Là một kiến trúc sư, Hiền Nguyễn đến với nghề phục chế tranh như một cuộc kiếm tìm bản thân, để thỏa mãn niềm say mê kỹ thuật tạo nên những giá trị vượt thời gian và lịch sử nghệ thuật. Trở về Việt Nam đúng điểm rơi của thị trường, Hiền Nguyễn trở thành cái tên tiên phong đầy nổi bật. Nhưng thay vì theo đuổi hào quang công việc, mỗi ngày chị vẫn miệt mài trong xưởng phục chế, giản dị và khiêm nhường. “Việc phục chế đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và không được… nổi nóng với tác phẩm. Thành quả tính trên từng centimet. Nhiều lúc làm mãi không xong, tôi ‘thiền’ bằng cách đứng dậy uống một cốc cà phê”, Hiền chia sẻ.
Còn quá ngắn để nói về thành công của nghề
Sau 5 năm trở về Việt Nam, chị nhận thấy đã có những thay đổi nào trong ngành phục chế – vốn còn khá mới mẻ tại Việt Nam?
Thời điểm tôi trở về Việt Nam, khái niệm phục chế, bảo quản tác phẩm hầu như vô cùng xa lạ. Hiện tại, thuật ngữ này đã được đề cập một cách tự nhiên hơn, truyền thông báo chí cũng nhắc đến nhiều hơn, đồng nghĩa rằng sự chú ý, quan tâm từ phía nhà sưu tập và công chúng cũng đã nhiều hơn.
Quyết định trở về Việt Nam vào năm 2020 là vì chị nhận thấy tiềm năng của thị trường nghệ thuật Việt Nam hay đó là ấp ủ của một kẻ mơ mộng?
Tôi sống và học tập ở Pháp trong thời gian khá dài nên không hiểu lắm về thị trường nghệ thuật trong nước thời điểm đó. Quyết định trở về hay theo học ngành này đến với tôi như một sự tình cờ. Xuất thân là một kiến trúc sư, tôi có niềm yêu thích đặc biệt với những công trình hay tác phẩm được sáng tạo từ những thế kỷ trước, hơn là việc làm ra những thiết kế mới. Trùng hợp, trong khoảng thời gian học kiến trúc, tôi thực tập tại một dự án phục chế nhà thờ cổ ở Fontainebleau, nhờ đó mà học được rất nhiều về chất liệu, vật liệu. Dự án đó chỉ kéo dài khoảng 20 ngày thôi nhưng đã giúp tôi vỡ ra nhiều điều về phục chế.
Thực hành kiến trúc một thời gian, tôi nhận thấy mình mê nhiều thứ hơn, từ khảo cổ đến lịch sử nghệ thuật… Tôi bèn tìm hiểu xem có công việc nào liên quan. Vô tình, nghề phục chế lại giải đáp hết tất cả những điều tôi đang tìm kiếm. Vậy là tôi đăng ký học và thực hành công việc này cho đến nay.
Ngành học của chị hẳn là rất… tốn kém?
Tốn kém nhiều, không chỉ tài chính mà cả thời gian vì sinh viên ngành này phải học kiến thức của rất nhiều ngành cộng lại. Nghề phục chế khá đặc thù nên hệ thống đào tạo cũng không giống như những ngành truyền thống từ trước đến giờ. Trường học sẽ trang bị cho bạn tất cả kiến thức cần dùng nhưng cộng lại thì rất… linh tinh, từ khoa học, lịch sử nghệ thuật cho đến vẽ, rồi hóa học…
Đây có phải lý do khiến ngành này khó thu hút và cũng chỉ mới phát triển mạnh mẽ tại nước ngoài khoảng 50 năm trở lại đây?
Tôi nhận thấy trong quá trình học, có người sẽ giỏi môn này, người yếu môn kia. Không ai giỏi hết tất cả các môn. Và không phải ai học ngành này khi ra trường cũng chọn làm phục chế, bảo quản tác phẩm. Họ thường thiên về lĩnh vực họ giỏi nhất, trội nhất. Một lý do khác khiến ngành phục chế thu hút ít người học hơn là vì nó thầm lặng quá, ít được biết đến. Trong khi hiện tại, người ta khuyến khích giới trẻ lăn xả, tỏa sáng, tìm kiếm hào quang trong công việc. Rất khó để người ta chấp nhận theo đuổi một nghề vừa mới, vừa ít cơ hội được biết tới mà cũng chưa chắc là có thể kiếm ra tiền.
Chị có nghĩ mình may mắn khi trở về đúng thời điểm thị trường nghệ thuật Việt Nam phát triển sôi động và trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này?
Nói may mắn là đúng vì vốn dĩ việc trở về Việt Nam không nằm trong dự định ban đầu của tôi. Còn tiên phong thì tôi không dám nhận vì trước tôi có rất nhiều các anh chị làm công tác bảo quản, phục chế tại hệ thống các bảo tàng. Như tôi vừa chia sẻ, vì công việc này rất thầm lặng nên có thể ít người biết đến họ. Tôi nhận lời phục chế tác phẩm vì niềm say mê thực sự với nghề, muốn góp phần bảo quản, lưu giữ các tác phẩm của người Việt mình. Còn thành công hay không tôi chưa dám nghĩ đến. Bây giờ, dù đã phục chế hàng trăm tác phẩm, tôi cũng chưa biết là mình đang ở đâu.
Tại sao vẫn chưa biết là mình đang ở đâu?
Vì tôi chưa biết mình đã giúp được gì cho thị trường hay chưa? Đóng góp của mình có thực sự hữu ích hay không, người ta có cần hay không? Việc phục chế có trở thành nhân tố gì đó cho thị trường hay không? Mọi thứ vẫn còn mới quá. Và thực tế, tôi mới làm công việc này hơn 3 năm, còn quá ngắn và quá sớm để biết kết quả. Nghề này cần 15-20 năm mới gọi là có thâm niên như rất nhiều công việc chuyên môn khác. Lúc nào tôi cũng thấy rằng mình còn nhiều điều phải học.
Mỗi tác phẩm được phục chế là một khám phá mới
Việc mở xưởng hay mở những workshop có phải là cách để chị phổ biến nghề này đến với số đông?
Tham vọng, ước muốn là có nhưng không phải chỉ nói về công việc của tôi. Tôi muốn dùng những kiến thức căn bản của mình về chất liệu, vật liệu trong mỹ thuật, truyền tải đơn giản, dễ hiểu nhất để mọi người hiểu hơn về hội họa. Ví dụ trước giờ, những bài phân tích tranh thường không đề cập đến chất liệu, màu sắc hay kỹ thuật mà thường sử dụng ngôn ngữ chỉ những người có chuyên môn mới hiểu được. Công chúng sẽ khó tiếp cận, thậm chí là sợ khi đi xem tranh hoặc triển lãm nghệ thuật. Việc hiểu về chất liệu, vật liệu tranh sẽ giúp xóa bỏ cảm giác sợ hãi này, dần dần kéo theo sự yêu thích, nâng cao thẩm mỹ và có ý thức bảo quan tranh tốt hơn. Xa hơn, biết đâu họ sẽ mua tranh.
Nghề phục chế tranh thường gặp phải những ngộ nhận nào?
Về nghề thì không có. Công tác phục chế giống như công việc của một bác sĩ, phải thăm khám, chẩn đoán, sau đó là chữa bệnh. Nhưng về tác phẩm thì có. Sự xuống cấp của tác phẩm cũng có vài biểu hiện. Tương tự như một người sức khỏe đang không tốt thì vẻ ngoài sẽ tiều tụy, xuống sắc vậy. Giữa bên trong và bên ngoài có sự liên quan mật thiết với nhau. Ngộ nhận chung của mọi người khi thấy biểu hiện xuống cấp của tác phẩm là cứ nghĩ đó là màu thời gian, muốn giữ lại, gây nguy hại cho tác phẩm. Cũng có vài sự xuống cấp không cần can thiệp nhưng phải có chuyên gia thẩm định.
Ngộ nhận thứ hai đến từ thói quen thưởng thức. Ở một vài tác phẩm, lớp phủ veneer trên tranh bị ố, nhiều nhà sưu tập muốn phục hồi về hiện trạng ban đầu. Thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển sau rất lâu so với thế giới, cũng có vài họa sĩ vẽ theo tông màu trầm, tối, nhưng đa số tranh sơn dầu của Việt Nam thường có xu hướng màu sắc hoặc cách tả tươi sáng. Tuy nhiên, do từ trước đến nay công tác bảo quản, phục chế ít được quan tâm nên theo thời gian, tác phẩm sẽ xuống màu. Điều này dẫn đến việc sau khi phục chế, mọi người không chấp nhận được vì tác phẩm “sáng quá”, nhìn giống tranh giả quá.

Việc này giống trường hợp bức “Vịnh Hạ Long” của Jean-Louis Paguenaud từng trưng bày trong triển lãm “Mộng viễn Đông” hay một số bức tại triển lãm “Trong ngọc trắng ngà” ở Đà Nẵng. Trước những đánh giá như thế, chị có phân vân về công việc đang theo đuổi?
Tôi chỉ tập trung vào đánh giá của người sở hữu tác phẩm. Trước khi bắt tay phục chế, tôi đều tư vấn kỹ càng và tiến hành phục chế theo tư vấn đó. Những lời bình luận tôi thường nghe trực tiếp khi mọi người đến xem tranh, còn trên mạng xã hội thì tôi không rõ. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình không cần giải thích nhiều bởi lẽ, nếu thực sự quan tâm, họ sẽ tìm đến mình để được chia sẻ rõ hơn. Còn ngay tại thời điểm đó, nhiều khi mình nói họ cũng không nghe, không chấp nhận. Tôi hy vọng sự phổ biến về nghề phục chế sẽ giúp mọi người từ từ hiểu và có những can thiệp để trả tác phẩm về nguyên bản.
Để có một tác phẩm phục chế thành công, đâu là yếu tố quyết định?
Việc phục chế luôn cần tuân thủ nguyên tắc. Thứ nhất, tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm. Kế đến, sử dụng vật liệu có thể gỡ ra được hoặc thay thế được. Thứ ba, sử dụng chất liệu không gây nguy hại cho tác phẩm và sức khỏe con người, không làm ô nhiễm môi trường. Những yếu tố còn lại có thể trao đổi trực tiếp với chủ sở hữu. Chẳng hạn, có tranh chỉ cần vệ sinh, về thẩm mỹ có thể làm thêm cái này cái kia hoặc không. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tuổi thọ của tranh, thẩm mỹ ở hàng thứ yếu và là yếu tố mà người chủ tranh có thể quyết định.
Đâu là tác phẩm làm khó chị nhất?
Tôi phục chế cũng khoảng mấy trăm tác phẩm rồi. Nhiều tác phẩm khiến tôi mất ngủ lắm. Vì kiến thức học được là một chuyện còn thực tế lại khác, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Nếu “bệnh” đơn giản thì mất khoảng 10 ngày. Những bức thuận lợi thì tôi còn có thể nhớ, song 80% còn lại đều khó nhằn trong việc tìm giải pháp. Công việc phục chế gồm nhiều bước xử lý. Mỗi công đoạn cũng không giống nhau với từng tác phẩm cho dù chúng cùng chất liệu. Nó phụ thuộc nhiều vào hiện trạng tranh. Đây cũng là điều giữ cho tôi nhiệt huyết với nghề. Phục chế mỗi tác phẩm là một khám phá mới.
Ngành phục chế tại Việt Nam chỉ mới được chú trọng trong khoảng 3-5 năm trở lại đây. Theo chị là vì sao?
Thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn còn non trẻ so với thế giới dẫn đến những ngành liên quan, không riêng gì phục chế, như bảo hiểm, vận chuyển hoặc dịch vụ đi kèm theo mỗi tác phẩm… chưa được nhìn nhận đúng đắn. Chính vì người ta thấy không cần thiết nên mới không đầu tư, nhân lực trong những lĩnh vực mới mẻ này cũng không được trả công xứng đáng. Ngay cả việc yêu mến, học hiểu, thưởng thức tranh cũng vẫn còn ít. Cho nên khó để yêu cầu mọi người hiểu về công việc này.

Theo chị, phát triển ngành phục chế có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam?
Sự hao mòn tác phẩm theo thời gian trong điều kiện bình thường là có thật và nếu không có ý thức bảo quản tối thiểu thì tranh sẽ bị bong tróc, hư hại, thậm chí là bị phá hủy hoàn toàn. Bản thân chất liệu, vật liệu cũng biến đổi theo thời gian. Một trong những bất lợi của các nhà sưu tập ở Việt Nam chính là điều kiện khí hậu nóng ẩm khiến các chất liệu hữu cơ tạo nên tranh xuống cấp nhanh hơn. Nếu thời tiết nóng quá, tranh sẽ khô gãy. Ẩm quá sẽ khiến tranh ngậm nước, lâu ngày dẫn đến phồng nở. Chưa kể đang ẩm mà nóng đột ngột sẽ sinh nấm mốc. Việc bảo quản vì thế khó hơn và tốn kém hơn.
Bên cạnh đó, cũng cần phải đề cập đến kỹ thuật vẽ. Nếu tác phẩm được vẽ theo đúng quy tắc, kỹ thuật thì sự lão hóa diễn ra khá chậm. Nhưng nếu người họa sĩ vẽ không đúng kỹ thuật hoặc vì lý do nào đấy mà bỏ qua một số công đoạn thì tác phẩm sẽ xuống cấp nhanh hơn. Do đó, ngành phục chế phát triển sẽ giúp kéo dài tuổi thọ và chất lượng tác phẩm, từ đó, tăng tính thanh khoản của tranh trên thị trường.
Cảm ơn chị đã chia sẻ.
HIỀN NGUYỄN
Tốt nghiệp chuyên ngành Phục chế và bảo quản các tác phẩm nghệ thuật tại Atelier du Temps du Passé (Pháp). Năm 2020, chị về nước và mở xưởng phục chế tại Thảo Điền, TP.HCM.
Từ khi trở về Việt Nam, Hiền Nguyễn đã tham gia phục chế hàng trăm tác phẩm nghệ thuật cho các bộ sưu tập, triển lãm như triển lãm “Mộng viễn Đông”, triển lãm “Họa duyên tương ngộ”, “Trong ngọc trắng ngà” ..

CHUYÊN ĐỀ: WOMEN IN ART
Một thị trường nghệ thuật trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố trưởng thành. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập tư nhân giàu tiềm lực, sự đa dạng như hoa đua nở của các gallery khắp cả nước hay sự quan tâm của các tổ chức kinh tế, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang có sự góp mặt của không ít bóng dáng phụ nữ. Bằng tài năng, lòng kiên trì, niềm tin và góc nhìn riêng, họ đã tạo nên những bước rẽ mới, góp thêm sắc màu và tín hiệu tích cực cho bức tranh đang còn nhiều sáng tối.
Đọc thêm
Tiến sĩ Amandine Dabat: Tôi muốn mọi người biết đến vua Hàm Nghi như một nghệ sĩ
Chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn: Không được… nổi nóng với tác phẩm
Người sáng lập Tongla Art – Tuyết Nguyễn: Thị trường trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố