Không phải bữa tiệc nào cũng làm được vậy. Không phải phim nào cũng làm được vậy. Nhưng với một đầu bếp giỏi, hay một đạo diễn tài hoa được trở về đúng chỗ của mình thì điều đó lại hoàn có thể xảy ra. Quay trở lại với trường quay “X-men” sau mười năm, Bryan Singer làm được điều đó.
Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001, tính tới thời điểm hiện tại, loạt phim về các dị nhân đã ra mắt được bảy phần: “X-Men”, “X2”, “X-Men 3: Last Stand”, “X-Men Origin: Wolverine”, “The Wolverine”, “X-men: First Class” và phần mới nhất. Ngoài hai phần được làm riêng về mình thì trong cả ba phần đầu tiên, Người Sói – Wolverine hầu như giữ vai trò chủ yếu và làm lu mờ hầu hết các nhân vật khác. Chỉ đến “X-men: First Class” người ta mới xem phim về dị nhân mà không có cảm giác như đang xem Sói và đồng bọn nữa.
Ở phần mới nhất này, vị trí của Sói cũng vậy. Wolverine vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn của mình nhưng với một vai trò khác, quan trọng và chừng mực hơn hẳn. Sói như một người dẫn chuyện, còn không gian và câu chuyện chính được nhường cho ba nhân vật Charles Xavier (James McAvoy), Erik Lehnsherr (Micheal Fassbender) và Raven – Mystique (Jennifer Lawrence). Đây mới chính là điều mà khán giả quan tâm sau khi “X-men: First Class” được trình chiếu hồi hai năm trước.
Bởi lẽ, những gì xoay quanh Charles, Erik và Raven trong quá khứ sẽ quyết định mọi thứ ở tương lai. Quyết định của Charles, sự cực đoan đến lạnh lùng của Erik và lựa chọn của Raven sẽ – dù chỉ thay đổi một chút thôi – có thể làm tương lai của toàn thể dị nhân đứng trước ngưỡng cửa diệt vong. Một viên đá ném vào mặt hồ không gợn sóng của quá khứ sẽ làm dậy lên cơn bão lớn ở tương lai mà không ai ngờ trước.
Lịch sử có khi cũng cần phải viết lại để mọi thứ tốt đẹp hơn. Wolverine được gửi về năm 1973 không phải để làm điều đó mà chỉ đơn giản truyền đi một thông điệp, còn mọi thứ đã có những người khác lo.
Câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào thì xin mời các bạn xem phim. Dưới đây chỉ là một vài lưu ý nếu bạn có ý định xem phim này.
1. Nếu rỗi rảnh bạn nên xem lại một vài tập “X-men” trước đây. Có thể là phần 1, phần 2 hay gần đây nhất là “X-men: First Class”. Bạn sẽ dễ nắm bắt cốt truyện hơn mà không phải khều người bên cạnh hỏi ê ông đó là ai, sao trẻ đẹp trai mà già xấu thế, lại còn ngồi xe lăn hay Raven là ai, sao lại gọi cô ấy là Mystique, sao cô ấy không mặc đồ, cô ấy xài thuốc nhuộm tóc dỏm nên bị đột biến hả, tóc đỏ mà da lại xanh…
2. Nếu bạn không rảnh cũng không sao, vì thật ra thì phim xem cũng khá dễ hiểu. Dễ hiểu dù xâu chuỗi nhiều sự kiện với đủ tình tiết, nhân vật từ các phim dị nhân trước đó, đan xen các yếu nhân, các mốc lịch sử quan trọng như hiệp định Paris hay sự kiện tổng thống Mỹ Kenendy bị ám sát… Điều này là nhờ đạo diễn Bryan Singer đã kể chuyện rất khéo, rất hay. Mạch chuyện nhanh nhưng vẫn có những khoảng lặng vừa đủ để khán giả bắt kịp, dù họ chưa bao giờ xem phim về dị nhân hay siêu anh hùng.
3. Nếu đã từng xem dị nhân trước đây và trở thành fan của Hugh Jackman trong vai Wolverine thì có thể xem “X-men: Days Of Future Past”, bạn sẽ suy nghĩ lại. Bạn sẽ phát hiện ra rằng ngoài kiểu đàn ông gai gốc, mạnh mẽ như Wolverine thì còn có những kiểu khác. Nhẹ nhàng, dí dỏm, tài giỏi và bao dung để từ đó trở thành vĩ đại như Charles hay quyết liệt, cực đoan đến lạnh lùng, tàn bạo như Erik… đều rất đàn ông và đều hấp dẫn cả.
4. Và nếu không cẩn thận, không chừng bạn sẽ trở thành fan của Jennifer Lawrence trong vai Raven. Quyến rũ và ngây thơ, Raven hay Mystique, mâu thuẫn hệt như những gì diễn ra trong cô vậy. Thứ mâu thuẫn chết người đó thiệt làm khán giả đắm đuối.
Chỉ vậy thôi, còn lại thì xin phép không nhắc tới những thứ như hành động, kỹ xảo, âm thanh, góc máy quay hay hàng loạt các tên tuổi mà chỉ cần đứng riêng ra trong một bộ phim bất kỳ nào đó, những yếu tố này cũng giúp cho bộ phim đó trở nên hút khách. Tất cả mọi thứ như đã nói ở trên đều được sắp đặt khéo léo vào trong bữa tiệc lớn “X-men: Days Of Future Past”.
Xem xong phim có thể bạn vẫn cảm thấy chưa hoàn toàn thỏa mãn nhưng đây là một phim hay và chính sự chưa thỏa mãn đó, cảm giác thiếu hụt đó của bạn sẽ làm bạn cảm thấy có đủ lý do để chờ đợi những phim sắp tới về dị nhân.“X-Men: Apocalypse” (2016) chẳng hạn.
Bởi lịch sử của dị nhân đã được viết lại rồi mà.
Đẹp Online chấm “X-men: Days Of Future Past” 9/10 điểm.
Bài: Phan Hải
Ảnh: IMDB
>>> Có thể bạn quan tâm: Khi người dùng trên trang IMDB đồng loạt chấm “He Who Dares” thang điểm 1/10 (hiếm hoi có điểm 2 và 3, kéo tổng điểm của phim về mức 2,6) thì chúng ta vẫn có quyền hy vọng là “khán giả thật sự” của phim vẫn chưa xuất hiện. Hy vọng như thế để chúng ta đi xem, và biết đâu mình chính là khán giả mà Paul Tanter muốn tìm kiếm.
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!