(Minh họa: Ngọc Diệp)
Hiện nay Việt Nam có hơn 34 triệu xe máy. Trong số này, chủ yếu người dân sử dụng làm phương tiện đi lại để làm ăn, không phải để đi chơi. Và đa số người sử dụng xe máy làm phương tiện kiếm sống này là người nghèo. Càng nghèo, xe máy của họ càng cũ. Bởi vì chỉ có người dư tiền mới thay đổi xe như một mốt chơi.
Theo tinh thần đưa ra để dự thảo quy chế, có thể hiểu ngắn gọn rằng, xe máy cũ sẽ không được lưu hành. Vậy thì thế nào là xe cũ? Để trả lời được câu hỏi này e không dễ.
Nhìn bằng mắt để phân biệt xe cũ hay mới cũng là một cách, nhưng cách này quá cảm tính. Đã là quy định mang tính pháp lý thì không thể cảm tính mà phải được định lượng hẳn hoi. Người thi hành công vụ chỉ có thể căn cứ vào các quy định cụ thể mới tiến hành xử phạt hoặc cấm các phương tiện lưu thông. Cảm tính dễ gây bất công, thậm chí là tiêu cực.
Vậy thì chỉ còn cách căn cứ vào niên hạn sử dụng như đối với xe tải, xe khách. Để có căn cứ quy định thời hạn thì phải dựa trên cơ sở khoa học, phải trả lời được câu hỏi một chiếc xe máy sử dụng an toàn tối đa là bao nhiêu năm? Và thật không đơn giản, bởi vì có rất nhiều loại xe máy, xuất xứ từ nhiều nước, mỗi nước có nhiều hãng, chất lượng khác nhau, giá trị khác cho nên tính niên hạn cũng khác nhau. Xác định được thật cụ thể niên hạn của từng loại xe quả là một thách đố đối với cơ quan chức năng.
Một yếu tố khác không thể không tính tới, đó là tuổi thọ và độ bền của chiếc xe không hẳn phụ thuộc vào thời gian và là số km sử dụng. Có người sử dụng một chiếc xe nhiều năm nhưng số km chỉ bằng xe của người khác sử dụng trong một năm. Vậy thì xác định bằng niên hạn hay bằng km? Nếu tính bằng km thì ai quản được đồng hồ km của từng chiếc xe để đảm bảo không gian dối. Chưa kể người sử dụng lâu năm nhưng xe vẫn tốt, còn có người mới sử dụng một hai năm nhưng xe đã bị hư hỏng.
Ban hành quy chế trên để hạn chế tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị là điều cần thiết, nhưng để đảm bảo công bằng, thuyết phục, phù hợp với thực tế xã hội và sinh hoạt của người dân là việc cần tính đến. Nếu không có quy định chặt chẽ, có khi quy chế ban ra nhưng không áp dụng được vào thực tế.
Tại sao phải đặt ra thêm nhiều quy chế, trong khi đã có những quy định cụ thể, xe đủ tiêu chuẩn lưu hành thì phải đầy đủ các bộ phận, đèn, kính chiếu hậu… Nếu như xe nào thiếu một bộ phận hoặc thay đổi kết cấu thì sẽ bị phạt. Còn các loại xe “mù” (không có biển số) thì tịch thu. Cứ thế mà làm là xong.
Có một cách hiệu quả nhất, đó là làm sao cho kinh tế phát triển, dân mình bớt nghèo. Người dân có tiền để mua xe mới thì chẳng ai muốn đi chiếc xe cũ kỹ cả.
Theo Dân Trí