Giữa những bước đi quá nhanh của thời đại, đôi khi ký ức, thiên nhiên và con người vô tình lướt qua nhau. Ở đó, thế giới sáng tạo của họa sĩ Lê Thúy là nơi cất giữ những mảnh ghép ký ức, nỗi niềm khiêm tốn mà chúng ta vô tình bỏ ngỏ. Đối với Thúy, hội họa là tiền đề để con người cảm thụ thế giới.
Cuộc sống luôn biến hóa, đôi khi khiến con người rơi vào cảm giác không còn chỗ bấu víu, nhưng cũng có lúc khẽ chạm vào một miền cảm xúc khó gọi tên. Với họa sĩ Lê Thúy, đó chính là nguồn động lực để giữ gìn và nuôi dưỡng mối liên hệ bền chặt với nghệ thuật suốt nhiều năm qua. Từ thời thơ ấu cho đến hiện tại, khi đã bước vào hành trình sáng tác một cách nghiêm túc, hội họa trở thành phương tiện để chị lắng nghe thế giới và đối thoại với chính mình. Trong ký ức của chị là những buổi chiều thời sinh viên, một mình ra cánh đồng, mang theo giá vẽ và màu sơn. Không gian mở ra trước mắt, một ruộng đồng trải dài, đường chân trời thấp, một sự tĩnh lặng không thể gọi tên bằng lời. Phong cảnh ấy rồi sẽ đổi thay, nhưng sắc màu trên bản vẽ có thể gìn giữ chúng mãi mãi. Điều khắc sâu nhất trong chị là trải nghiệm cơ thể mình hiện diện giữa thiên nhiên, cảm nhận ánh mặt trời qua từng lớp da, mùi cỏ dại len lỏi trong hơi thở, gió mang theo độ ẩm lẫn bụi đất. Giây phút đó, chị chợt nhận ra: “À, mình đang tương tác với thiên nhiên một cách gần gũi và trực tiếp nhất”. Ngay sau khi rời giảng đường, chị dành trọn một năm chỉ để vẽ. Một năm không bị chi phối bởi lịch trình hay áp lực, chỉ có sơn dầu, khung vải và sự hiện diện của chính mình trước mặt tranh.

Theo thời gian, hội họa dần trở thành công cụ để chị ghi lại những chuyển động bên trong mình. Ban đầu, cảm xúc đến rất mờ nhạt, đôi khi chỉ là một thoáng ý tưởng nảy sinh trong đầu, một câu thơ đọc vội, một đoạn ca dao vang lên trong ký ức, hay đơn giản là một khung cảnh tình cờ bắt gặp trên phố. Những điều đó đến ngẫu nhiên, nhưng cứ trở đi trở lại, len vào tâm trí, gợi lên những hình ảnh khiến chị buộc phải đưa chúng lên mặt giấy. Sau cảm xúc là lựa chọn chất liệu. Mỗi chất liệu chứa một năng lượng riêng, và chị xem đó như lối đi để tinh thần tác phẩm tìm được hình dạng phù hợp. Nhưng bên cạnh những rung động trước vẻ đẹp của đời sống, chị xem vẽ là cách để bản thân không cảm thấy bất lực.

Họa sĩ Lê Thúy cảm thấy thế giới đang vận hành với tốc độ không ngừng nghỉ. Mọi thứ diễn ra như một dòng xoáy, từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, đến cả những hành vi rất nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày cũng đều góp phần làm biến đổi thế giới này theo cách khó đoán. Đô thị hóa lan rộng, những khoảng xanh ngày càng thưa thớt, một công viên, một vùng cây cỏ, đôi khi trở thành điều khó giữ lại, như thể con người đang ngày một rời xa mối liên hệ tự nhiên vốn có. Rồi cả chiến tranh, thứ tưởng như chỉ tồn tại ở trang sử, nhưng chị lại nhìn thấy hình bóng của nó ngay từ những va chạm rất gần. Cách con người phản ứng với nhau, giữ khoảng cách hay lấn chiếm nhau, đều không tách rời khỏi dòng vận động rộng lớn đó.

Và chính giữa dòng xoáy chuyển động khó đoán đó, nghệ thuật với chị là một nơi để dừng lại. Một khoảng lặng hiếm hoi để ghi chép, neo giữ và không bị cuốn trôi. Mỗi bức tranh là một cái nhìn kiên nhẫn trước thế giới đang đổi thay. Có sự tiếc nuối trước những điều đang mất đi từng ngày. Có cả mong muốn giữ lại một điều gì đó dù là rất nhỏ. Chị nói: “Từ các trào lưu, những làn sóng di tản, ai cũng mong muốn cuộc sống tốt hơn, môi trường sống tươi đẹp hơn. Tất cả những điều đó, tôi đều gửi gắm vào tác phẩm của mình”. Những nét cọ ấy không chỉ là phản ứng với thế giới, mà còn giúp chị lưu giữ những điều con người có thể quên, hoặc buộc phải quên, để tiếp tục tồn tại trong guồng quay của thời đại.
Nữ họa sĩ người Việt sinh năm 1988 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 2013, thường được biết đến với các tác phẩm tranh lụa, sơn mài và nhiều đóng góp tích cực cho nghệ thuật trong nước. Hiện cô đang sinh sống và làm việc tại Hội An. Mới đây, tác phẩm “Thời gian” của họa sĩ Lê Thúy đến từ Việt Nam đã được quỹ LOEWE Foundation lựa chọn vào vòng chung kết, cùng 29 nghệ sĩ khác cho giải thưởng LOEWE Craft Prize 2025.
Các tác phẩm tiêu biểu: “Tiếng Vọng”, “Sự Im Lặng Chói Tai”, “Nước Tôi, Dân Tôi”,…

Cái tên Lê Thúy từ lâu đã gắn liền với lụa, một chất liệu tưởng như mong manh nhưng luôn mở ra nhiều tầng sâu cảm xúc. Trên nền lụa, chị kể những câu chuyện lặng lẽ bằng đường nét mảnh, sắc độ bảng lảng, như thể đang trò chuyện với chính mình trong một cõi yên tĩnh. Nhưng gần đây, sơn mài bắt đầu xuất hiện trong thực hành của chị như âm sắc nặng ký hơn, lắng đọng hơn. Một lựa chọn không phải để thay thế, mà để mở rộng. Bởi trong nghệ thuật, cũng như cảm xúc, không bao giờ chỉ có một lối đi. Khi được hỏi liệu có chất liệu nào có thể gói trọn triết lý nghệ thuật của mình, chị ngập ngừng một chút như thể đang lắng nghe chính cảm xúc của mình trước khi trả lời. “Nếu phải chọn, có lẽ là lụa”, chị nói, rồi nhẹ nhàng tiếp lời: “Nhưng nếu phải tự đóng khung mình trong một chất liệu, thì có lẽ… không. Thực hành của tôi đâu nằm ở một chất liệu cố định”. Câu trả lời đó không chỉ nói về lựa chọn nghệ thuật. Nó nói lên một cách sống: rộng mở, linh hoạt, sẵn sàng bước ra khỏi giới hạn để khám phá những khả thể mới. Lụa, sơn mài, hay bất kỳ chất liệu nào khác chỉ là cánh cửa để chị đi vào thế giới nội tâm.

Với Lê Thúy, lụa là một lớp ký ức mỏng manh nhưng bền chặt, dịu dàng mà dứt khoát. Trên mỗi tấm lụa, thời gian như được cô đọng lại. Ký ức đầu tiên dẫn chị về Hà Nội, nơi có một mùa khiến chị yêu đến độ nhớ mãi: mùa xuân. Mùa của sương mù len lỏi, của những buổi sáng bảng lảng ánh sáng mềm. Khi ấy, chị thường một mình lang thang qua các ngôi đình, chùa cổ ở vùng ven như Hà Tây, Bắc Ninh – những không gian mang âm hưởng vừa linh thiêng, vừa trầm mặc. Có lần, chị đứng lặng giữa sân một ngôi chùa. Sương nhẹ trôi qua mái ngói cũ, bám vào tà áo, phủ lên mọi thứ một lớp mờ như khói. Trong khoảnh khắc đó, một ý nghĩ bất chợt đến: lụa. Không phải vì chất liệu này sở hữu đặc tính mờ ảo giống sương, mà bởi cảm giác về sự bao bọc, về độ thấm, về cách mọi thứ như được giữ lại mà không cần nắm chặt. “Giây phút đó, tôi thấy như mình đang đứng giữa một khung lụa đã được căng sẵn. Mọi đường nét, mọi sắc độ đều đã có mặt. Tôi cảm giác mình không cần phải vẽ gì thêm. Chỉ cần lắng nghe”, Lê Thúy chia sẻ. Với chị, lụa không phải để mô tả phong cảnh, mà là nơi phong cảnh tự tìm nơi trú ngụ. Là chất liệu nhưng cũng là trạng thái, lụa giúp chị chạm đến điều cốt lõi trong thực hành của mình: Không áp đặt mà để cảm xúc dẫn lối.

Sau hành trình dài cùng lụa, một ngả rẽ bất ngờ đã đưa Lê Thúy đến với sơn mài, bắt đầu từ “Sự Im Lặng Chói Tai” (2020), một tác phẩm được xây dựng quanh hình ảnh những cây đàn hỏng. Vốn dĩ ban đầu, chị cân nhắc rất nhiều về ý tưởng của tác phẩm để làm sao có thể biểu đạt hết những điều mình muốn nói. Và sơn mài chính là câu trả lời của chị khi đó. Chị bắt đầu đi học về nó. Chị cảm thấy những gì từng được học khi còn là sinh viên mỹ thuật vẫn chưa đủ. Chị chủ động tìm đến những người thầy am hiểu về sơn mài để học hỏi, va chạm và hiểu tường tận chất liệu. “Học những gì mình chưa biết, cũng chưa từng có trải nghiệm qua để tìm hiểu sâu hơn về chất liệu, chạm đến cái nhìn mà mình mong muốn”, chị nói.

Sau lụa và sơn mài, hành trình chất liệu của Lê Thúy tiếp tục mở rộng, lần này là kỹ thuật thêu, xuất hiện trong tác phẩm “Tiếng Vọng” (2025). Tác phẩm là một cấu trúc mở, mô phỏng hình dáng một ngôi nhà, với những cánh cửa đóng kín được vẽ bằng cả hai mặt. Ở đó, những bức tranh lụa được sắp đặt để gợi nhắc hình dáng không gian sống, nhưng vẽ thôi là chưa đủ. Một điều gì đó vẫn còn thiếu. Và chị chọn thêu. Một bức hoành phi cùng hai câu đối được thêu tay tỉ mỉ, dựa trên bài thư pháp của một người Hội An – người đã rời xa quê hương trong một khoảng thời gian dài, rồi quay về và viết nên những dòng chữ ngập tràn tình cảm khi đối diện lại vẻ đẹp quê nhà. Chị mượn bài thư pháp đó để tái hiện một ký ức tập thể, chạm vào nỗi hoài niệm, niềm thương đã lắng. Nhưng điều khiến “Tiếng Vọng” không dừng lại ở hoài niệm đẹp là bối cảnh mà chị đặt những hình ảnh ấy vào: một ngôi nhà đã hoang tàn, đổ nát. Trong sự tương phản đó, chị đặt ra câu hỏi không lời: “Điều gì còn lại khi thời gian đi qua?”

Vất vả, kỳ công và lặng thầm như thế, nhưng với họa sĩ Lê Thúy, thực hành nghệ thuật đồng nghĩa với việc người nghệ sĩ đang sống trong lòng xã hội và gửi gắm tiếng nói của mình vào từng tác phẩm. Bởi vậy, chị tin rằng khi tác phẩm chạm đến những cảm xúc hoặc câu chuyện mang tính phổ quát, thì khán giả sẽ tự khắc cảm nhận được điều tác giả muốn chia sẻ.

CHUYÊN ĐỀ: WOMEN IN ART
Một thị trường nghệ thuật trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố trưởng thành. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập tư nhân giàu tiềm lực, sự đa dạng như hoa đua nở của các gallery khắp cả nước hay sự quan tâm của các tổ chức kinh tế, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang có sự góp mặt của không ít bóng dáng phụ nữ. Bằng tài năng, lòng kiên trì, niềm tin và góc nhìn riêng, họ đã tạo nên những bước rẽ mới, góp thêm sắc màu và tín hiệu tích cực cho bức tranh đang còn nhiều sáng tối.
Đọc thêm
TTiến sĩ Amandine Dabat: Tôi muốn mọi người biết đến vua Hàm Nghi như một nghệ sĩ
Chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn: Không được… nổi nóng với tác phẩm
Người sáng lập Tongla Art – Tuyết Nguyễn: Thị trường trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố
Họa sĩ Lê Thúy: Vẽ để giữ lại một thế giới đang rạn vỡ
Nghệ sĩ thị giác Ngô Thu Hương: Đi tìm truyền thống giữa ranh giới của chất liệu