Xem kịch Tây - "Nóng trong người" - Tạp chí Đẹp

Xem kịch Tây – “Nóng trong người”

MIX & MATCH


 
 Với chỉ 6 người mà gánh tới hơn 20 vai, “Quà tặng Giáng sinh” tiết kiệm được từng giây trên sân khấu.

Sex

Trước “Quà tặng Giáng sinh”, là vở “Em trao anh đôi mắt của em”, kịch Tây Ban Nha. Không là sản phẩm 100% ngoại nhập như “Quà tặng Giáng sinh”, yếu tố ngoại trong “Em trao anh đôi mắt…” chỉ là: kịch bản, đạo diễn, họa sỹ phối cảnh, nữ diễn viên đóng vai chính.

Vở kịch nói về nạn bạo hành gia đình, nhưng lại chọn một cái tên lãng mạn mà không hề khiên cưỡng, đủ để dụ khán giả đến rạp cũng như giúp làm mềm vở – vốn đáng ra chỉ là một dạng kịch tuyên truyền. Kịch tuyên truyền, nhưng xem cái cách Tây tuyên truyền, đến “cua trong lỗ cũng phải bò ra”.

Vì vở hoàn toàn dễ xem và cả dễ nghe, nhờ có thêm các món gia vị: nhạc Latin, tranh Phục hưng (được lồng ghép vào cảnh nhân vật nữ chính làm thuyết minh tranh ở bảo tàng)… và đặc biệt, là cảnh sex. Những cử động y như vừa được bê nguyên vẹn từ chốn phòng the, nhân vật nữ bán khỏa thân đứng ở cái bục cao nhất trên sân khấu, lúc lại gần kề ngay trước mặt người xem…

“Nóng trong người” khi xem kịch Tây bởi vậy không phải chỉ vì cảnh nóng, vì tiết tấu nhanh, vì tiếng cười vang lên trên bi kịch, mà thiết nghĩ còn vì nóng mặt.

Trong đó, một bên là để thể hiện cái quyền làm chồng, là chút “nước mát dập lửa” sau sự cố “xô bát xô đĩa”; một bên coi việc chiều chồng như bổn phận cực chẳng đã. Lại cũng có lúc, người đàn bà bị lột truồng không phải để làm vợ, mà là… làm mồi cho bao con mắt tò mò của hàng xóm, khi bị chồng đẩy ra ngoài ban công trong cơn ngứa ghẻ hờn ghen.

Những va chạm ít nhiều gợi liên tưởng đến những cảnh sex từng gây sốc trong “Sắc giới”, bộ phim ẵm giải Oscar của Lý An. Tả một gã đàn ông bạo liệt, lỗ mãng, ích kỷ đến tận cùng – thiết tưởng – không gì bằng “cận cảnh” chốn phòng the của hắn.

Chưa nói, ở đây, còn là bạo lực tình dục – một trong rất nhiều khía cạnh của nạn bạo hành gia đình, bạo lực giới. Sân khấu miền Bắc lần đầu tiên gặp một cảnh nóng gây sốc đến mức ấy nhưng khán giả không trách được câu nào, dù nó đúng là để câu khách. Câu khách một cách hợp lý, theo nghĩa tích cực của từ này.

Không cần… phòng thay quần áo

Xem “Quà tặng Giáng sinh” lẫn “Em trao anh đôi mắt…”, thấy đạo diễn vở quả biết tiết kiệm, biết dè sẻn từng giây trên sân khấu. Thậm chí, trong cánh gà. Bởi nói như ông Grantly Read Marshall (nhà sản xuất vở “Quà tặng giáng sinh”): “Tiết kiệm được thời gian trong cánh gà cũng đồng thời tiết kiệm được thời gian trên sân khấu!”.

Có nhiều cách để tiết kiệm. Nhưng hiệu quả nhất, chính là việc một diễn viên sắm cùng lúc nhiều vai (nói như thơ Trần Đăng Khoa là “một mình mẹ đóng cả ba vai chèo”). Để kịp thay hình đổi dạng mà không làm ảnh hưởng đến “tiến độ thi công” của vở, họ từ chối phòng thay quần áo, thoăn thoắt thực hiện thao tác hóa trang ngay trên sân khấu và “hô biến” chỉ trong chớp mắt. “Em trao anh đôi mắt…” vì vậy chỉ xin khán giả đúng 60 phút, nhờ có những người đảm nhận tới 3 vai, chủ yếu là các vai phụ.

Quả đúng như Eric Tessier Lavigne, nam diễn viên của “Quà tặng Giáng sinh” quan niệm: “Sự thực là có những vai nhỏ đến nỗi không cần tốn đến nguyên một người dành riêng cho nó! Chưa nói, có những chuyện hậu trường là tế nhị: vai lớn – vai bé, vai chính – vai phụ… Vì vậy, để một người đảm trách nhiều vai, không phân biệt lớn – bé, chính – phụ… – đó âu cũng là một ứng xử khéo để giảm thiểu những băn khoăn không cần thiết!”

Một người gánh 3 vai vẫn hãy là chuyện nhỏ, nếu so với “Quà tặng Giáng sinh”: 6 diễn viên gồng gánh tới hơn 20 vai diễn, trong đó, có người gánh tới 7 vai. Chưa hết, một vài người trong số còn đồng thời là nhạc công, kiêm phụ trách kỹ thuật…

Gọn nhẹ để tiện đi lưu diễn đã đành, nhưng không chỉ vậy! “Sự thay đổi ngay trong chớp mắt, tôi nghĩ nó sẽ cho khán giả một cảm giác thú vị. Sân khấu động, khán giả mới động. Và trên hết, sẽ giúp vở diễn chạy nhanh hơn, hấp dẫn hơn về mặt tiết tấu…” – Nhà sản xuất, ông Grantly nói.

 
 Cảnh nóng trong vở “Em trao anh đôi mắt của em” không khiến khán giả cảm thấy “gợn”.

“Dựng bi kịch với nụ cười trên môi”

Đến từ Tây Ban Nha, “Em trao anh đôi mắt…” dĩ nhiên không dại gì bỏ qua món tủ nhạc Latin. Vang lên như khúc khải hoàn cổ vũ cuộc đấu tranh giành lại nữ quyền của người phụ nữ, âm nhạc trong “Em trao anh đôi mắt…” vừa là lời an ủi, động viên dành cho nhân vật; vừa như một lối thoát hiểm, một bình ôxy giúp khán giả tạm ngoi lên mặt nước hà hơi tiếp sức, trong một câu chuyện nặng nề, bức bối.

Trong một lối kể chuyện mượn phong cách của nhạc kịch, diễn viên hiển nhiên được yêu cầu phải biết cả hát và múa, khó mấy cũng phải cố mà làm. “Em trao anh đôi mắt…” vì vậy cũng đồng thời trao cho những người làm nghề của ta một “đôi mắt” khác khi làm kịch: không nhất thiết phải kể một câu chuyện buồn bằng tông giọng trầm.

“Dựng bi kịch với nụ cười trên môi” cũng là điều được đạo diễn vớ “Quà tặng Giáng sinh” tâm đắc và chọn đó làm giọng điệu kể chuyện của vở, cũng là phong cách chủ đạo của TNT, một nhà hát chuyên về phục dựng kịch kinh điển.

“Quà tặng Giáng sinh” vì vậy cũng coi âm nhạc như một nhân vật thứ 22 của vở và hoàn toàn chơi nhạc sống. Khả năng hát múa được coi là đương nhiên cho diễn viên của một vở nhạc kịch. Và cùng nó, là những pha bông phèng hài hước, có duyên – như sân khấu chèo truyền thống của ta từng làm được, thông qua nhân vật hề chèo.

“Nóng trong người” khi xem kịch Tây bởi vậy không phải chỉ vì cảnh nóng, vì tiết tấu nhanh, vì tiếng cười vang lên trên bi kịch, mà thiết nghĩ còn vì nóng mặt, trước những mảng miếng tưởng như đơn giản – mà sao bao năm, cọ xát giao lưu, sân khấu của ta vẫn còn quá ít vở hấp dẫn người xem đến thế. Vì sân khấu của ta ít Thỏ, lắm Rùa quá chăng?

Thế nên mới có chuyện: trước thềm hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 diễn ra hồi tháng 9, không ít đoàn đã tỏ ý không đồng tình, thậm chí còn “dọa” không tham dự, trước quy định một vở không được dài quá 120 phút của BTC, trong khi BTC thì cho rằng: “120 phút đã là quá đủ!”.

Tiết tấu chậm, lạc nhịp so với đời sống hôm nay – Căn bệnh phổ biến đấy của sân khấu kịch ở ta (nhất là sân khấu kịch phía Bắc) từng gây nản lòng cho không ít khán giả, biết đâu một phần là vì thiếu đi một cái nhìn như thế, một giải pháp như thế?

 
 Cảnh nóng trong vở “Em trao anh đôi mắt của em”.

Bài: Thư Quỳnh 

Thực hiện: depweb

04/01/2010, 14:54