“Xe không chính chủ”: Hiện tượng hay bản chất của sai phạm?

Những ngày gần đây dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng đang rất nóng, với rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa phần người dân bức xúc với tin “xử phạt người đi xe không chính chủ”.

“Hiện tượng” hay bản chất là vi phạm?

Tra Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học – NXB Đã Nẵng và Trung tâm từ điển học cùng hợp tác xuất bản năm 2005), thì không thấy có các khái niệm “chính chủ”, và “không chính chủ”.

Khi tra cứu trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam thì thấy các cụm từ “chính chủ” và “không chính chủ” dường như đã được Bộ Giao thông Vận tải đi tiên phong trong việc sử dụng (nhưng không định nghĩa), tại các Thông tư 24/2009/TT-BGTVT ngày 15/10/2009, và 20/2010/TT-BGTVT ngày 30/07/2010.

Trong Thông tư số 12/2011/TT/BTNMT ngày 14/04/2011, tại điểm (a) khoản 2 Điều 11, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng sử dụng thuật ngữ “chính chủ”.

Nhìn chung, dư luận đang hiểu việc “sử dụng xe không chính chủ” theo nghĩa rộng, là việc một cá nhân sử dụng xe máy, ô tô tham gia giao thông đường bộ, trong khi Giấy đăng ký ô tô, xe máy đó không mang tên mình với tư cách là chủ sở hữu.

Như vậy, việc một cá nhân sử dụng, điều khiển xe máy, ô tô do cá nhân hay tổ chức khác đứng tên sở hữu, trước hết chỉ là một “hiện tượng”. Bao gồm hành vi sử dụng, điều khiển xe thông qua các hình thức giao dịch dân sự như mượn xe, thuê xe, lái xe với tư cách người lái thuê/ làm công ăn lương cho chủ xe là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức.

Đôi khi là cả giao dịch mua bán xe mà chưa, hoặc không chuyển quyền sở hữu theo quy định (khi chưa bị phát hiện). Nếu chỉ căn cứ vào hiện tượng “sử dụng xe không chính chủ” thì chưa thể kết luận là có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại các mục 3 (điểm e) và mục 6 (điểm c), thuộc khoản 8, Điều 1 của Nghị định 71, các hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” của chủ xe có thể bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với xe máy. Hoặc từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô.

Như vậy, đối tượng điều chỉnh của các điểm (e) mục 3 và điểm (c) mục 6 của khoản 8 và các mức phạt của hình thức xử lý bằng phạt tiền nói trên, chính là hành vi “không chuyển quyền sở hữu” của chủ xe đối với các xe đã được bán lại cho người khác.

Hành vi bị xử phạt theo Nghị định 71 này thể hiện bản chất “trốn thuế”, lệ phí chuyển quyền sở hữu xe của một trong các hiện tượng “sử dụng xe không chính chủ”, chứ Nghị định 71 không xử phạt theo kiểu “vơ đũa cả nắm” đối với mọi hành vi “sử dụng xe không chính chủ”.

Xét theo khía cạnh pháp lý, vì ô tô và xe máy là các tài sản đòi hỏi phải đăng ký quyền sở hữu, nên một khi mọi thủ tục chuyển quyền sở hữu trong một vụ mua/ bán xe chưa hoàn tất, để tên người mua được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký xe, thì chủ sở hữu của chiếc xe (chủ xe) phải vẫn còn là người bán, tức là người còn đang có tên trên Giấy chứng nhận đăng ký xe.

Một khi mà tên của người mua chưa được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký xe, thì người này vẫn chỉ là người “sử dụng (điều khiển) xe không chính chủ mà thôi”.

 

Đa phần người dân bức xúc với tin “xử phạt người đi xe không chính chủ”. Ảnh minh họa 

Chỉ xử phạt người bán?

Nếu ta áp đặt cách hiểu “chủ xe” là người đang sử dụng xe không chính chủ, phải chịu phạt vì lỗi “không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu” theo Nghị định 71, thì sẽ không hợp lý. Vì quyền sở hữu xe của người này trên thực tế, tại thời điểm bị “lập biên bàn vi phạm”, vẫn còn chưa được pháp luật công nhận và bảo hộ.

Như vậy, nếu xét tư cách chủ thể, quy định trong Nghị định 71 có thể được hiểu là đã thể hiện rõ ý chí không xử phạt người mua (người đang sử dụng xe không chính chủ), mà chỉ xử phạt người bán (chủ xe) thông qua quy định ghi ngay ở đầu các mục 3 và 6 của khoản 8: “Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (hoặc từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng), đối với chủ xe ô tô, xe máy và các loại xe tương tự.

Trong thực tế, rất khó để buộc chủ xe/ người bán xe đi nộp phạt. Do tại thời điểm người mua xe bị xử phạt, có thể người bán đang ở địa phương khác, vùng miền khác, ở nước ngoài, hay thậm chí đã qua đời.

Trong tất cả các trường hợp, người mua buộc phải chịu xử lý, như: Ký tên vào biên bản vi phạm (với tư cách người làm chứng?), đi nộp phạt thay cho “thủ phạm”. Sau đó thì người mua hầu như không thể đòi người bán phải hoàn lại cho mình khoản tiền phạt mà mình đã phải nộp  thay cho người kia.

Đúng ra, nếu căn cứ theo Nghị định 71, thì tên người bán, chủ phương tiện về mặt pháp lý (theo giấy tờ), phải được ghi trong quyết định xử phạt, nhưng thực tế thì không chắc sẽ như vậy.

Vấn đề đặt ra là, nếu xét về mặt cơ sở pháp lý cho việc quy định xử phạt, nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hay quy định về “đối tượng bị xử phạt – người có hành vi vi phạm” theo qui định về Xử phạt vi phạm hành chính, thì việc chấp nhận xử phạt (thu tiền phạt) sai đối tượng đối với người chưa phải là chủ xe, sẽ thiếu sức thuyết phục.

Làm cho pháp luật kém nghiêm minh, dễ tạo ra nếp nghĩ, nếp làm tùy tiện, thậm chí trái pháp luật.

Vậy, nếu chỉ vì mỗi cái chuyện là hành vi vi phạm chưa được xử lý của một người (người bán), mà lại tước quyền sử dụng xe không chính chủ, vốn chưa có quy định nào của pháp luật cho phép (cấm sử dụng xe không do mình đứng tên sở hữu), thì có hợp lý không?

Giả sử một người đang sử dụng xe không chính chủ do mua lại của người khác mà chưa kịp làm thủ tục, thì khi bị phát hiện “sử dụng xe không chính chủ”, thì khi đó sẽ có căn cứ nào để xác định thời điểm mua bán xe thực tế? Cũng là thời điểm bắt đầu tính thời hạn cho việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định?

Nhìn từ góc độ pháp lý, nếu có ai đó có được một hợp đồng mượn xe hoặc giấy ủy quyền sử dụng xe dài hạn, thậm chí vô thời hạn (mà pháp luật hiện không cấm các giao dịch dân sự như vậy), được lập theo các thủ tục và hình thức hợp pháp, thì làm thế nào chúng ta có thể buộc họ phải nhận có hành vi “(chủ xe) không chuyển quyền sở hữu”?

Ngoài những vấn đề nêu trên, xét từ góc độ thực hiện, phương pháp xác định lỗi (bán xe) mà không chuyển quyền sở hữu” cũng có nhiều vấn đề phát sinh.

Đó là những vướng mắc gây phiền hà không nhỏ đối với người dân. Khi mà cơ quan có thẩm quyền lại cứ “đẩy” trách nhiệm chứng minh mình “vô tội” cho người dân.

Ở Việt Nam hiện nay không hề thiếu những gia đình đông người, mà chỉ có duy nhất một chiếc xe rất cũ, qua nhiều lần mua bán trao tay. Hoặc là xe tự lắp ráp từ linh kiện rời trôi nổi, để làm phương tiện chở thuê kiếm sống cho cả nhà, túng tiền quá có bán đi thì cũng chỉ được không quá 3 triệu, mà lại bị phạt “từ 800.000 đồng  đến 1.200.000 đồng, nếu không tìm cho ra “chính chủ” để sang tên, thì cũng tội cho họ quá.

Xét về mặt tài chính, thường thì khi phải bán đi những chiếc xe máy hay ô tô đã qua sử dụng, thì chủ nhân đều phải chịu lỗ, tức là một phần nhất định trong giá trị ban đầu của chiếc xe đã được “khấu hao tài sản cố định”. Trong khi đó, người bán những “món đồ cũ” này lại phải chịu một mức phí, mà theo dư luận hiện nay là qúa cao, thì liệu có hợp lý không?

Đã có lúc nào, có ai trong chúng ta chịu khó tìm hiểu mục đích và bản chất của các loại khoản phải nộp khi bán (lỗ) xe này là gì; và phương thức tính toán mức phải nộp này trong giai đoạn hiện tại, khi mà khả năng đóng góp của dân đang suy giảm rất trầm trọng, đã hợp lý hay chưa?

Vì vậy, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đại đa số người dân, mọi quy định, chính sách, về giao thông, hành chính hay tài chính do các cơ quan có thẩm quyền hữu quan ban hành. Hay đề xuất, mà có liên quan hay tác động trực tiếp đến việc sử dụng xe máy của người dân, thì đều cần phải được xem xét rất kỹ từ trước khi ban hành, sao cho hợp lý, tránh gây ra những cú sốc, hay sự lo lắng không cần thiết cho người dân.

Một trong các giải pháp hiệu quả, mà cả Nhà nước và nhân dân cùng có lợi, là việc điều chỉnh mức thu phí và thủ tục chuyển quyền sở hữu trong việc mua bán xe đã qua sử dụng cần hợp lý, phù hợp túi tiền người dân, khi họ đã phải đóng 9-10 loại phí giao thông, để họ không “ngại” đến mức phải “trốn” làm thủ tục chuyển quyền sở hữu xe.

Theo Tuanvietnam

From the same category