Xem “Robot dreams” để nhận ra đôi khi tình yêu có nghĩa là buông bỏ

Có một bài thơ của Fernando Pessoa viết rằng: “Những xúc cảm gây tổn thương nhiều nhất, những cảm giác đau đớn nhất, đều là những điều kỳ quặc – niềm thiết tha những thứ không thể, chính vì chúng là không thể; niềm hoài nhớ cho những gì chưa từng; niềm khao khát cho những gì đáng nhẽ phải thế…”. Tất cả những điều không thể, những điều chưa từng và những điều đáng nhẽ phải thế đều có trong tựa phim “Robot dreams”.

Ngày mai chẳng bao giờ đến

Manhattan tưởng tượng của thập niên 80. Chó, một kẻ nhạt nhẽo và cô độc, mỗi đêm chỉ ăn pasta được hâm nóng trong lò vi sóng, chơi game trên tivi, nhìn sang nhà hàng xóm có bạn có bầy, rồi lên giường đi ngủ. Cứ thế, cho đến một ngày Chó mua được Người Máy về làm bạn. Một kẻ là người máy lần đầu được khởi động. Một kẻ gần như suốt ngày chỉ dán mình trên chiếc sofa. Hai kẻ lần đầu tiên khám phá thế giới, cùng nhau: cùng tập trượt patin ngoài công viên, cùng xem những nghệ sĩ đường phố ở ga tàu điện ngầm, cùng chèo thuyền dưới trời xanh ngắt, cùng ăn hot dog, và cùng đi lặn biển. Vì lần đi lặn biển ấy, Người Máy cạn dầu, nằm thoi thóp trên bãi cát đêm, không cách nào đưa về được. Chó hẹn ngày mai sẽ trở lại sửa Người Máy.

Nhưng ngày mai sẽ đến mà chẳng bao giờ đến. Bởi khi Chó trở lại, bãi biển đã đóng cửa vì hết mùa bơi lội. Chó tìm cách phá cổng, nhưng bị bắt lại và giải lên công an. Chẳng còn cách nào khác, cậu chỉ có thể đợi mùa hè năm sau. Rất nhiều lần trong bộ phim, mọi thứ đều đến rất gần. Những mốc thời gian và không gian hẹn ước tưởng như đều rõ ràng: lời hứa ngày mai sẽ đến, khoảng cách chỉ vài bước chân từ cánh cổng đến bãi tắm, ngày 1/6 năm sau – chính tại chỗ này… Rõ ràng như thế, nhưng cứ gần chạm vào thì lại xa hơn một chút, để rồi tất cả chỉ còn là những điều không thể.

Khi ta không già đi cùng nhau

“Robot dreams” không chỉ là một phiên bản buồn hơn của “Toy story” (Câu chuyện đồ chơi), vì Người Máy không phải là một món đồ chơi của Chó. Có lẽ “Robot dreams” sẽ nhắc ta nhớ về “Doraemon” nhiều hơn, vì ở đó người ta không đặt câu hỏi về tình bạn giữa một sinh vật sống và một cỗ máy. Cũng có lúc Doraemon nói lời chia tay Nobita để trở về tương lai – nơi chú mèo máy thuộc về, nhưng chí ít mèo máy vẫn trở lại với Nobita. Còn Người Máy thì không.

Sau khi hẹn hè năm sau sẽ quay lại đón Người Máy trở về, Chó và Người Máy tiếp tục cuộc sống không có nhau. Chó đi trượt tuyết, ném bowling, đi thả diều – cuộc sống ngoài trời mà cậu và Người Máy đã cùng khởi đầu với nhau cùng hy vọng kết thêm bạn mới. Nhưng kẻ thì quá xấu tính, người không xấu tính thì biến mất quá nhanh. Trong khi đó, Người Máy nằm chỏng chơ ngoài bãi tắm cũng gặp những kẻ xấu và người tốt. Mỗi đứa có niềm vui và nỗi buồn của riêng mình trong khi vẫn trông chờ ngày gặp lại. Và tình yêu là như thế, không phải là ta trải qua những gì cùng nhau, mà là mỗi người đã tự trải qua những gì trong khi vẫn hướng về nhau.

New York những năm 1980

“Robot dreams” có một cảnh khi Người Máy cùng Chó ngồi trên chiếc ghế dưới chân cầu Queensboro trong một buổi chiều tà. Phân đoạn này hẳn là để tri ân cho cảnh kinh điển trong bộ phim “Manhattan” của Woody Allen dành tặng New York, khi Allen ngồi cùng Diane Keaton ngắm cảnh. Khác với Allen, đạo diễn Pablo Berger không phải người New York, ông chỉ là một người khách của thành phố. Nhưng đây là nơi ông gặp vợ, là nơi ông sống tuổi trẻ của mình. Ông bảo “Robot dreams” là thư tình cho New York: xem nó, người ta sẽ biết New York trong ký ức ông là New York thế nào.

Pablo Berger coi điện ảnh là cỗ máy thời gian. Có lẽ đúng là như thế. Nó cho ta sống lại cái đã từng nhưng không còn có thể nữa, cho ta mơ tưởng những thứ không thể có thật, nhưng nhờ điện ảnh mà mọi thứ hiện ra sống động y như là thật. Làm phim vì thế có lẽ là một kiểu lucid dream – giấc mơ sáng suốt, mơ khi ta biết mình mơ, mơ khi ta tỉnh.

Giấc mơ có đẹp hơn sự thực?

Tựa đề phim là những giấc mơ của Người Máy, và trong phim có ít nhất 4 lần Người Máy nằm mơ. Ba lần đầu tiên, Người Máy nằm mơ trong giấc ngủ khi bị kẹt lại trên bãi tắm. Một lần cuối cùng, Người Máy mơ ngay khi đang thức. Hai lần, Người Máy mơ lành lặn trở lại và đi tìm Chó, nhưng cả hai lần đều không thể gặp. Lần thứ ba, Người Máy mơ nhảy múa giữa mùa xuân. Lần cuối cùng, Người Máy mơ được chạy theo Chó và ôm chầm lấy Chó, thắm thiết như chưa bao giờ cách xa.

Người ta nói giấc mơ bao giờ cũng đẹp hơn đời thật. Nhưng “Robot dreams” chứng minh rằng không phải lúc nào cũng thế. Trong giấc mơ cuối cùng, mơ khi đang tỉnh, Người Máy bỏ lại ông thợ Gấu Mèo đã cưu mang mình để chạy theo Chó lúc này đang nắm tay một Người Máy mới, dù cái ôm có cảm động đến đâu, thì ít nhất cũng có hai kẻ khác đang buồn. Giấc mơ ấy không thể nào đẹp bằng hiện thực, khi tất cả những gì Người Máy có thể làm là mở một bản nhạc cả hai từng cùng khiêu vũ. Và bất giác, dù mỗi đứa một nơi, cả hai bỗng nhiên lại nhảy múa như đã từng. Màn hình phân đôi, hai kẻ bị ngăn cách bởi không gian, vẫn chung một tiết tấu, một nhịp điệu.

Yêu, không nhất thiết là phải tay trong tay. Chỉ cần suy nghĩ của ta vẫn nắm chặt lấy nhau. Yêu, không nhất thiết là phải nhìn thấy nhau bằng mắt. Có khi chỉ cần trái tim vẫn thấy nhau. “My thoughts are with you/ Holdin’ hands with your heart to see you”, đó là lời ca khúc “September” của Earth, Fire and Wind đã vang lên trong cảnh kết bộ phim.

Đạo diễn: Pablo Berger
Giải Goya cho phim hoạt hình hay nhất
Giải thưởng Điện ảnh châu Âu cho phim hoạt hình xuất sắc
Đề cử Oscar 2024 hạng mục phim hoạt hình

From the same category