Xê dịch không có nghĩa là trốn chạy

Vốn nổi tiểng trong các diễn đàn TTVN, langven, nick Zdreamer đã trở nên quá thân quen với những vần thơ da diết, những dòng tản mạn về Hà Nội phố, về cà phê, về những chuyến đi bất tận.

Nhưng, ít người biết, đằng sau cái nick tưởng như mơ mộng đó, lại là một cô gái năng động, người tạo ra nhiều ý tưởng trong công việc, một cây bút khá cứng cáp, đồng thời là Thư kí tòa soạn của Tạp chí ChipM. Cô tên là Phạm Thị Điệp Giang, sinh năm 1981, thích đi du lịch và đọc sách. Bạn bè vẫn thường gọi cô là Zim.

1. BIẾN MẤT

Zim đã đi khoảng 10 nước trên thế giới, nhưng niềm đam mê vẫn là châu Á, và châu Phi. Trong các chuyến đi, cô thích nhất là Ai Cập, trước đây, thậm chí cô chưa từng nghĩ tới một ngày nào đó có thể tới mảnh đất này vì nơi đó dường như quá xa vời và “huyền thoại”.

Theo Zim, đi – có lẽ còn là cách để giải tỏa những mệt mỏi, buồn tẻ… của cuộc sống thường nhật đều đều trong một không gian quá quen thuộc. Hơn nữa, khi tới một không gian mới, cô sẽ gặp những điều bất ngờ khó đoán trước mà những điều không đoán trước được thì rất hấp dẫn.

Nhưng có thật những chuyến đi làm tiêu tan nỗi cô đơn? Zim thường nhớ về những tiếng chuông, những câu kinh ề à dài dặc suốt những giờ phút miết mải. Không hiểu tại sao ý nghĩ về sự biến mất mỗi khi ở một miền đất nào đó luôn thường trực trong cô. “Liệu ta sẽ biến mất trong tấm khăn choàng màu đen của cô gái Hồi giáo kia, hay biến mất giữa sa mạc khô cằn trên từng bước chân?”.

Zim cho rằng, đi một mình thường khiến người ta thấy có chút gì phiêu lưu, mạo hiểm. Cái cảm giác kéo một chiếc vali to đứng trên một đất nước xa lạ, với những ngôn ngữ xa lạ, xung quanh những người xa lạ thật sự đặc biệt. Nó tạo cảm giác mình là một người độc lập và ngay lúc đó, mọi giác quan, sự quan sát hay trí óc xét đoán đột nhiên trở nên sắc bén hơn.

Theo Zim, đi – có lẽ còn là cách để giải tỏa những mệt mỏi, buồn tẻ… của cuộc sống thường nhật đều đều trong một không gian quá quen thuộc. Hơn nữa, khi tới một không gian mới, cô sẽ gặp những điều bất ngờ khó đoán trước mà những điều không đoán trước được thì rất hấp dẫn.

Cô chợt nhớ đến những buổi bình minh trên những ngọn tháp cao ngất ngưởng đơn độc và trơ trọi. Những hoàng hôn đầy tiếng đập cánh của bầy hải âu. Một cái đồng hồ chậm rãi nhích từng kim phút sau một nhà ga chật cứng người… Zim thấy hạnh phúc bởi mỗi chuyến đi, trong sự lạ lẫm, cô tận hưởng niềm hạnh phúc ấy.

Nhưng cô cũng thấy mệt mỏi vì những chuyến đi. Lần đầu tiên sau một chuyến đi dài, khi hai tay tê rần vì đống hành lý nặng nề, cô chợt nghĩ, tại sao mình không dừng lại? Cô tự nhủ: "Nếu không thể biến mất, vậy thì dừng lại. Khi định vị một chỗ, bạn sẽ thấy mình cân bằng nhất. Khi bạn thấy mình được cân bằng, hạnh phúc sẽ quay trở lại".

2. TỰ CẢM NHẬN

Kiểu du lịch giống như Zim cũng rất đặc biệt. Nhiều người thường đọc rất nhiều về những nơi họ chuẩn bị tới tham quan. Họ nói rằng, nhờ những điều đã biết, họ sẽ có được sự đồng cảm nào đó với không gian hay con người ở nơi họ sắp tới. Zim thì không thế.

Thực ra, trừ những thông tin quan trọng và rất thiết thực như giá cả, lịch trình các chuyến đi, nơi ở… cô rất ít tìm đọc về văn hóa hay lịch sử nơi sắp đến. Zim rất muốn tự mình cảm nhận mọi thứ theo cách riêng của mình. Có khi đến Huế một mình và trong vòng gần 3 ngày, Zim hầu như chỉ đi bộ trên các con phố của Huế chứ không ghé thăm bất kỳ lăng tẩm, đền đài nào.

Điều đó có vẻ buồn cười, nhưng cô nói rằng: “Có những thứ tôi cảm nhận được không giống như những gì người khác đã viết hay như trên sách báo đã kể, thậm chí, còn sai hẳn với ý nghĩa của nơi đó như trong sử sách đã nói. Nhưng tôi nghĩ, không sao cả. Biết được cảm nhận của mình, từ đó đối chiếu với những gì người khác nghĩ, như thế không hay sao?”.

Dù đi nhiều, nhưng cảm xúc về quê hương bao giờ cũng là cảm xúc mãnh liệt nhất. Cô đã làm một bài thơ trong lần đi Hà Giang bằng xe máy: “Những trẻ mục đồng/ chân son/ mòn gốc rạ/ chiều đông khói hăng hăng mùi lá/ Vẩn vơ mơ ước đâu đâu/ Tiếng mõ lửng trên đầu/ Những con bò hiền từ ậm ừ lời gió/… cao nguyên…”

3. XÊ DỊCH KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ TRỐN CHẠY

Với Zim, cô tự nhận mình là người thích đi, nhưng không thuộc về chủ nghĩa xê dịch. Cô đi khi cảm thấy cần thiết chứ không vì sự thôi thúc nào đó. Zim rất thích đọc những đoạn văn và tùy bút của Nguyễn Tuân.

Nhờ những chuyến xê dịch mà ông có được vốn sống, sự trải nghiệm sâu sắc để viết ra những dòng ngôn từ đầy tài hoa như thế. Nhưng theo Zim, với thời điểm của Nguyễn Tuân, xê dịch có cái gì đó gần như là sự chạy trốn việc đối đầu với một thực tại không như mong muốn.

“Còn ở thời đại của chúng ta, xê dịch hay đi là cách chúng tôi chọn lựa để đối đầu với cuộc sống, thâm nhập vào đời sống, hiểu biết nó và biến tất cả những gì đã thâu nhận được trở thành một thứ giá trị mang tính lợi ích”.

Dự định sắp tới của cô là sẽ đi thăm lại những nơi đã đi qua như Thái Lan, Malaysia, Singapore với mục đích nghỉ ngơi và tìm kiếm thêm chất liệu mới cho công việc hiện tại. Sau nữa, cô sẽ cùng với một vài người bạn lập kế hoạch đón Tết dương lịch 2007 tại Myanmar hoặc cũng có thể ở Đức hay Pháp./.


From the same category