời cũng vậy thôi, họ tự ti không nhiều thì ít khi về già, mà ta lại còn đánh thẳng vào lòng tự ti bằng kiểu an ủi ấu trĩ “nàng từng rất đẹp”, “giờ tuy già nhưng vẫn còn đẹp lắm” thì có phải ác tâm hay không?

Tôi cũng muốn biết mặt những Nàng Thơ, những giai nhân của các danh nhân. Nhưng tôi phản đối việc bình phẩm nhan sắc, sự già nua, đời sống vật chất hiện tại hay phỏng vấn họ. Hãy để họ ở một vị trí yên bình và cố định. Hãy biết tôn trọng họ. Dù thế nào đi nữa, họ đã từng là niềm cảm hứng của một, vài người. Dù thế nào đi nữa, họ đã gián tiếp làm nên những tác phẩm nghệ thuật. Bấy nhiêu là đủ vinh danh họ, và ta không có quyền soi mói đào bới đời tư của họ.

Còn nếu không thể sửa được tính tò mò ấu trĩ, thì tốt hơn cả, đừng công bố thông tin về họ.

Quốc Bảo



From the same category