Bạn có thể tách trẻ tuyệt đối với công nghệ không?
Những nghiên cứu về tác động của công nghệ đối với trẻ con và các công bố về sự ảnh hưởng tiêu cực của nó đến trí não, hành vi của trẻ cũng giống như các nghiên cứu về việc hút thuốc lá dẫn đến hiểm họa ung thư phổi – mà thực sự kết quả của những nghiên cứu này cũng như những kết luận đầy tính đe dọa sẽ giúp chúng ta, những con người mỗi ngày đối diện với công nghệ, với khói thuốc lá có từ bỏ được công nghệ và thuốc lá không?
Vì mỗi lần tôi nói điều này với con gái mình, nói về những điều xấu xí mà chiếc iPad nhỏ bé kia sẽ “làm hại” con thì cô bé đều tiu nghỉu hỏi lại mẹ: “Vậy nếu không coi phim, chơi iPad nữa thì con làm gì?”. Tôi cũng tự hỏi chính mình rằng trẻ con sẽ làm gì nếu không chơi những đồ chơi công nghệ đó – điều gì sẽ giữ chúng khỏi chúng ta khi cha mẹ thật sự mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng? Chắc chắn có những ngày mà cha mẹ vô cùng mệt bởi trách nhiệm trong công việc, bởi lo toan, bởi… nội dung một cuộc điện thoại không mong muốn. Và thật sự thì cha mẹ cũng chẳng thể còn sức lực để bày trò chơi hấp dẫn, đầy màu sắc và âm thanh vui thích cho trẻ như các chương trình giải trí công nghệ.
Ôi cấm và cấm – cấm trẻ con chơi iPad; cấm cha mẹ cho con chơi iPad – và các nhà khoa học, bác sĩ tâm lý, các tổ chức quan tâm đến trẻ em trên thế giới còn có cả những nghiên cứu nghiêm túc về tác hại thật sự của công nghệ ảnh hưởng đến trẻ. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta chẳng nghiên cứu luôn giải pháp nhỉ? Liệu có giải pháp gì để cha mẹ có thể bớt thời gian làm việc, bớt căng thẳng để có thể vui tươi và sáng tạo khi chơi với trẻ con không? Chơi với trẻ không phải là việc bạn ngồi cùng với con và bày biện tất cả các món đồ chơi mà bạn đã từng sắm cho con. Bạn phải có một giọng nói khó chịu khi giả làm người mua hàng khó tính. Bạn phải biết cười ha ha ha khi con cá sấu bị mắc lừa con thỏ. Bạn phải biết khóc hu hu hu khi đóng vai cô bé bị mẹ mắng. Bạn cần phải có rất nhiều năng lượng, mà năng lượng đó bắt buộc phải vừa trong trẻo vừa mạnh mẽ. Vì nếu năng lượng của bạn yếu ớt, mệt mỏi, chán phèo thì xin thưa chắc chắn bạn sẽ bị con trẻ từ chối: “Chán quá, thà con chơi với iPad còn thích hơn chơi với ba mẹ”.
Tách con trẻ tuyệt đối khỏi công nghệ ư? Tôi chào thua. Vì để trẻ con có nhiều lựa chọn “bạn” chơi chung thì tốt chứ sao lại không. Tại sao iPad không thể là một người bạn của trẻ khi cha mẹ đang quá mệt mỏi? Tôi chẳng thể cam đoan mình sẽ là bà mẹ siêu nhân cười thật tươi chơi thật khỏe với con, dù chỉ hai tiếng mỗi ngày.
Đừng đổ hết lỗi cho công nghệ, vì một phần lỗi là ở chúng ta
Chúng ta cứ sống trong một thế giới đầy hoang mang – suốt ngày nơm nớp bởi những lo sợ – không sợ trẻ con ra đường bị bắt cóc thì lại sợ con trẻ ở nhà chơi điện tử nhiều sẽ mắc chứng tự kỷ, khó giao tiếp, không có khả năng tập trung? Tôi luôn tự hỏi có phải mọi nỗi sợ hãi của chúng ta đến từ việc chính chúng ta không thể làm chủ được cuộc sống của mình? Không thể làm chủ thời gian, cảm xúc, tâm trạng và để những áp lực từ bên ngoài cuốn mình đi trong nỗi lo sợ, ám ảnh những gì mới mẻ, hào nhoáng, hiện đại đều ẩn chứa hiểm họa khó lường.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao không có một giải pháp ổn thỏa cho tất cả mà cứ phải là một giải pháp cho một vấn đề – rồi chính giải pháp đến một lúc nào đó lại trở thành một vấn đề mới? Liệu có phải công nghệ thật sự xấu xa? Và giải pháp cho vấn đề công nghệ đối với trẻ sẽ là cấm tuyệt đối trẻ tiếp xúc với công nghệ trước khi trẻ 12 tuổi?
Khi dành nhiều thời gian ở bên cạnh con tôi đã nhận ra nhiều điều mà trước kia do quá tập trung vào công việc tôi đã không thể hiểu được con. Tôi phát hiện ra một trong những lý do khiến con gái mình không tập trung khi học là vì cô bé gặp khó khăn trong việc đọc chữ. Và điều thường khiến cô bé phân tán tư tưởng khi học đó là con gái muốn vẽ tranh, muốn chạy một vòng quanh nhà. Tôi cũng hiểu tại sao con gái có “hành động lạ” trong giờ học như muốn chạy một vòng quanh lớp, muốn vẽ đó là vì kết quả sinh trắc dấu vân tay đã cho kết quả con gái tôi rất có thế mạnh về thần kinh hình ảnh và thần kinh vận động. Khi đọc những nhận xét của cậu em trai phê phán đầy gay gắt kết quả học tập của cháu gái là do cháu bị ảnh hưởng bởi công nghệ, tôi bỗng nhớ đến Tottochan và thầy hiệu trưởng của cô bé. Ngày xưa Tottochan cũng bị đuổi học vì không thể ngồi yên trong lớp học. Cô bé Tottochan bé bỏng ấy cũng mất tập trung, cũng nhúc nhích trong giờ học và cũng đầy hiếu động. Phải chăng thời đó Tottochan đã dành quá nhiều thời gian chơi iPad hay iPhone của bố mẹ? Xin thưa rằng không.
Tôi không so sánh con gái với Tottochan. Điều tôi muốn chia sẻ đó là công nghệ không hoàn toàn xấu – và tôi cũng nghĩ trong cuộc sống của chúng ta chẳng có điều gì hoàn toàn không tốt cả – quan trọng là cách chúng ta sử dụng chúng như thế nào chứ không phải cấm tuyệt đối trẻ không được sử dụng công nghệ.
Đôi khi chúng ta bị mất cân bằng trong cuộc sống và không thể quản lý hiệu quả thời gian của chính mình để rồi khi nhận được một kết quả học tập hoặc tình trạng sức khỏe không mong muốn từ con cái, chúng ta đã cố tìm ra một thủ phạm để đẩy hết trách nhiệm. Công nghệ bị kết án “tử hình” bởi “đồng phạm” là cha mẹ. Lẽ ra vấn đề gặp khó khăn với chuyện học đọc và làm sao để có thể tiếp thu kiến thức được tốt nhất của con gái sẽ không trầm trọng nếu tôi quan tâm đến cháu hơn. Tôi đã quá tập trung vào công việc, đã giao việc chăm sóc con cho cô giữ trẻ, đã giao việc kèm con học tập cho cô gia sư, đã giao việc giải trí cho chiếc iPad. Tôi đã để công nghệ trở nên quá thân thiết đến mức kiểm soát cả tinh thần lẫn tâm hồn của con gái tôi. Tôi đã bị mất vị trí là người bạn thân nhất của con chỉ vì thời gian chơi cùng con quá ít. Và khi con trẻ cần một người hiểu vấn đề khó khăn thật sự của chúng thì cha mẹ lại hoàn toàn không biết.
Hãy cân bằng cuộc sống của chúng ta, cân băng công việc và thời gian dành cho con cái của bạn. Đó mới thật sự là giải pháp chung cho mọi vấn đề. Không chỉ với con mà còn với cả hạnh phúc gia đình và hạnh phúc của bản thân mỗi người. Dành thời gian cho trẻ, trò chuyện cùng con và hãy để con luôn chọn ba mẹ là bạn chơi chung vui nhất nếu được lựa chọn giữa ba mẹ và iPad.
Nên chăng đừng đổ hết lỗi cho công nghệ.
Các nhà khoa học tại Học viện Nhi khoa Mỹ và Canada khuyến cáo trẻ từ 0-2 tuổi không nên có bất kì tiếp xúc nào với các thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại di động, máy tính bảng, máy trò chơi điện tử… Còn những trẻ lớn hơn (từ 3-5 tuổi) có thể sử dụng trong 1 giờ/ ngày, trẻ từ 6-18 tuổi chỉ nên sử dụng đồ công nghệ không quá 2 giờ/ngày. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đồ công nghệ hầu hết đã trở thành “người bạn thân thiết” của trẻ nhỏ.Theo thống kê, trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay đang sử dụng đồ điện tử nhiều gấp 4-5 lần so với quy định.Theo các nhà khoa học tại Học viện Nhi khoa Mỹ và Canada thì việc cho trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến quá trình phát triển tâm sinh lý và hành vi của trẻ.
Bài: Ngọc Nguyễn
Xem thêm: Bình tĩnh – Bài học vỡ lòng cho cha mẹ