Xã hội ''Hậu 1968'' nhìn từ ''Hạt cơ bản'' - Tạp chí Đẹp

Xã hội ”Hậu 1968” nhìn từ ”Hạt cơ bản”

Sống

Đã có nhiều người nhìn lại cuộc cách mạng hồi năm 1968 đó, gần đây hơn cả và cũng gây tranh cãi hơn cả là nhà văn Michel Houellebecq, mà đậm nét nhất là trong hai tiểu thuyết Hạt cơ bản (bản tiếng Việt: NXB Đà Nẵng và Trung tâm Đông Tây, 2006) và Mở rộng phạm vi đấu tranh (sắp có bản dịch tiếng Việt).

Cả hai cuốn tiểu thuyết đều vẽ nên một khung cảnh sống đầy ảm đạm tại phương Tây của những con người bình thường, điển hình trong sự bình thường và tầm thường của họ: nhân viên văn phòng, giáo viên, lập trình viên máy tính…

Sự ảm đạm đó được thể hiện chủ yếu dưới hai khía cạnh: một cuộc sống thường nhật nhàm chán với những chiếc xe hơi hạng xoàng và những cuộc mua sắm không chút hứng thú ở siêu thị, và một cuộc sống tình dục thảm hại bắt nguồn từ chính thành quả mà cuộc cách mạng tháng Năm 1968 dành được, mà cụ thể hơn là tự do tình dục, như đã nói ở trên.

Với Houellebecq, sự tự do này (theo ông là mô phỏng lại mô hình xã hội dân chủ-tự do) lại dẫn đến một tình trạng bất bình đẳng lớn trong thụ hưởng khoái lạc; khi tất cả mọi thành viên trong xã hội đều được tự do tìm kiếm cho bản thân mình hạnh phúc tình dục, thì dần dần tất cả rơi vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt, với phần thắng nghiêng về rất ít người, trong khi những người còn lại phải chịu những thiệt thòi trong thèm muốn và dằn vặt.

Nhân vật xưng “tôi” trong Mở rộng phạm vi đấu tranh (tiểu thuyết đầu tay của Michel Houellebecq) hay nhân vật Bruno Clément trong Hạt cơ bản là những người thua cuộc trong trận chiến giành giật khoái lạc đó, số phận của họ không hề đáng mong muốn.

Không hẳn là lúc nào cũng được nói thẳng ra, nhưng các nhân vật trong Hạt cơ bản chịu ảnh hưởng sâu sắc của cuộc cách mạng năm 1968.

Cách tổ chức trường học theo lối mới đã khiến cậu bé Bruno ở ký túc xá trường học tiếp tục phải chịu đựng sự hành hạ tàn nhẫn của lũ bạn: “theo các quy định của Bộ Giáo dục mới ban hành sau các sự kiện năm 68, người ta quyết định rút bớt số lượng giám thị để dành chỗ cho một hệ thống tự giác hơn” (Hạt cơ bản, tr. 66).

Với Houellebecq, di sản của tháng Năm 1968 chỉ toàn là những điều tiêu cực. Đi kèm với nó là một hoàn cảnh mới mẻ, một chuyển biến phong tục sâu sắc: “năm 1970 được đánh dấu bởi sự lan rộng nhanh chóng việc tiêu thụ đồ dùng liên quan đến tình dục” (Hạt cơ bản, tr. 70).

Trong bối cảnh đó, chiếm ưu thế là những người nắm lấy cơ hội để kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sắc đẹp, sự quyến rũ hình thể (chẳng hạn như phẫu thuật thẩm mỹ) và những người biết lợi dụng sự quyến rũ, chẳng hạn như các rock star:

“Giàu hơn giám đốc và chủ ngân hàng rất nhiều, các rock star vẫn giữ được nét nổi loạn của mình. Trẻ trung, đẹp trai, nổi tiếng, được tất cả phụ nữ thèm muốn và bị tất cả đàn ông ghen tị, các rock star tạo thành đỉnh cao tuyệt đối của hệ thống thang bậc xã hội” (Hạt cơ bản, tr. 117).

Cái nhìn cay đắng về trật tự xã hội đó được chuyển hóa thành cảm giác tuyệt vọng ở tất cả các nhân vật của Houellebecq.

Không chỉ phê phán lối sống phương Tây trong một xã hội tiêu thụ và cách thức đầy man dã ở sự giành giật tình dục, Houellebecq còn chỉ trích cả một thứ vốn vẫn được coi là thành quả lớn của nền văn minh phương Tây: phong trào nữ quyền.

Chương 8 phần II của Hạt cơ bản sử dụng những ngôn từ cay độc nhất cho cả phong trào nữ quyền lẫn những người từng tham gia chiến đấu hồi 1968.

Trong các đoạn trò chuyện với, Christiane nói về những người theo phong trào nữ quyền như sau: “Bọn ngu xuẩn đó suốt ngày lải nhải về rửa bát và chia sẻ trách nhiệm”. Cái nhìn đầy cực đoan của nhà văn đã khiến ông bị phản đối một cách rộng rãi trên báo chí Pháp.

Trong Hạt cơ bản, một mặt Michel Houellebecq truy tìm lại các nguồn gốc của lối sống trong xã hội phương Tây đó, và ngoài cách mạng năm 1968, còn có tác phẩm của Aldous Huxley hay phong trào beatnik… mặt khác ông đi đến một cách giải quyết vô cùng cực đoan là đề xuất chấm dứt sự tồn tại của loài người như hiện có để thay thế bằng một loài người mới tốt đẹp hơn.

 Cao Việt Dũng

 

Thực hiện: depweb

14/05/2008, 17:05