Xây nhà hát giao hưởng ở Công viên 23-9: kiến trúc sư nói gì?

 

Vị trí dự kiến xây dựng nhà hát giao hưởng – nhạc – vũ kịch ở công viên 23-9 (góc Lê Lai, Tôn Thất Tùng và Phạm Ngũ Lão) – Ảnh: T.T.D.

 

KTS Võ Thành Lân (Hội Kiến trúc sư TP.HCM): Đừng phá mảng xanh xây công trình

Hiện nay cơ quan chức năng chưa công bố quy mô của nhà hát giao hưởng, chưa biết nó cao bao nhiêu mét, mấy tầng trên diện tích 1,2ha. Tuy nhiên theo tôi, không nên xây nhà hát giao hưởng ở công viên 23-9 mà giữ đất ở khu vực này làm công viên cây xanh. TP hiện giờ quá ít công viên và khả năng giải tỏa các công trình khác để làm công viên mới là vô cùng khó. Khu đất trống này lâu nay đã dành cho mảng xanh thì nên giữ nguyên, tìm một nơi khác để xây nhà hát. Đối với một đô thị đang phát triển, thiếu mảng xanh như TP.HCM thì phải giải tỏa bớt công trình để làm mảng xanh, chứ không nên lấy công viên để làm công trình.

Hiện trạng khu công viên 23-9 có hình dài, bề ngang tương đối hẹp. Nếu xây nhà hát thì chắc chắn chiều ngang của nhà hát sẽ chiếm hết chiều ngang của công viên và nằm rất sát nhà của người dân hai bên đường. Như vậy, cảnh quan quanh nhà hát cũng sẽ không đẹp do không có không gian đệm, giãn cách giữa công trình và khu dân cư lân cận. Nhà hát cũng sẽ cắt đôi công viên, diện tích công viên từ đường Tôn Thất Tùng về phía chợ Nguyễn Thái Bình sẽ bị tách biệt với phần công viên phía công trường Quách Thị Trang. Hơn nữa, một khi đã xây dựng nhà hát thì phải có nhiều công trình kèm theo như chỗ để xe, khu vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ… Không gian khu vực công viên 23-9 quá nhỏ để phát triển một quần thể như vậy.

Theo tôi, nên đưa công trình nhà hát giao hưởng qua khu đô thị mới Thủ Thiêm – nơi vừa có đủ quỹ đất để đặt nhà hát trong khung cảnh rộng rãi vừa thuận tiện giao thông và đủ diện tích cho những dịch vụ kèm theo như khách sạn, nhà hàng, khu thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí khác. Như vậy, Nhà nước còn được lợi là kích thích Thủ Thiêm phát triển nhanh.

Nếu nhất thiết phải đặt nhà hát ở vị trí công viên 23-9 thì nên làm ngầm dưới đất hay hơn. Phần mặt đất để dành cho công viên cây xanh.

TS.KTS Nguyễn Thanh Hà (trưởng phòng quản lý khoa học và công nghệ, ĐH Kiến trúc TP.HCM): Thành phố cần thêm nhiều nhà hát

Khuôn viên công viên 23-9 hiện nay quá dài, không phù hợp với hình dáng, quy mô của một công viên, lại cũng không ra hình thù một vườn hoa vì diện tích quá lớn. Gọi đây là một trục cảnh quan thì đúng hơn. Theo tôi, ý tưởng đặt nhà hát giao hưởng tại công viên này là chấp nhận được. Ở trung tâm TP có Nhà hát TP nhưng quá nhỏ và xây dựng cũng đã lâu nên cần thêm nhiều nhà hát. Tuy nhiên, thiết kế nhà hát nên phù hợp với quy mô, hình dáng của công viên và TP nên nghiên cứu các hướng tuyến tiếp cận để giao thông khu vực được thông thoáng. Những con đường hai bên công viên (tức hai bên nhà hát trong tương lai) hiện toàn là nhà liên kế của người dân, không có giá trị kiến trúc đặc biệt nên TP cần nghiên cứu, thiết kế các công trình hai bên cho tương xứng với nhà hát.

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Nên xây nhà hát ở khu vực Ba Son

Hai bên công viên 23-9 hiện nay là hai dãy nhà cao tầng của người dân. Các con đường xung quanh nhiều xe cộ ngược xuôi rất ồn ào. Nhà hát đặt ở công viên này như bị đặt giữa hai “bức tường” nhà cao tầng – sẽ xấu về không gian và hứng chịu tiếng ồn từ xe cộ dội vào. Tất nhiên, nhà hát sẽ có thiết kế cách âm, nhưng như vậy sẽ rất tốn kém. Nếu đặt nhà hát ở đây thì phải có phương án thiết kế lại hai dãy phố hai bên để nó có tầng cao vừa phải và phải có phương án giảm tối đa mật độ lưu thông trên các con đường quanh nhà hát, tốt nhất là cho lưu thông một chiều hoặc thiết kế thành những phố đi bộ.

Theo tôi, nếu xây dựng một nhà hát phải kèm theo khu đất đủ rộng để xây dựng một khu phố văn hóa xung quanh. Nhà hát sẽ là trung tâm, khu phố sẽ kinh doanh các loại hình văn hóa như nhà triển lãm, trưng bày, phòng tranh nghệ thuật… Nhiều nhà hát trên thế giới cũng đã xây dựng theo mô hình này. Tôi nghĩ TP nên xây nhà hát theo cách trên để có một công trình văn hóa có giá trị thật sự, không nên bỏ ra vài trăm triệu USD chỉ để xây mỗi nhà hát. Như vậy, nếu quyết tâm chọn địa điểm công viên 23-9 để xây dựng nhà hát thì cần quy hoạch khu lân cận thành một khu phố văn hóa nghệ thuật đúng nghĩa.

Theo tôi, vị trí thích hợp để xây dựng nhà hát kèm khu phố văn hóa như trên là khu vực Ba Son. Vị trí này có khu đất rộng, thích hợp để xây dựng thành khu phố văn hóa. Hơn nữa, vị trí đất này nằm trên đỉnh chữ U của sông Sài Gòn, nhà hát xây dựng ở đây có thể được nhìn thấy từ bất kỳ vị trí nào trên sông. Ở vị trí này, chỉ có một bên nhà hát giáp đường giao thông nên sẽ hạn chế được tiếng ồn. Nhiều nhà hát giao hưởng trên thế giới cũng được thiết kế bên cạnh các dòng sông.

Về kết nối với bên ngoài, nhà hát đặt ở khu Ba Son sẽ có nhiều thuận tiện về mặt quy hoạch và kết nối với những khu vực khác. Cụ thể, khu Ba Son nối với Thảo cầm viên, kênh Nhiêu Lộc… hiện nay đang là một dải cây xanh, thấp tầng để lấy gió vào sâu trong nội ô TP. Nếu như khu Ba Son xây dựng cao tầng sẽ thành một bức tường chắn gió. Đặt nhà hát giao hưởng ở khu Ba Son phù hợp với nguyên tắc xây dựng thấp tầng và biến khu vực này thành một khu tham quan cho khách du lịch. Khách có thể đi từ Thảo cầm viên đến nhà hát, tham quan bảo tàng Ba Son và ra đến công viên bờ sông Sài Gòn.

Theo Tuổi trẻ

From the same category