Xem gì tại Cannes năm nay, ngoài phim tràn cảnh nóng? - Tạp chí Đẹp

Xem gì tại Cannes năm nay, ngoài phim tràn cảnh nóng?

Review

Tại khắp các căn hộ buồn tẻ của các nhà báo trên toàn thế giới, đồ ăn nhanh, rượu vang và quần áo bẩn chất khắp nơi. Họ còn đang cố gắng hoàn thành nốt những bài cuối cùng theo dòng hậu sự kiện tại Cannes. Điều đó có nghĩa, sự kiện phim lớn của năm đã khép lại trong sự vui buồn lẫn lộn của kẻ thắng người thua. Liên hoan Phim Cannes lần thứ 68 không được tròn trịa như cái cách người ta vẫn mơ tưởng, nhưng đây vẫn là đất lành cho các tác phẩm nghệ thuật tỏa sáng. Dưới đây là một số bộ phim xuất sắc của Cannes 2015, mà chỉ cần thưởng thức hết chúng bạn đã cảm nhận được rõ rệt hơi thở của liên hoan phim đặc sắc này:

1.     “The Assassin” (tạm dịch: Sát thủ)

Tám năm trời đạo diễn Hầu Hiếu Hiền vắng bóng trên phim trường, khiến người ta đặt một dấu hỏi lớn liệu ông có định “làm giàu” thêm gia tài phim đáng nể của mình hay không. Tham gia tranh tài tại Cannes 2015, “The Assassin” là câu trả lời thuyết phục của ông. Cùng với “Ngọa hổ tàng long” của Lý An, “Nhất Đại Tông Sư” của Vương Gia Vệ, “Sát thủ” của Hầu Hiếu Hiền tạo thành bộ ba phim võ hiệp châu Á xuất sắc từng làm mưa làm gió tại Cannes. Mặc dù cốt truyện phức tạp, đôi chỗ không thể giải thích nổi, nhưng bù lại người xem có thể tìm thấy ở “Sát thủ” sự giàu có trong nội dung – điều không phải ai cũng làm được trong nền điện ảnh đương đại. Mỗi câu chuyện gói gọn trong từng cảnh quay tuyệt đẹp, mỗi cảnh phim lại là một phiên bản thu nhỏ của vẻ đẹp hàm ẩn toát ra từ thế giới trong phim. Hầu Hiếu Hiền đưa tới màn ảnh một Trung Hoa mê hồn, ngay cả khi nói lên điều đó bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh võ hiệp. Cũng có lẽ bởi vì đối với ông và mọi người, tựu chung lại thì  đó đã là một thế giới đã qua, dần bị phủ bởi màu sắc hư ảo của truyền thuyết. “The Assassin” không ồn ào mà lặng lẽ như nhân vật nữ chính, hầu như suốt bộ phim cô chỉ quan sát và lắng nghe. Đó cũng chính là những gì người xem nên làm, để có thể nắm bắt tất cả những phép màu vi diệu trong suốt bộ phim.

2.     “Green Room” (tạm dịch: Căn hộ màu xanh)

Đã có những nghi ngờ về “Green Room” ngay từ khi nó được đem đi tranh tài tại Cannes năm nay. Nhất là khi bộ phim “Blue Ruin” (Tạm dịch: Ánh xanh tiều tuỵ”) của đạo diễn Jeremy Saulnier trở thành một bước đột phá hai năm về trước. Thêm vào đó là sự thật rằng vị đạo diễn này cũng không có nhiều tác phẩm ấn tượng sau đó. Tuy vậy phải nói rằng những mối nghi hoặc này đã bị để sai chỗ. “Green Room” là một bước tiến quan trọng, từ một Saulnier với những góc phim cáu bẩn, ủ ê và mệt mỏi tới một Saulnier thành thục với những cảnh bạo lực khủng khiếp mà lâu lâu mới lại được thấy trên màn ảnh một lần.

Về cơ bản, tác phẩm lần này tập trung vào một ban nhạc đang khủng hoảng sau khi chứng kiến cảnh chủ câu lạc bộ Patrick Stewart giết người tàn nhẫn. Nhưng điều đó cũng không đủ để lí giải cho hàng loạt những cảnh điên rồ và hỗn độn sau đó. Đạo diễn Jeremy Saulnier đã cẩn thận bắt kịp sự căng thẳng trong những cảnh quay đầu, để rồi bùng nổ với chuỗi hình ảnh ám tượng và ghê rợn sau đó. Dàn diễn viên nhập vai ấn tượng, kết thúc phim vừa phải để bạn không nhận ra mình đã bị “dắt mũi”. Nếu giữ được sự nhất quán và phong độ làm phim, Jeremy Saulnier có thể sẽ là một trong những đạo diễn thú vị nhất mà nền điện ảnh đương đại có được.

3.    Embrace of the Serpent” (tạm dịch: Cái ôm của Xà nhân)

Trong một năm mà hầu hết những cái tên sừng sỏ của Cannes coi việc mô tả vẻ đẹp hoặc cảm xúc trong phim là một lợi thế, thì tác phẩm thứ ba của đạo diễn người Colombia Ciro Guerras lại chọn cách đứng ngoài cuộc. Dường như việc khắc hoạ cái đẹp của nghệ thuật từ cảm xúc và hình ảnh là một gánh nặng đối với chủ đề và cốt truyện đơn giản của bộ phim. Quay trên chất liệu đen trắng, bộ phim là hai cuộc hành trình khám phá Amazon vào hai thời kì khác nhau: những năm 1900 và những năm 1940 – cả hai kết nối bằng một nhân vật chung.

Người phù thủy cuối cùng của bộ lạc có lẽ là nhân vật khó quên nhất trong bất kì bộ phim Cannes nào năm nay. Phiên bản thời trẻ: thông minh, thô lỗ, dễ cười dễ cáu giận như đối lập với một bản thể mang nặng bi kịch hơn 40 năm sau: chồng chất nhục nhã và hối tiếc vì không thể giữ được mạng sống của người dân bộ lạc.

4.     “Cemetery Of Splendour” (tm dịch: Nghĩa trang thời vàng son)

Năm 2010, đạo diễn Apichatpong Weerasethakul đã chiến thắng giải Cành cọ vàng với “Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives”. Năm nay, tác phẩm “Cemetery of Splendour” được chọn để trình chiếu tại sự kiện Un Certain Regard lại là một góc nhìn độc đáo khác của người đàn ông Thái tài năng này. Phim xoay quanh câu chuyện về một người phụ nữ trung niên, bị hành hạ bởi chứng mất ngủ và sự ám ảnh đối với một anh lính trẻ. Phải thưởng thức bộ phim này bằng mọi giác quan, khi ấy nó đánh động cả những giấc mơ sâu kín nhất trong mỗi con người mà đôi khi chúng ta đã quên khi dần trưởng thành. Giàu sức tưởng tượng, tuyệt đẹp và giải trí một cách kỳ quặc, nếu đây là tác phẩm đưa vào hạng mục tranh giải thì rất có thể sẽ mang về cho Apichatpong một Cành cọ vàng nữa trong sự nghiệp.

5.     “Inside Out” (tạm dịch: Những mảnh ghép cảm xúc)

Với bộ phim gốc “Brave” (tạm dịch: Công chúa tóc xù) năm 2012 bị đánh giá thấp, có vẻ như Pixar đang mất dần tiếng tăm của mình đặc biệt là sau những nỗi thất vọng với “Cars 2” (tạm dịch: Vương quốc xe hơi) hay “Monster University” (“Học viện quái vật”). Tuy nhiên, những nhà sản xuất đã lại ùn ùn trở lại, sau khi “Inside Out” ra mắt năm nay. Tác phẩm hoạt hình này được đánh giá là một trong những bộ phim sáng tạo, hài hước nhất mà Pixar từng cho ra mắt từ trước tới giờ. Tại hội nghị Siggraph, đạo diễn Pete Docter cung cấp cho The Hollywood Reporter một vài chi tiết về bộ phim. Ông nói bộ phim này là “một trong những câu chuyện phức tạp nhất mà tôi từng phải xây dựng”, bởi bộ phim cần phải kể đồng thời những chuyện đang diễn ra với cô bé cũng như những gì đang xảy ra trong tâm trí cô. Ông cũng cung cấp những chi tiết liên quan đến thiết kế nhân vật: “Các nhân vật được tạo ra dưới dạng năng lượng bởi chúng tôi đang cố gắng diễn tả các cảm xúc nên trông như thế nào. Chúng được tạo bởi các hạt nhỏ li ti chuyển động. Thay vì có hình dạng cố định, nó là một tập hợp khổng lồ các hạt năng lượng.”

Một khi bộ phim đã được trình chiếu, một số người sẽ không theo kịp mức độ cảm xúc, phiêu lưu, tráng lệ và huy hoàng mà “Inside Out” đem lại. Pixar đã trở lại với phong cách kể chuyện thuần tuý như những năm 2000, nhưng thổi vào đó cả một cuộc cách mạng về ý tưởng làm phim.

6.     “Macbeth”

Những năm gần đây, các tác phẩm của Shakespeare đã bị biến tấu trở thành thứ gì đó đáng sợ hơn là đáng chờ đợi. Từ tác phẩm như chuyện tình học đường của Baz Luhrmann năm 1991 chúng ta có hẳn một màn trình diễn kém thuyết phục của Kenneth Branagh trong “Much Ado About Nothing” (tạm dịch: Chúng ta không có gì phải ầm ĩ), cuối cùng là chuyện đạo diễn Julian Fellowes hồi sinh chuyện tình Romeo Juliet theo kiểu hiện đại một cách kì quặc. Tuy nhiên, với dàn diễn viên tuyệt vời, một “Macbeth” mới đã không đi theo vết xe đổ của những tiền bối. Phải nói, đã từ lâu rồi người ta mới được chứng kiến một tác phẩm kinh điển như bước ra từ trang giấy của Shakespeare sống động đến nhường ấy.

Với Michael Fassbender là nhân vật chính và Marion Cotillard trong vai nửa kia của Macbeth, bộ phim đã chạm tới ngưỡng mới của đỉnh cao phim Scotland chuyển thể. Thật khó có thể tưởng tượng nam diễn viên người Đức gốc Ireland có thể biến mình thành một tên bạo chúa điên cuồng trong nháy mắt, còn Cotillard hoàn hảo trong vai một phụ nữ thủ đoạn và khó lường. Tác phẩm của đạo diễn Justin Kurzel được so sánh với series đình đám “Game of Thrones” (tạm dịch: Trò chơi vương quyền), khi trong hơn hai tiếng Kurzel có thể tái tạo thế giới Trung Cổ loạn lạc, ma mị và hư ảo mà nhà đài HBO dụng công dựng nên trong cả một mùa phim truyền hình.

7.     “Carol”

“Carol” như chính cái tên của nó, rạng rỡ và đáng yêu, lộng lẫy từ khâu thực hiện, nhiếp ảnh, phục trang và biên đạo. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi những kẻ phản đối cho rằng tất cả chỉ để che giấu sự nông cạn của bộ phim. Tuy nhiên, để phát biểu được điều đó, tất cả họ đã bỏ qua diễn xuất tuyệt vời của Cate Blanchett và Rooney Mara; những nghịch lý và thông điệp được kể thông qua chuỗi hình ảnh phức tạp. Giống như tình yêu, bộ phim cần thời gian để chuyển tải được hết những gì tinh tế nhất, kể cả những khoảnh khắc đớn đau. Trong bối cảnh xã hội Mỹ những năm 50 thế kỉ trước, mối quan hệ giữa một Carol phức tạp và một Therese tươi trẻ càng phát triển thì nó càng tới gần hơn định nghĩa về một mối tình đồng tính. “Carol” giống như một chiếc tủ treo đầy váy áo của nhà thiết kế nổi tiếng Sandy Powell, nhưng nó cũng là một cánh cửa tới Narnia nếu bạn chịu khó quan sát.

Ngoài những cái tên trên thì “The Lobster” (tạm dịch: Chân tình), “Mad Max: Fury Road” (tạm dịch: Max Điên) hay “Dheepan” (“Dheepan“), “Louder than Bombs” (tạm dịch: Át tiếng bom), “Son of Saul” (tạm dịch: Con trai của Saul)…đều là những bộ phim xuất sắc tiêu biểu cho tác giả và góp phần làm nên tên tuổi cho Cannes. Mặc dù tính nghệ thuật của liên hoan phim danh giá này đang bị đặt dấu hỏi sau những tranh cãi về giải thưởng năm nay, tuy nhiên điều không thể phủ nhận chính là vẫn có những tác phẩm thật sự tuyệt vời đến với Cannes, để tiếp tục làm phong phú thêm cho gia tài điện ảnh thế giới qua các năm.

 Cảnh trong phim “The Lobster”

Bài: Ngọc King

Ảnh: Daily Mail

logo

Thực hiện: depweb

04/06/2015, 11:26