Xa xỉ một thời và bền lâu - Tạp chí Đẹp

Xa xỉ một thời và bền lâu

Giải Trí

Thời mẹ tôi đi lấy chồng, chiếc máy khâu là một món của hồi môn giá trị. Vừa có thể dùng để may vá, kiếm thêm, vừa có thể đem bán kha khá tiền nếu chẳng may túng quẫn. Đến bây giờ tôi vẫn thấy mình may mắn khi cố giữ lại làm kỉ niệm cái đầu máy khâu “Con công”, loại ít phổ biến hơn “Con bướm” hay Singer. Tôi cũng khá tiếc khi không giữ được chiếc ti vi đen trắng cửa lùa mà bố mẹ tôi quyết mua bằng được sau một trận khóc dỗi hờn của tôi, khi bị hàng xóm đuổi về không cho xem nhờ. Mới đây, ngay khi thuyết phục bố tôi chuyển sang đi làm bằng xe đạp điện, tôi đã xin chiếc xe đạp Peugeot cũ gỉ của cụ về treo lên tường. Tết năm ngoái, bà chị vợ xin cho một chữ “Toại”, tôi lại mang treo gần cái xe đạp, như một nhắc nhở về những thứ từng là niềm tự hào của một thời.

Khi chứng kiến những chiếc siêu xe mui trần bật nhạc ầm ĩ đi trên đường chật chội bây giờ, tôi lại tưởng tượng ra cảnh các anh trai trẻ ngày xưa vênh vác ôm một cái đài bán dẫn to đùng trên phố, trẻ con nháo nhác chạy theo còn người lớn thì tuy bĩu môi, chửi xéo là kệch cỡm, nhưng vẫn có vẻ ghen tị trong ánh mắt. Các trai trẻ này mà lại đi xe đạp Favorite Tiệp Khắc, tay đeo đồng hồ Seiko thì chắc chắn phải con nhà giàu ngầm hay có bố làm “cốp”, cứ gọi là cưa cô nào đổ ngay cô ấy cùng hàng loạt các cô bên cạnh. Trí thức đỉnh cao ngày ấy cũng hiếm hoi lắm mới có một chiếc bút máy Kim Tinh cài túi ngực.

Đấy là cái thời mà những từ như “xa xỉ” hay “xa hoa” được hiểu theo đúng nghĩa từ điển là “tốn tiền một cách không cần thiết” hay “phô trương một cách hoang phí”. Mùi nước hoa sặc sụa kiểu tư bản chẳng thể nào đem so với mùi mồ hôi pha dầu mỡ của chàng trai lao động. Đó là khi màu xanh công nhân chiếm thế thượng phong trong thời trang của dân chúng đô thị và áo sơ mi có hoa hình cây dừa bị cho là “hoa hòe hoa sói”. Nếu như xà phòng Lux hay Camay cũng chỉ được các công tử phố cổ rón rén mang ra tắm vào chiều thứ bảy, trước khi uốn quăn tóc bằng cái kìm hơ nóng để ra phố đi chơi với bạn gái, thì những cái tên hàng hiệu trăm năm lịch sử cũng chả có ý nghĩa bằng tên các loại máy bay thả bom của Mỹ.

Gần hơn, chúng ta chắc khó quên khi nhiều nhà khá giả ăn thịt gà phải mang kéo ra cắt vì sợ hàng xóm biết. Tôi cũng đã ngơ ngác chứng kiến các ông cậu bị “lên phường” vì “tội nhảy đầm” hay có đợt lo sợ vì công an đến khám nhà vì nghi ông ngoại dám “buôn bán” chứ không chỉ “sửa chữa” máy khâu như cái biển treo trước cửa nhà. Tôi cũng được ăn những chiếc kem ngon lành ông mua từ hiệu Bốn Mùa, chở về trong cốp chiếc Mobylette cá xanh, vốn là mơ ước của nhiều người nhưng vẫn không thấm vào đâu khi so với xe máy Peugeot 102, 105 hay Vespa. Chàng nào lướt xe ấy trên phố là ối kẻ hít hà khen khói thơm, tiếng nổ đanh. Chả khác gì cảnh những Rolls-Royce Phantom bây giờ luồn lách trên Hàng Ngang, Hàng Đào.

Chiếc Mobylette cá xanh từng là mơ ước của nhiều người

Thời gian khắc nghiệt. Chỉ sau vài chục năm, một chiếc đèn dầu hay đèn măng xông đã đi từ vị trí một thứ chỉ nhà giàu mới có, thành một món đồ bình dân được một thời gian lại thành một thứ chả ai dùng khi đèn điện và đèn pin đã rẻ như bèo. Ấy thế rồi lại trở thành một món đồ cổ được dân chơi săn tìm. Vòng quay ấy đúng cả cho nhiều thứ khác như bút viết Kim Tinh, xe đạp Peugeot, xe máy Vespa, Babetta, ti vi đen trắng Sanyo, đồng hồ Poljot… Những thứ ấy đã không chịu được cú thử của thời gian để thành một giá trị xa xỉ bền vững, như những chiếc đồng hồ Patek Philippe càng cũ càng đắt vẫn được đấu giá trên eBay, hay như những chiếc túi Birkin cũ vẫn có giá hàng chục tỷ đồng.

Những chiếc túi Birkin cũ vẫn có giá hàng chục tỷ đồng

Thời gian tạo ra và khẳng định sự xa xỉ. Nhờ có những năm dài gìn giữ chất lượng thì khá nhiều cái tên mới trở thành xa xỉ. Những đường chỉ khâu thủ công sau hàng trăm năm vẫn đều tăm tắp; Những hầm rượu do đời cụ, đời ông chắt lọc, chưng cất, tồn tại qua đạn bom chiến tranh để cho cháu chắt mang ra bán; Những tấm gỗ mỏng tang sau nhiều thế kỉ vẫn được xử lý theo đúng một cách không đổi để ốp lên nội thất những chiếc xe siêu sang; Kĩ thuật vẽ sơn mài truyền thống maki-e của Nhật Bản nay được đưa vào những chiếc đồng hồ đắt tiền; Thép tạo ra những chiếc bút hay điện thoại hiện đại vẫn là thứ kim loại huyền thoại tạo ra những thanh kiếm như thép Nhật Mokume Gane hay thép Damacus của các chiến binh Trung Đông.

Bài: Tiến Đạt


Sành điệu một thời

Các bài viết trong chuyên đề:

>> Huyền thoại “Người đi bộ”

>> Chuyện của StarTAC

>> Đồng nát sành điệu

>> Xa xỉ một thời và bền lâu

>> Người sành điệu một thời

Thực hiện: depweb

07/11/2012, 17:07