“Xác định không tiếp tay, ắt chặn được gà lậu” - Tạp chí Đẹp

“Xác định không tiếp tay, ắt chặn được gà lậu”

Tin Tức

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là thành viên Chính phủ được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời phát biểu “tiếp sức” cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong phiên trả lời chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu thực trạng hiện có nhiều hàng hóa kém chất lượng mà là thực phẩm ví dụ như thịt gà, trái cây, mỳ ăn liền. Theo ông Cương, đây là trách nhiệm của Bộ Y tế nhưng không thấy Bộ có công bố nào về vấn đề này. Cử tri mong chờ công bố của ngành để người tiêu dùng biết hướng lựa chọn loại thực phẩm an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến xác nhận Bộ Y tế là cơ quan quản lý vấn đề an toàn thực phẩm nhưng là đối với những loại đồ ăn uống như nước đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm và các thực phẩm bao bì. Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm các thịt và sản phẩm về thịt, rau, củ, quả, thủy sản, lúa gạo… Bộ Công thương lại phụ trách về rượu, đường… Quản lý chung thì có ban chỉ đạo liên ngành do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.

Ngành Y tế, Công thương thời gian qua đều tăng cường các biện pháp kiểm soát, thường xuyên kiểm tra nhanh các mẫu rau quả thực phẩm. 7 viện kiểm nghiệm cũng đã được thành lập mới đây. Bà Tiến khẳng định, với thực phẩm nhập chính ngạch, người tiêu dùng có thể yên tâm. Nhưng vấn đề là rau quả nhập qua đường tiểu ngạch thì không kiểm soát hết được.

Nữ Bộ trưởng “cầu viện” sự trợ giúp của Bộ trưởng NN&PTNT, trưởng ban chỉ đạo liên ngành. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ định Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giải trình thêm nội dung này.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hiện là Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hiện là Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm.

Ông Nhân nhấn mạnh trước hết về nguy cơ không an toàn do giết mổ gia súc. Kết quả của 2 năm nỗ lực lập lại quy củ trong vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, đến nay ở phía Nam, 80% nguồn thực phẩm tiêu thụ tại TPHCM được kiểm soát và an toàn. Nhưng các tỉnh phía Bắc khả năng kiểm soát lại chỉ dưới 10%, do chưa thực hiện tốt quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra chủ yếu tại các khu công nghiệp. Ban chỉ đạo liên ngành đã tăng cường kiểm tra ở Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, ra điều kiện doanh nghiệp với quy mô lao động nhất định phải có bếp ăn riêng để đảm bảo trách nhiệm. Số ca ngộ độc, theo đó, đã giảm dần thời gian qua.

“Về rau sạch hiện là bức xúc nổi bật. Thực tế những hộ trồng rau để bán nhưng không ăn thì xã nào cũng biết nhưng chưa có biện pháp để xử lý vấn đề này” – Phó Thủ tướng báo cáo.

Về việc quản lý thực phẩm tại chợ dân sinh, ông Nhân cho biết, vừa qua Ban Chỉ đạo chọn một sản phẩm đang gây nhiều hoang mang, bức xúc với người tiêu dùng là gà nhập lậu để kiểm soát, xử lý kiên quyết. Chỉ ra nhiều tác hại của nạn gà lậu nhưng thông tin “sốc” nhất là ông Nhân đưa ra là lượng thuốc kháng sinh tồn dư vượt mức có trong 20% thịt gà nhập lậu, “ăn gà ngắn hạn chưa thấy làm sao, nhưng dài hạn rất nguy hiểm cho sức khỏe”.

Ban chỉ đạo đang bàn với Hà Nội để làm sao trong vòng 1 năm nữa, người dân Hà Nội không phải ăn gà nhập lậu không rõ nguồn gốc. Ông Nhân kêu gọi đại biểu Quốc hội gương mẫu không ăn gà nhập lậu.

Xe chở gà nhập lậu không phải là xe thường mà là xe chuyên dụng, phải đóng tầng, không thì gà sẽ chết, khi chạy trên đường, nhìn cũng biết là chở gà nên có thể theo dõi được. Điểm tập kết ở bến phà, đầu chợ nên cũng tồ chức kiểm chốt được… Ông Nhân quả quyết, nếu xác định không tiếp tay cho việc này là có thể làm được.

Phó Thủ tướng cũng kể chuyện phục kích chợ gà Hà Vĩ (chợ đầu mối gia cầm lớn nhất cả nước, ở Thường Tín, Hà Nội) lúc 2 giờ đêm thì thấy có 4 cổng gà vào nhưng lực lượng chức năng chỉ đủ để chốt 1 cổng, còn 3 cổng… để ngỏ. Ông Nhân phân trần khó khăn trong cuộc chiến chống gà lậu.

Kinh nghiệm vừa qua áp dụng ở Quảng Ninh, bộ đội biên phòng chỉ thị nơi nào có đồn biên phòng mà để gà nhập lậu qua đường tiểu ngạch, đường mòn nhỏ lẻ ở khu vực biên giới thì đồng trưởng phải chịu trách nhiệm. Hiệu quả mang lại rất tích cực, các lực lượng kiểm soát rất quyết liệt.

Phó Thủ tướng chốt lại phần giải trình với lời kêu gọi nhắc lại về việc vào cuộc tích cực của tất cả các ngành để tới đây “bữa ăn của chính chúng ta được an toàn”.

Theo Dân trí

Thực hiện: depweb

15/11/2012, 08:03