Truy tìm khả thể nghệ thuật để làm sáng tỏ truyền thống, rồi từ truyền thống quay về soi chiếu căn nguyên của bản thể. Đó là cách mà nhân sinh và nghệ thuật, cái tôi và cái chung, ngầm định và phản biện vẫn được đặt cạnh nhau trong những tác phẩm đa tầng nghĩa, phi khuôn khổ của Ngô Thu Hương…
Puppets Studio nằm sâu trong một con ngõ yên ắng, trái ngược với bên ngoài ồn ã của trục đường Thái Hà luôn tấp nập người lại qua. Lớp học gốm là một ngôi nhà hai tầng mà mỗi căn phòng trong đó lại ươm đầy dấu ấn mỹ thuật của những người nghệ sĩ đa tài. Bàn xoay, giá vẽ, cọ màu, sách, những món đồ gốm đã thành phẩm, những món còn đang đợi tráng men, và cả những dụng cụ cơ khí mà chủ nhân của chúng gọi đùa là “đồng nát”. Chưa biết là sắp đặt theo quy tắc nào, nhưng mọi món đồ dường như đều ở đúng vị trí mà nó thuộc về, nằm cạnh nhau trong một tổng thể rất có hồn.

Đó là không gian sáng tạo của nghệ sĩ thị giác Ngô Thu Hương và người cộng sự lâu năm của mình. Không “nổi tiếng” theo kiểu nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, cô lại là nhân vật quen thuộc trong cộng đồng nghệ thuật Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp bằng Cử nhân danh dự tại LASALLE College of the Arts – ngôi trường xếp hạng đầu ngành tại Đông Nam Á, Hương trở về Hà Nội và hòa mình vào dòng chảy nghệ thuật ngày càng đa sắc và nới rộng ở nơi đây. Bắt đầu từ tinh thần sục sôi muốn làm điều gì đó khác biệt, ở tuổi 26, Hương đồng sáng lập và giám tuyển HypArt, với mong muốn tạo sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ còn ít cơ hội. Năm 2020, khi video concert “Đại Tượng” (Paradigm) – tác phẩm đầu tay hợp tác cùng nghệ sĩ Triệu Minh Hải và các nghệ sĩ chơi nhạc giao hưởng công diễn tại Viện Goethe (Hà Nội), nó không chỉ gây ấn tượng với những khán giả tận mắt thưởng lãm, mà còn tạo tiếng vang nối dài qua 2 buổi chiếu khác, và cho đến tận bây giờ. Còn đối với các học viên tại Puppet Studios, lại có một chị giáo dạy gốm như một thực hành văn hoá, tâm huyết qua từng thao tác tạo hình trên bàn xoay, từng đường nét trang trí bằng men màu.
Hằng số chung giữa các tác phẩm và thực hành nghệ thuật của Ngô Thu Hương là sự truy nguyên và đối thoại với các chất liệu truyền thống. Ở “Đại Tượng”, đó là một “tiểu thuyết chương hồi bằng hình ảnh” về văn hoá – lịch sử Việt Nam được bóc tách thông qua hành trình đi tìm các khả thể của giao thoa nghệ thuật. Ở gốm, Hương đào sâu vào những kỹ nghệ nguyên bản của gốm Việt, nhìn nhận nó như một nền thẩm mỹ độc lập, chứ không đơn thuần là chịu sức ảnh hưởng của gốm Trung Quốc.

Cứ ngỡ một người nghệ sĩ không thôi đi trên cung đường hướng về phía truyền thống như Ngô Thu Hương, hẳn là đã tiếp xúc gần gũi với những chất liệu văn hoá mang tính di sản từ khi còn nhỏ. Thế nhưng câu chuyện của cô lại mở ra theo chiều ngược lại. Không xuất phát từ “cái nôi” nào, đứng trước những lựa chọn cho tương lai ở tuổi 18, Hương quyết định đến nước Anh để theo học nghệ thuật – hoàn toàn dựa trên tiếng nói trực giác. Một mình, một lĩnh vực mới và một chân trời xa lạ, trong cô dấy lên những câu hỏi lớn soi vào trong bản thân và nhìn ra ngoài thế giới. Nếu như khi còn đang sống tại Việt Nam, Hương mặc định văn hoá bản địa là một thứ “hiển nhiên như thế”, thì giờ đây nó lại là chủ thể của những mong muốn khám phá khôn nguôi.
“‘Tôi là ai?’ có lẽ là câu hỏi đầu tiên mà mọi nghệ sĩ phải đối diện. Và để trả lời được một cách rõ ràng nhất, ta lại phải tìm ngược về câu chuyện ‘Tôi đến từ đâu?’. Bởi con người không phải là một cá thể đơn lẻ mà sống trong một cộng đồng. Nơi sinh ra ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận thế giới và cách thế giới nhìn nhận chúng ta. Ở nước ngoài với tư cách là người Việt Nam, chưa bao giờ cảm thức về căn tính, bản sắc văn hoá của dân tộc lại hiện hữu trong tôi rõ ràng như thế.”
Ngay lúc này, trong không gian sáng tạo của riêng mình, hồi ức được Hương chia sẻ qua một giọng kể điềm nhiên rất đỗi, nhưng hẳn hai câu hỏi ấy đã từng là nguồn cơn cho những đợt sóng “khủng hoảng bản sắc” của cô gái tuổi 18, chỉ mới bước chân vào ngưỡng cửa nghệ thuật. Cứ thế, hai năm học tú tài tại Anh và ba năm học cử nhân tại Singapore, Hương liên tục thử nghiệm với những chất liệu để tìm ra được tiếng nói riêng, để biết làm nghệ thuật thực sự là như thế nào. Và rồi, cô thấy mình trở lại với những gì thân thuộc nhất với bản thể là con người Việt Nam trong những loại hình truyền thống như làm gốm, thực hành với chất liệu mực Nho…
Vì cái duyên đến một cách bất ngờ và đầy tự vấn như thế, truyền thống trong thực hành nghệ thuật của Ngô Thu Hương vừa là chất liệu thẩm mỹ, vừa là manh mối để cô lần tìm về căn nguyên tâm lý con người, từ đó, đối chiếu mối tương quan giữa quan điểm cá nhân và ngầm định của xã hội.

Trong suốt cuộc trò chuyện mà nhân vật chia sẻ đầy cởi mở, tôi lại cảm nhận được rõ ràng nhất cá tính nghệ thuật của Ngô Thu Hương qua nhiều lần cô từ chối sự “đóng khung” hay “định nghĩa” các khái niệm. Hương cho rằng, quá trình làm nghệ thuật không phải là đi săn lùng những định nghĩa. Bởi nếu nói định nghĩa thì lại là ‘đóng khung’. Trong khi truyền thống, văn hóa, hay nghệ thuật, đều là một dòng chảy liên tục, đâu có lúc nào đứng yên?
“Mỗi người có một cách nhìn nhận văn hoá riêng biệt. Nếu thiết lập một định nghĩa cho khái niệm ấy thì chẳng khác nào đồng nhất hoá cảm năng của tất cả mọi người. Với tôi, câu chuyện của làm ra tác phẩm là giải cấu trúc những chất liệu văn hóa, lai ghép và mở mang những khả thể của nó. Truy tìm khả thể quan trọng hơn nhiều so với việc định nghĩa văn hoá.”
Có lẽ vậy nên thật khó để bao hàm bất kỳ tác phẩm của Hương trong một danh xưng. Nói về “Đại Tượng” chẳng hạn, người ta sẽ không thể có được một hình dung rõ nét nếu chỉ nghe giới thiệu qua hai chữ “video concert”, cũng chẳng thể cô đọng trọn vẹn tinh thần qua dòng mô tả “Tái trình hiện nghệ thuật diễn xướng Việt Nam thông qua Tuồng”. Bởi tác phẩm là một phức hợp phi giới tuyến giữa truyền thống và hiện đại; giữa những quan niệm về biên giới, thực địa, tín ngưỡng; giữa các loại hình nghệ thuật của dân tộc và thế giới. Ở đó, người xem bước vào một chiều không gian thực mà ảo, ảo mà thực, khi những chất liệu tưởng chừng quen thuộc được mã hoá – giải mã theo một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Đáp án của sự lai ghép ấy chẳng hề có trước và chỉ thực sự hiển lộ qua liên tục những phép thử. Sẽ thế nào khi Tuồng được chơi bằng violin, piano, cello thay vì dàn bát âm? Liệu dàn tam tấu phương Tây có nắm bắt được “thần khí” của một thứ âm nhạc khởi sinh từ phương Đông? Sẽ thế nào khi tách đạo Mẫu ra khỏi bối cảnh cố hữu là đền chùa miếu mạo? Liệu tính thiêng có còn được cảm thấy nguyên vẹn?

Những suy tư không ngừng rẽ nhánh, Ngô Thu Hương cùng các cộng sự tựa người bộ hành giữa ranh giới của các chất liệu. Hương không để chất liệu đứng độc lập trong một trạng thái tĩnh, mà liên tục đặt nó trong những hàm số giao thoa để thử thách và truy tìm những đặc tính sâu xa. Đó là cách cô “phá khung” định nghĩa, kháng cự những khuôn mẫu đã trở thành điển phạm. Mục đích trước nhất, là để giải đáp cho một câu hỏi ở tầm phổ quát: “Văn hoá và lịch sử Việt Nam đã, đang và có thể biến chuyển ra sao?”.
Luôn có một cuộc tranh luận bất tận trong triết lý nghệ thuật, và ít nhiều ở trong tâm tư của bất kỳ người nghệ sĩ nghiêm cẩn nào, đó là “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh”. “Đại Tượng” làm tôi không khỏi tò mò rằng quan điểm của Ngô Thu Hương nghiêng về đâu giữa hai cán cân ấy. Bởi xét về cả thông điệp xã hội lẫn giá trị nghệ thuật, tác phẩm đều có sự đồ sộ nhất định. Vậy tiền đề cho sự ra đời của “Đại Tượng” là truy vấn về văn hoá – truyền thống, hay là khám phá các khả thể của nghệ thuật?
“Khi nhen nhóm những ý tưởng đầu tiên về ‘Đại Tượng’, đúng là mong muốn truyền tải một câu chuyện về lịch sử, văn hoá Việt Nam đến trước. Nhưng mong muốn ấy được thúc đẩy và sự khai phá còn tiếp diễn cho đến bây giờ là nhờ những thách thức trong sáng tạo.” – Hương giải đáp.
Dẫu vậy, tính trừu tượng, sự khó định nghĩa có thể cản trở tác phẩm chạm đến phần đông đại chúng. Khi mà ý đồ của tác phẩm là mở ra một cách tiếp cận khác về lịch sử và văn hoá của dân tộc, thì việc lan tỏa rộng rãi cũng là một yếu tố cần đặt ở trung tâm?
“Đầu tiên là cần khoanh vùng đối tượng đại chúng. Khán giả của loại hình nghệ thuật mang đậm màu sắc thử nghiệm này vốn dĩ đã là một tệp ngách – họ cần có kinh nghiệm thường thức loại hình nghệ thuật như thế từ trước. Xem được, hiểu được một tác phẩm như ‘Đại Tượng’ không phải là điều dễ dàng, nhưng chính cái sự thách thức ấy sẽ khiến cho người ta phải đào sâu suy nghĩ về nó. Là người sáng tác, tôi cho rằng một tác phẩm càng dễ dãi thì càng dễ quên. Cái hay của tác phẩm càng hiển hiện khi nó ở lâu, ngấm kỹ trong dòng suy nghĩ”.
Từ điểm nhìn của Ngô Thu Hương, tính đại chúng và tính nghệ thuật không phải hai thái cực đối lập mà song hành và bổ trợ lẫn nhau trong tiến trình suy tư về tác phẩm. 5 năm vừa qua của “Đại Tượng” là thời gian cô liên tục thử nghiệm và lấp đầy những khoảng trăn trở về khả thể nghệ thuật. Còn đến nay, qua 3 lần công chiếu, lan toả tác phẩm là điều Hương nghĩ đến nhiều hơn. Suy cho cùng, một tác phẩm để bền lâu thì cần phải chứng minh được giá trị của nó trong lòng công chúng. Đặc biệt, muốn hoà vào dòng chảy truyền thống, lại càng cần có thời gian để thẩm thấu đủ sâu, đủ rộng, và để được công nhận bởi số đông.
Bài toán ấy có cách giải nào khi mà ở thời đại này, truyền thống vẫn hiện hữu xung quanh ta nhưng đa số lại đang sống rời rạc khỏi nó? Hồ như câu trả lời đã có manh nha trong chính cách mà trước đây Ngô Thu Hương chợt nhận ra mối quan hệ chẳng thể tách rời giữa danh tính và cội nguồn văn hoá của mình – ở một đất nước bảy múi giờ cách xa quê hương bản quán. Bởi, tương tự với mỗi cá thể, giữa bối cảnh xã hội ngày càng đi nhanh, phân mảnh và rạn vỡ kết nối, truyền thống – văn hoá tựa như chỗ neo đậu của bản dạng và làm sống lại cảm giác “thuộc về” một cộng đồng.
Truy tìm khả thể nghệ thuật để làm sáng tỏ truyền thống, rồi từ truyền thống quay về soi chiếu nội tại của con người. Đó là cách mà nhân sinh và nghệ thuật, cái tôi và cái chung, ngầm định và phản biện vẫn được đặt cạnh nhau để làm nên những tác phẩm đa tầng nghĩa của Ngô Thu Hương. Nói về tương lai, có lẽ vẫn là như thế. Không định nghĩa và không ngừng mở rộng giới hạn biểu đạt – dù là dự án “Đại Tượng”, gốm, video installation, hay bất kỳ khám phá nghệ thuật nào khác.
CHUYÊN ĐỀ: WOMEN IN ART
Một thị trường nghệ thuật trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố trưởng thành. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập tư nhân giàu tiềm lực, sự đa dạng như hoa đua nở của các gallery khắp cả nước hay sự quan tâm của các tổ chức kinh tế, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang có sự góp mặt của không ít bóng dáng phụ nữ. Bằng tài năng, lòng kiên trì, niềm tin và góc nhìn riêng, họ đã tạo nên những bước rẽ mới, góp thêm sắc màu và tín hiệu tích cực cho bức tranh đang còn nhiều sáng tối.
Đọc thêm
TTiến sĩ Amandine Dabat: Tôi muốn mọi người biết đến vua Hàm Nghi như một nghệ sĩ
Chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn: Không được… nổi nóng với tác phẩm
Người sáng lập Tongla Art – Tuyết Nguyễn: Thị trường trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố
Họa sĩ Lê Thúy: Vẽ để giữ lại một thế giới đang rạn vỡ
Nghệ sĩ thị giác Ngô Thu Hương: Đi tìm truyền thống giữa ranh giới của chất liệu