Xây bảo tàng để chữa… suy thoái kinh tế? - Tạp chí Đẹp

Xây bảo tàng để chữa… suy thoái kinh tế?

Tin Tức

Xây bảo tàng- 1 giải pháp hữu hiệu?

Đọc toàn bộ trả lời phỏng vấn của vị GS này, người đọc hơi bị… choáng.

Nào là phải xây ngay. Xây bây giờ là quá muộn. Xây để chữa suy thoái kinh tế…vv…và…vv…

Mươi ngày nay Dự án xây Bảo tàng Lịch sửQuốc gia đã tốn khá nhiều giấy mực. Nhiều bài viết, nhiều ý kiến củacác nhà sử học, nhà bảo tàng học uy tín, nhiều kiến trúc sư, chuyên gia văn hóa đã đề cập và đều chung một ý tưởng: Tạm cho dự án vào “bảo tàng”.

Là kẻ ngoại đạo dù rất ham đọc, ham học lịch sử, rất thích đến các bảo tàng (tất nhiên không phải chỉ để xem), nhiều năm rồi, mỗi khi đến Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử, rồi từ1997 mỗi lần vào Bảo tàng Dân tộc học, người viết bài này có rất nhiều cảm xúc trái ngược. Giá mà…

Rồi nhiều lần có may mắn đi học tập, công tác ở châu Âu, đến thăm các bảo tàng danh tiếng, nổi tiếng của họ, lại  mong ước bao giờ Việt Nam mình có được những bảo tàng như thế.

/Uploaded/ledl/2012_09_20/le_van_lan_1.JPG 

Cho đến năm 2010, đúng dịp  Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, ngay ngày đầu tiên Bảo tàng Hà Nội mở cửa, cả nhà tôi đã có mặt, theo dòng người rồng rắn xếp hàng vào để chiêm ngưỡng, thì bao nhiêu hy vọng bỗng… đổ sụp.

Một công trình kiến trúc hoành tráng nhưng “lộn ngược” về thẩm mỹ, theo cảm nhận của người viết bài, trên một khuôn viên đẹp vào loại nhất, nhì Hà Nội mới, nhưng những hiện vật của bảo tàng thì nghèo nàn, èo uột.

Lúc ấy tôi tự hỏi phải chăng vì cái tòa nhà có hình kim tự tháp ngược nên mọi thứ cũng ngược với mong đợi của thiên hạ? Hay tại cái nước mình nó thế!

Xây bảo tàng để chữa suy thoái kinh tế có lẽ là một phát hiện mới, rất mới, có thể là độc nhất vô nhị rất đáng để bàn luận. Tôi tin GS Lê Văn Lan đã cả đời làm Sử, cả đời nghiên cứu Lịch sử, trong đó không thể không có lịch sử kinh tế thế giới, nên mới nêu ý kiến xây bảo tàng để chữa suy thoái kinh tế.

Không chỉ Việt Nam mà hình như kinh tế cả thế giới đang trong giai đoạn suy thoái. Nhiều quốc gia hoặc đang vỡ nợ, hoặc đang mấp mé bờ vực nợ công chồng chất, công ăn việc làm đang khủng hoảng, thì việc xây bảo tàng sẽ là một giải pháp hữu hiệu, tại saokhông làm?

Suy thoái kinh tế có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự “tham gia” không nhỏ của nạn tham nhũng. Như vậy, xây bảo tàng sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Phải xây ngay. Còn chần chừ gì nữa.

Bình tĩnh lại… thì hình như đâu phải thế. Đâu lại dễ thế. Xây bảo tàng chữa được suy thoái kinh tế thì Hy Lạp, Pháp, Ý cả Mỹ và nhiều quốc gia nữa đã chẳng phải kêu gọi thắt lưngbuộc bụng, giảm chi tiêu công đến mức tối đa.

Chắc là GS Lan nói đùa, nói cho …vui để giảm stress.

Cần nhiều hơn sự tôn trọng sự thật

Lịch sử và bảo tàng là khái niệm về những gì đã qua, là quá khứ. Rất cần. Và không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại văn minh này. Nhưng cái cần hơn là ngày hôm nay.

Hôm nay, chúng ta cần nhiều hơn trường học, cần nhiều hơn bệnh viện. Cần nhiều hơn đội ngũ những người thợ lành nghề. Cần nhiều hơn “nhiều vạn” thầy giáo, cô giáo giỏi ở mọi cấp. Cần nhiều hơn “nhiều nghìn” giáo sư đúng với tên gọi. Cần nhiều hơn “nhiều vạn” bác sĩ giỏi có cái tâm của mẹ hiền.

Cần nhiều hơn “nhiều trăm” nhà kỹ trị để dân giàu nước mạnh. Cần nhiều hơn những người làm bảo tàng có trình độ (lâu nay nhân sự của các bảo tàng chỉ là những người coi giữ hiện vật). Và cần nhiều hơn nhiều những người làm Sử biết tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, phản ánh sự thật.

Lịch sử “không thật”, bảo tàng “không thật” chỉ  làm hại giáo dục.

Việt Nam có vài nghìn năm lịch sử. Bảo tàng Lịch sử đã có bao nhiêu tuổi? Hình như còn rất trẻ so với con số ấy. Nhưng dân Việt chưa bao giờ quên lịch sử.

Trước thế kỷ 19, trên đất nước này chưa có một Viên bảo tàng nào, nhưng ông cha ta đã dựng nước, giữ nước như thế nào thì ai cũng biết. Không có bảo tàng người Việt vẫn 3 lần đánh thắng quân Nguyên, nhiều lần thắng giặc phương Bắc Trung Quốc.

Năm, sáu chục năm nay, theo thiển nghĩ của người viết bài, bảo tàng ở ta vừa yếu vừa thiếu và vừa thừa. Yếu về nhân sự. Thiếu về hiện vật. Thừa bảo tàng. Tỉnh nào mà không có bảo tàng? Ngành nào mà không có bảo tàng?

Tuy vậy vẫn thiếu. Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cần. Nhưng chưa phải bây giờ. Cái gì làm đúng lúc thì chẳng bao giờ là muộn.

GS Phan Huy Lê, Phó GS Nguyễn Văn Huy cũng từng có nhận xét chí lý: Trước khi xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chúng ta hãy lo xây dựng đội ngũ những người làm bảo tàng, hãy lo tìm kiếm, sưu tầm hiện vật…và nhiều thứ khác cần hơn cái vỏ bảo tàng.

Cứ phải xây bảo tàng ngay, lại thêm nợ nần, lại thêm tham nhũng là cái chắc.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

20/09/2012, 08:59