Tăng thêm 400-500 đồng/lít?
Một trong những điểm nghẽn bất minh trong cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay đã được nhiều giới khẳng định là chi phí kinh doanh. Đây là một trong 10 yếu tố cấu thành giá cơ sở- căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ. Nhưng nội hàm của khoản chi phí này lại khá phức tạp, khó kiểm soát, bao gồm tiền lương, chi phí tài chính, tỷ giá, chi phí hao hụt, thù lao đại lý, cước vận tải…
Tại Thông tư 234 ban hành từ năm 2009, chi phí này được “ấn định” là 600 đồng/lít đối với xăng, dầu hỏa, dầu diezen và 400 đồng/kg cho dầu madut bán buôn.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Đại biểu Quốc hội vừa qua, mức phí này ở Tập đoàn Petrolimex lại rất lớn. Chi phí kinh doanh xăng dầu nội địa của Petrolimex năm 2011 là 995 đồng/lít,kg.
Trong đó, chi phí bán hàng nội địa bình quân thực tế là 628 đồng/lít, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Kế đến là chi phí tài chính bình quân là 190 đồng/lít, chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 và chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 là chi phí hao hụt bình quân là 189 đồng/lít. Các thu nhập khác liên quan phân bổ giảm chi phí kinh doanh là âm 12 đồng/lít.
Trong khoản chi phí kinh doanh trên, thù lao đại lý của Petrolimex không tính đến do Tập đoàn này đã giảm trừ trực tiếp vào hóa đơn bán hàng cho các đại lý.
Phí kinh doanh sửa theo thị trường, giá xăng dầu sẽ tăng?
Kiểm toán Nhà nước nhận định, có nhiều khoản chi đã tăng mạnh đẩy tổng chi phí kinh doanh tăng cao, như cước vận tải, rồi tiền lương, chiếm 12,8% bình quân 127 đồng/lít,kg, chi phí khấu hao tài sản cố định được tính tối đa chiếm khoảng 4,62%, tương ứng 46 đồng/lít,kg.
Không chỉ vậy, khi phân tích công thức tính giá cơ sở, Kiểm toán Nhà nước còn đưa thêm một số liệu khác. Đó là con số tổng chi phí lưu thông nội địa bình quân toàn tập đoàn Petrolimex là 1.123 đồng/lít,kg. Trong đó, chi phí bán hàng, chi phí quản lý thực tế có hóa đơn chứng từ hợp lệ bình quân đã là 987 đồng/lít,kg và thù lao đại lý bình quân đã là 136 đồng/lít, kg.
Có thể thấy, chi phí kinh doanh thực tế của Petrolimex đã vượt gấp gần 2 lần so với con số định mức do Bộ Tài chính quy định.
Không chỉ riêng Petrolimex, hầu hết các DN đầu mối đều khẳng định, mức phí thực sự mà họ phải chi ra lên tới 900-1.000 đồng/lít, tức là cao hơn ít nhất là 300-400 theo quy định. Ngay ở các bản dự thảo “cũ” sửa đổi Thông tư 234 được bàn từ tháng 4/2011, mức phí này đã từng được Liên Bộ Tài chính- Công Thương hoạch định tăng tới 860 đồng/lít.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã kết luận, khoản chi phí kinh doanh định mức hiện nay đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Điều này gây lo ngại, khi Bộ Tài chính sửa chi phí này theo thị trường thì giá cơ sở xăng dầu sẽ tăng, kéo theo, giá bán lẻ cũng sẽ phải tăng!. Nhất là tới đây, dự thảo mới nhất sửa đổi Thông tư 234 đã nêu, Bộ Tài chính sẽ quyết khoản phí này theo kiểu tính “mềm”, công bố tùy theo từng giai đoạn. Đáng ngại hơn, Bộ Tài chính lại chưa công bố rõ ràng nguyên tắc điều chỉnh chi phí kinh doanh là dựa theo “chuẩn nào”?
Theo Bộ Công Thương, chi phí kinh doanh có thể điều chỉnh theo hệ số trượt giá. Nó cũng tương tự như câu chuyện các hãng xe taxi hay giá vé xe bus… được điều chỉnh theo lạm phát.
Giả sử lạm phát năm 2012 dự kiến 7% thì lạm phát cộng dồn trong 3 năm qua sẽ lên tới 36,88%. Tăng theo lạm phát thì mức chi phí kinh doanh sẽ vào khoảng trên 820 -860 đồng/lít, nghĩa là, mức tăng ít nhất là 260 đồng/lít so với hiện tại.
Còn nếu nguyên tắc điều chỉnh lại dựa theo kết quả kiểm toán các DN đầu mối xăng dầu thì phải chăng, mức phí trên sẽ lên tới 900-1000 đồng/lít. Và như vậy, giá cơ sở xăng dầu sẽ bị đẩy lên ít nhất là 400-500 đồng/lít,kg. Tới lúc đó, giá bán lẻ xăng dầu cũng sẽ buộc phải tăng theo để ngang bằng với giá cơ sở.
Thiếu minh bạch lỗ lãi xăng dầu
Trong khi Bộ Tài chính chỉ có ý định sửa chi phí kinh doanh thì Kiểm toán Nhà nước còn cho rằng, cần nghiên cứu lại cả công thức giá cơ sở xăng dầu. Cơ quan này phân tích có tới 4 yếu tố khiến cho giá cơ sở xa rời thực tiễn.
Không sát thực tế giá vốn của DN đầu tiên là yếu tố giá xăng dầu thế giới. Khi tính giá bình quân 30 ngày giao dịch trên thị trường Singapore theo công bố của tờ Platt’ Singapore, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, phương pháp này chỉ giúp cho công tác quản lý của Nhà nước thuận lợi hơn, dễ kiểm soát vì hình thành duy nhất một giá bán lẻ cho tất cả các DN đầu mối.
Tuy nhiên, trong 30 ngày, mỗi DN sẽ có số lần nhập, số lượng nhập, mức giá nhập rất khác nhau, chưa kể, giá vốn hàng tồn cũng khác nhau nên giá vốn xăng dầu bình quân tại các DN không chỉ khác nhau mà còn rất khác biệt với cả giá cơ sở này. Nếu tính giá cơ sở theo giá vốn bình quân thực tế này thì sẽ thấy rõ có sự chênh lệch này.
Vì lẽ đó, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, các khoảng chênh lệch cao thấp giữa giá bán lẻ và giá cơ sở như các Bộ công bố vừa qua chưa thể nói lên tình hình thực sự lỗ lãi của DN. Hơn nữa, việc quyết toán lỗ lãi sẽ phải tính theo chu kỳ kinh doanh và đảm bảo quyết toán đủ các yếu tố doanh thu, chi phí.
Đó là lý do mà từ khi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ dựa trên giá cơ sở ra đời, nhiều cuộc tranh cãi về lỗ, lãi của DN đã nảy sinh kéo dài triền miên. Trong khi bảng giá này chưa khi nào được đăng tải công khai trên các cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính hay Bộ Công Thương như yêu cầu cần công khai minh bạch của Nghị định 84.
Yếu tố nhuận định mức 300 đồng/lít theo Kiểm toán cũng không thể sát với thực tế của DN. Nhất là khi vừa qua, cả cơ quan quản lý cũng như các DN đều chưa công khai, minh bạch những thông tin liên quan chỉ tiêu lợi nhuận.
Cùng đó, chính sách thuế nhiều giai đoạn được Bộ Tài chính điều chỉnh không kịp thời, có lúc góp phần tạo nên trạng thái tăng nhanh, giảm chậm giá bán lẻ. Tỷ giá bình quân để quy đổi giá CIF theo đồng Việt Nam cũng không được thống nhất, mỗi DN hiểu khác nhau khiến cho, thước đo hiệu quả kinh doanh thực sự của DN và hiệu quả kinh doanh theo cách tính giá cơ sở chênh lệch lớn.
Với nhiều phân tích trên, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, cách quản lý kinh doanh xăng dầu như vậy đã gây hiểu lầm, thiếu minh bạch trong xác định lãi lỗ, tạo nên những thắc mắc, nghi ngờ DN gian lận và nghi ngờ khả năng quản lý của cơ quan công quyền.
Tháng 12 tới, Bộ Công Thương mới trình Thủ tướng bản đánh giá toàn diện Nghị định 84.
Theo Vietnamnet