Không phải là “sản phẩm” của thời hiện đại, nghệ thuật xăm đã có từ lâu đời với nhiều chứng cứ được các nhà khảo cổ tìm thấy từ thời cổ đại. Đó là cách để người ta làm đẹp, thể hiện vị trí cao trong xã hội và dùng làm bùa hộ thân. Được lưu giữ cho đến ngày nay, nghệ thuật xăm mình ngày càng “lợi hại” hơn xưa, từ kỹ thuật, mỹ thuật cho đến mục đích. Và khi nhắc đến nghệ thuật xăm mình, bao giờ cũng sẽ có hai luồng ý kiến: ủng hộ và phản đối.
Bỏ qua mọi nguyên do, mục đích, tiêu chuẩn đẹp – xấu, đúng – sai, bạn cần biết một vài thông tin liên quan đến sức khỏe để đảm bảo rằng mình đã cân nhắc kỹ trước khi khắc hay xóa một hình xăm trên người.
Quá trình xăm diễn ra như thế nào?
Tùy hình xăm lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp, bạn sẽ mất khoảng mươi phút đến vài tiếng đồng hồ hay vài ngày để nhìn thấy nó hiện diện trên cơ thể mình. Trước khi nó sẽ “mãi mãi ở đó”, người thợ xăm sẽ đặt hình tạm thời lên vị trí mà bạn muốn xăm để xác định đã đúng chỗ và đúng kích cỡ hay chưa. Đây cũng là bản mẫu để người thợ xăm làm theo cho chính xác.
Bước tiếp theo, người thợ sẽ dùng một loại súng xăm gắn những đầu kim nhỏ, nhúng qua mực để xăm viền ngoài. Khi đường viền đã hoàn tất và được rửa với xà phòng và nước thì sẽ đến bước xăm hình trong. Tùy thuộc hình mẫu, người thợ sẽ dùng kim sinh thiết (gồm rất nhiều mũi kim gắn với nhau) để có thể xăm vùng rộng hơn. Sau cùng là bước dùng những đầu kim đó xăm màu thêm vào. Khi thực hiện xong những công đoạn này, người thợ sẽ làm sạch khu vực xăm bằng xà phòng và nước rồi thấm khô, dán băng gạc vô trùng. Quá trình xăm có thể gây chảy máu nhưng không đáng kể. Vài ngày tiếp theo, bạn phải dùng thuốc chống khuẩn bôi lên vùng xăm để tránh nhiễm trùng và tuyệt đối giữ sạch sẽ. Thời gian phục hồi sau khi xăm tùy thuộc vào từng cơ địa, trung bình khoảng hai tuần là bạn có thể khoe hình xăm với mọi người.
Xăm hình – trò đùa với sức khỏe?
Không cần phải am tường kiến thức y khoa, chỉ cần nhìn cách thức xăm mình, ai cũng có thể dễ dàng thấy được những rủi ro cho sức khỏe. Khi những mũi kim đâm vào da có nghĩa là chúng đã phá hủy lá chắn bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhiễm khuẩn, đặc biệt là lây lan các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, C, uốn ván, lao, phong và HIV. Đó là chưa kể mực xăm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đây là một loại hóa mỹ phẩm, có thể gây kích ứng từ nhẹ đến nặng.
Một số bệnh thường gặp do xăm:
Các bệnh lây lan qua đường máu: Nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn tuyệt đối cho các dụng cụ xăm, có thể dẫn đến truyền nhiễm một số bệnh như: viêm gan siêu vi B-C, herpes, uốn ván, lao, phong, giang mai, HIV.
Nhiễm khuẩn da: Xuất hiện những vết loét hay sưng đau, tạo thành khối u hạt xung quanh vết xăm. Sau khi điều trị khỏi, các vết loét có thể để lại sẹo lồi.
Các bệnh truyền nhiễm qua da: Xăm mình có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn. Dấu hiệu dễ nhận thấy là nổi mẩn đỏ, nóng, sưng đau ở vị trí xăm. Nhiều trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh đã cảnh báo về một số bệnh truyền nhiễm qua da khá nghiêm trọng có liên quan đến việc xăm mình, có thể dẫn đến viêm phổi, hoại tử, nhiễm khuẩn máu.
Dị ứng: Nguyên nhân là từ các chất nhuộm màu trong mực xăm. Dấu hiệu là xuất hiện phát ban ngứa ở vùng da có vết xăm. Triệu chứng này có thể kéo dài trong nhiều năm sau khi xăm.
Biến dạng hình ảnh cá nhân: Những vết sưng và biến dạng do việc xăm hay xóa xăm có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân, đặc biệt đối với những hình xăm ở nơi dễ nhìn thấy như mắt, môi, mặt.
Khi hình xăm không còn là mãi mãi
Mọi điều đều có thể xảy ra. Bạn sẵn sàng chịu đau đớn, chấp nhận mọi rủi ro về sức khỏe, thậm chí là định kiến của mọi người để có một hay nhiều hình xăm trên cơ thể, và nghĩ rằng điều đó là mãi mãi. Cho đến một ngày, vì 1001 lý do chẳng ai giống ai, có khi bạn lại muốn những hình xăm đó biến mất. Làm sao để xóa?
Con người luôn tự tin rằng mình là giống loài thông minh nên không ngừng nghĩ ra nhiều sáng kiến. Với chuyện xóa xăm cũng vậy, nhiều người đã truyền cho nhau những “bí quyết”: dùng muối chà xát lên vết xăm để xóa dấu tích; dùng kim để lể, nặn mực ra; dùng acid, thuốc tím đậm đặc; thậm chí, dùng bàn ủi nóng ịn lên vết xăm để loại bỏ vùng da đã xăm đi… Bạn có lường được hết những hậu quả nghiêm trọng từ các cách làm tự phát này không? Để xóa hoàn toàn hình xăm không phải chuyện đơn giản bởi mực xăm có khả năng ăn sâu rất mạnh, bám dính vào các sắc tố bên trong da. Tùy kỹ thuật đưa kim vào nông hay sâu, mạnh hay nhẹ mà hình xăm có thể nằm ở lớp nông hay sâu của da. Xóa xăm là loại bỏ toàn bộ màu xăm ở vùng da này.
Hiện tại, có một số phương pháp xóa xăm được áp dụng tùy theo diện tích, vị trí, màu sắc và độ sâu của hình xăm như: phẫu thuật ghép da, đốt điện, điều trị bằng laser… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, các kỹ thuật hiện nay chưa thể xóa hết những vết xăm chồng lên vết cũ, vết xăm bằng máy hoặc mực màu vàng, cam, xanh lá cây. Với phương pháp phẫu thuật ghép da, bác sĩ có thể xóa hình xăm mà không để lại sẹo bằng cách lấy da của chính bệnh nhân để ghép vào vùng da bị xăm. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ áp dụng với hình xăm có diện tích dưới 20cm2. Còn phổ biến hơn cả là phương pháp sử dụng laser.
Có hai vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến kết quả điều trị là màu mực và độ sâu của hình xăm. Với những hình nhiều màu sắc, phải cần đến loại máy laser có nhiều bước sóng thích hợp đặc hiệu. Với những hình xăm sâu thì cần tới loại máy có năng lượng đủ mạnh mới tác động được tới các lớp sâu của da. Cơ chế hoạt động của phương pháp dùng laser là khi năng lượng laser tác động lên vùng xăm, các sắc tố bị nhiễm mực xăm sẽ hấp thu quang năng có bước sóng cố định, giãn nỡ và vỡ nhỏ. Các sắc tố ở lớp biểu bì được đẩy lên bề mặt. Các sắc tố nằm sâu trong da được phân hóa thành những hạt sắc tố nhỏ li ti, được thực bào trong cơ thể tiêu hóa rồi đào thải ra ngoài theo hệ bài tiết. Mực xăm sẽ nhạt dần cho đến khi biến mất hoàn toàn. Quá trình này mất khoảng vài tuần. Do đó, hầu hết đều phải điều trị nhiều lần mới xóa được hình xăm.
Bên cạnh yếu tố công nghệ, tay nghề và kinh nghiệm của bác sĩ sẽ quyết định đến hiệu quả xóa xăm và mức độ an toàn. Do đó, bạn cần lựa chọn những địa chỉ uy tín để hạn chế tối thiểu các nguy cơ như nhiễm trùng da, sẹo lồi, sẹo lõm…
Mọi lựa chọn đều có cái giá tương ứng của nó. Lựa chọn xăm mình như một cách làm đẹp, thể hiện cá tính phóng khoáng, tự do cũng vậy – sẽ xứng đáng hay là cái giá quá đắt tùy thuộc vào sự cân nhắc, cẩn trọng và hiểu biết của bạn.
Bài: Hành Hương