Xem ballet "Kẹp hạt dẻ" - Những màn múa đôi tuyệt vời - Tạp chí Đẹp

Xem ballet “Kẹp hạt dẻ” – Những màn múa đôi tuyệt vời

Review

“Kẹp Hạt Dẻ” mở đầu được thực hiện bởi 20 em nhỏ xuất sắc từ cuộc thi Ballet nhí từ Việt Nam từ trước đó. 25 phút mở màn của vở diễn có lẽ là những phút ấn tượng nhất, khi khán giả được nhìn thấy những em nhỏ Việt Nam trình diễn hồn nhiên và sống động trên sân khấu.

Không màu mè kiểu cách, cũng không phải những động tác khó khiến người xem thán phục, các em mang đến cái hồn nhiên thực tuyệt vời, đúng với tinh thần của đêm Giáng sinh. Đứng trên đầu ngón chân, di chuyển nhịp nhàng; những cánh tay thon di chuyển, những điệu múa đôi – các em say mê trong từng cử động, như thế đang sống trong không khí của một bữa tiệc đêm Giáng sinh đúng nghĩa.

Câu chuyện về món quà của ảo thuật gia Drosselmeyer dành tặng cho Marie (do vũ công Olga Pavlova đảm trách)– chiếc Kẹp Hạt Dẻ có hình con búp bê là một chú lính được làm bằng gỗ đã dẫn người xem vào một thế giới thần tiên đầy kỳ thú.

Vũ công Olga Pavlova

Cuộc phiêu lưu vào thế giới thần tiên trong trí tưởng tượng của Marie với những tình tiết hấp dẫn dần tăng lên giữa đội quân bánh quy gừng và lũ chuột nhắt với sự dẫn đầu của Vua chuột. Và Kẹp Hạt Dẻ của Marie biến hình thành chú lính dẫn đầu đội quân bánh quy gừng và phần thắng thuộc về đội quân bánh quy.

Nếu như các vũ công nhí Việt Nam là một điểm nhấn ở phần đầu thì phần 2 thực sự khiến khán giả hào hứng và thích thú. Hành trình của Clara và Kẹp Hạt Dẻ đến vương quốc kẹo ngọt với những vũ điệu khác nhau.

Olga Pavlova và Sergay Smirnov 

Đặc biệt nhất phải kể đến hai nghệ sĩ của vở diễn lần này là Vasylieva Vladyslava và Sergay Smirnov (vai chú lính dẫn đầu đội quân bánh quy gừng). Vasylieva với thể hình nhỏ nhắn, mỏng manh nhưng kỹ thuật hết sức tuyển vời. Những động tác khó đều được Vasylieva thể hiện thuyết phục. Cô khiến cho người xem tin vào thế giới của những vũ điệu trong “Kẹp Hạt Dẻ” là có thật. Trong khi đó, Sergey Smirnov cũng có sự kết nối một cách tuyệt vời với bạn diễn với sự mạnh mẽ, dứt khoát và say đắm.

Ở phần hai, những màn múa đôi khiến nhiều khán giả cổ vũ không dứt. Vũ điệu sô cô la của Tây Ban Nha, vũ điệu cafe Ả rập, vũ điệu Kẹo cây gậy Nga, thợ chăn chiên Đan Mạch. 

Vở diễn gồm hai màn, mang đến một thế giới thần tiên thơ mộng. Nhiều khán giả cho rằng, ánh sáng chói chang của màn hình led phần nào “nuốt chửng” phần trình diễn của nghệ sĩ trên sân khấu. Bên cạnh đó, sự không đủ chuẩn về âm thanh khiến âm nhạc có lúc hơi ồn (nhận xét của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) làm khán giả ít nhiều chưa thực sự tập trung được hết say mê với từng vũ điệu.

Tuy nhiên, cùng với “Hồ Thiên Nga” năm 2015, khán giả Việt Nam đã được thưởng thức những vở vũ kịch trọn vẹn, được trình diễn bởi các nghệ sĩ nhà nghề. Điều đó ít nhiều ghi dấu sự nỗ lực của nhà tổ chức trong việc mang nghệ thuật đỉnh cao về với khán giả ở vùng trũng là Việt Nam.

Vở ballet “Kẹp Hạt Dẻ” được nhà soạn nhạc thiên tài P.Tchaikovsky soạn vào năm 1890, dựa trên truyện ngắn “Kẹp hạt dẻ và Vua chuột” của nhà văn Đức E. T. A. Hoffmann. Âm nhạc mà Tchaikovsky viết cho “Kẹp hạt dẻ” phức tạp hơn các vở ballet khác của ông. Vào thời điểm sáng tác, Tchaikovsky đã được gọi là một trong các nhà cách tân vĩ đại nhất của âm nhạc ballet.

Kẹp hạt dẻ” vẫn theo chủ đề chính là cuộc đấu tranh giữa cái ác và tình yêu với nguyên tắc giao hưởng hóa ballet được tác giả phát triển. Âm nhạc đã vẽ nên hai thế giới – thế giới thực và thế giới viễn tưởng. Thế giới thực với không khí Giáng sinh đầm ấmà các giai điệu khiêu vũ thông thường như polka, galop, waltz, trong khi điệu menuet và grossvate…. Thế giới viễn tưởng với những hiệu ứng của bộ dây và bộ gỗ minh họa tiếng động của chuột, kèn oboe và trống trong mô tả trận chiến của chuột và đồ chơi.

Hơn 100 năm qua, “Kẹp hạt dẻ” luôn luôn là một trong những vở ballet cổ điển được yêu thích nhất trên thế giới của cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trong những ngày cuối năm, khi mùa Giáng Sinh an lành và nhiều mộng ước đến với mọi người

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Ban tổ chức

logo

 

 

 

Thực hiện: depweb

04/12/2016, 13:59