Xem “Terminator 5” – "hủy diệt" khán giả - Tạp chí Đẹp

Xem “Terminator 5” – “hủy diệt” khán giả

Review

1. Ai đã từng trưởng thành từ giữa thập niên 1980 đến đầu 1990 đều không thể nào quên ký ức về nhân vật Terminator – Kẻ hủy diệt, gã người máy được tạo ra để giết người bằng bất cứ giá nào. Trong lịch sử điện ảnh, có lẽ chưa nhân vật phản diện nào lại được khán giả yêu mến đến như vậy.

Poster phim “Kẻ hủy diệt” phần 5

Kể từ sau “The Terminator” (1984), tất cả những phim tiếp theo đều được fan hâm mộ gọi tắt bằng chữ T có số đi kèm.  Tuy nhiên ngoài T1 và T2 (1991) do James Cameron đạo diễn, T3 (2003) và T4 (2009) đã khiến những người hâm mộ vô cùng thất vọng, mặc cho kinh phí sản xuất của hai phim này đều thuộc dạng khủng (T3 là 170 triệu USD, T4 là 200 triệu USD)… Còn đối với người viết, T5 (vừa chiếu ngày 26/06) có lẽ là phần gây thất vọng nhất trong loạt phim này!

Khi xem trailer của T5 (tức “Terminator: Genisys”), tôi mường tượng đây giống như một màn tái khởi động của 2 phần đầu, với sự trở lại vai diễn làm nên tên tuổi của “bô lão” Arnold Schwarzenegger, sau khi ông không xuất hiện trong T4. Tôi càng háo hức chờ hơn, sau khi xem một clip do chính đạo diễn James Cameron hết lời khen ngợi T5. Nhưng xem xong phim này, tôi nghĩ có lẽ những lời “có cánh” của James Cameron chỉ mang tính xã giao, hỗ trợ PR cho đứa con do chính ông đẻ ra 30 năm trước đây, mà bây giờ hình thù của nó đã biến dạng!

2. Tôi nghĩ có hai loại khán giả đến xem T5: Thứ nhất, chiếm số đông đó là các bạn trẻ sinh năm 1990 trở về sau – thành phần khán giả đến rạp xem phim chủ lực hiện nay. Với đối tượng này, nhiều khả năng họ sẽ không hiểu được gì nếu chưa xem T1 và T2 (những phần phim đã ra đời cách đây gần ¼ thế kỷ). Lúc xem T5 ở rạp, tôi đã chứng kiến các bạn trẻ ngồi quanh mình ngẩn tò te với những nhân vật mà xuất xứ từ trên trời rơi xuống. Ngơ ngác trước những thuật ngữ xa lạ khó hiểu: Nào là Skynet, Cyberdyne, Genisys, mã hiệu T-101, T-1000, T-3000, nguyên lý dịch chuyển thời gian… Đầy những thuật ngữ khoa học, những lời thoại đánh đố người xem. Nhưng điểm trừ lớn nhất của phim lại là những mối liên hệ chằng chịt rối như tơ vò giữa các nhân vật ở thì tương lai, hiện tại, quá khứ.

Lee-Byung – Hun tham gia “bom tấn” – “Kẻ hủy diệt” phần 5

Thứ hai: Là loại như tôi – những fan sinh năm khoảng những năm 1970, 1980 – những người đã lớn lên cùng Terminator, họ đến rạp để tận hưởng lại cảm giác sung sướng giống như hơn ¼ thế kỷ trước, bộ phim này từng làm được. Nhưng ngoại trừ cái tên Terminator và tên các nhân vật liên quan, T5 giờ giống hệt kiểu phim bom tấn được sản xuất hàng loạt ngày nay: Tàn phá không tiếc tay; cháy nổ hoa cả mắt; kỹ xảo đè kỹ xảo; âm thanh cuồng nộ lớp trước đè lớp sau… Tất cả cứ liên tục liên tục hầu như không ngưng nghỉ, ù tai long óc để che lấp điểm yếu chí tử có từ T3: Câu chuyện rối rắm – mà T5 tiếc thay lại là đỉnh điểm! Tôi yêu và xem T1, T2 nhiều đến mức đủ để hiểu rõ các mối quan hệ qua lại giữa các nhân vật và phân biệt được các cột mốc thời gian trong loạt phim này. Nhưng tôi cũng không thể nào theo kịp nhịp phim gấp gáp và các diễn tiến kỳ quặc của T5. Các nhân vật muốn làm gì thì làm: Từ tương lai muốn về hiện tại, vèo một cái. Từ hiện tại muốn đến tương lai gần, chỉ cần vài câu nói là xong! Các nhân vật thích súng có súng, thích xe có xe, nói chung thích gì có nấy…, trong khi đặc trưng hấp dẫn nhất của “Terminator” là sự hồi hộp căng thẳng từ đầu đến cuối, đã hoàn toàn biến mất từ T4 và bị hủy diệt hoàn toàn ở T5!

Arnold Schwarzenegger

3. Điều làm tôi tò mò muốn xem T5 nhất là Arnold Schwarzenegger sẽ trở lại như thế nào với vai diễn kinh điển “Kẻ hủy diệt” ở tuổi 67… Lần đầu đóng vai này năm 1984, ông là chàng trai 35 – 36 tuổi, vạm vỡ đầy cơ bắp, gương mặt góc cạnh lạnh lùng, dáng đi chắc nịch oai dũng (khán giả có thể nhìn thấy lại một số cảnh quá khứ trong T5 sử dụng lại hình ảnh cũ của Arnold từ T1 và T2)… Năm 2015, khi xem T5, những fan cũ của Terminator khó có thể chấp nhận hình ảnh già nua chậm chạp, da thịt mặt mũi nhăn nheo, cơ bắp chảy xệ của Kẻ huỷ diệt lừng lẫy ngày nào – Các nhà làm phim chắc cũng thấy điều đó, nên đã thêm vào một câu thoại nghe mà “đắng lòng”, đại ý: Tôi là người máy có vỏ bọc bằng mô sống vẫn bị lão hóa với thời gian! Bằng cách này, người ta đã “huỷ diệt” luôn cả một thương hiệu nổi tiếng khi biến Terminator từ một cỗ máy trở thành con người, không những thông thái như một cuốn tự điển sống, mà còn tỏ tường tất cả quá khứ vị lai! 

Hollywood khó mà “hủy diệt” thương hiệu “tỷ đô” Terminator trong tương lai, trừ khi T5 thất bại thảm hại ở phòng vé. Điều này rất có thể sẽ xảy đến khi T5 chính thức ra mắt ở Mỹ ngày 1/7 này, bởi trong mấy ngày qua, những tín hiệu không tích cực từ khán giả và các nhà phê bình tại các phòng vé thế giới (chiếu trước Mỹ) đã cho thấy sự lo ngại đó là có cơ sở.

Chỉ một người may ra có thể cứu số phận của Terminator nếu điều đó xảy ra – Đó là đạo diễn James Cameron – người đã chia tay đứa con do mình đẻ ra cách đây ¼ thế kỷ, mà không hẹn ngày trở lại. Nhưng nếu thực sự “Kẻ huỷ diệt” chết hoặc gần chết, tôi hi vọng ông sẽ quay lại để cứu nó, vì cha nào mà chẳng thương con mình!

Bộ phim chiếu tại các cụm rạp ở Việt Nam từ ngày 26/6.

Bài: Bá Vũ

Ảnh: CGV cung cấp


logo

Thực hiện: depweb

29/06/2015, 22:46