Quốc tế Phụ nữ 8/3 đang đến gần, đây chính là dịp hoàn hảo để hòa vào những câu chuyện tôn vinh phái đẹp và thấu hiểu hơn những người phụ nữ xung quanh mình. Dưới đây là 5 bộ phim chứa đựng nhiều thông điệp đáng suy ngẫm về quyền nữ mà bạn không nên bỏ qua.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển cùng tên của nữ nhà văn Louisa May Alcott, đạo diễn bởi Greta Gerwig với dàn cast chất lượng: Saoirse Ronan, Emma Watson, Timothée Chalamet, Meryl Streep,… bộ phim là câu chuyện kể về cuộc sống của bốn chị em Meg, Jo, Beth và Amy từ lúc họ còn thơ ấu đến khi trở thành những phụ nữ trưởng thành.
“Little Women” là một biểu tượng của nữ quyền vì nó đã tôn vinh những vẻ đẹp khác nhau của phụ nữ, cả vẻ đẹp bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn. Trên hết, phim đã nhấn mạnh đến giấc mơ của mỗi người, cho dù nhỏ bé hay lớn lao đều đáng được trân trọng. Bốn chị em với bốn tính cách, tài năng khác nhau nhưng điểm chung của họ là đều có những giấc mơ riêng và dũng cảm theo đuổi đam mê của mình. So với phiên bản năm 1949 và 1994, “Little Women” 2019 mang đến cái nhìn mới mẻ, giàu sức sống và có sự cấp tiến phù hợp với xã hội hiện đại. Bộ phim thành công trong xây dựng tính cách nhân vật, có cá tính rõ ràng và đậm nét, khiến người xem có thể nhìn thấy chính bản thân hoặc những phẩm chất muốn hướng đến.
Được chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của Elizabeth Gilbert, bộ phim kể về hành trình du lịch vòng quanh thế giới để tìm lại chính mình của một người phụ nữ sau cuộc hôn nhân tan vỡ.
Cuộc sống hiện đại với vô số bộn bề lo toan ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất, chúng ta dễ dàng quên việc chăm sóc bản thân để rồi mất đi sự kết nối với chính mình. Bộ phim đã đưa ra giải pháp đơn giản giúp những người phụ nữ hiện đại thoát khỏi sự lạc lối: hãy thử để bản thân mình được đi và khám phá nhiều nơi khác nhau. Dưới những môi trường, con người và lối sống hoàn toàn khác nhau, bạn sẽ dễ dàng được là chính mình, được tự do làm điều mình muốn và sống thoải mái như chính bản thân từng ao ước.
“Eat, Pray, Love” đề cao giá trị của người phụ nữ trong xã hội hiện đại và đưa đến thông điệp: phụ nữ độc thân cũng có thể tự mình bước đi một cách độc lập để nhìn ngắm cả thế giới và tìm kiếm sự chữa lành cho chính tâm hồn mình.
“Coco Before Chanel” không chỉ dành cho các mọt phim ảnh mà còn là một gợi ý đáng cân nhắc cho những ai đam mê thời trang. Là một bộ phim chính kịch tiểu sử năm 2009 do Anne Fontaine đạo diễn và viết kịch bản, phim kể về cuộc đời đầy thăng trầm của nhà thiết kế thời trang Coco Chanel.
Trước khi trở thành tượng đài bất tử trong ngành thời trang, Coco Chanel đã phải trải qua một tuổi thơ đầy khốn khó và sống cuộc sống không hề mong muốn. Sau những nỗ lực với sự sáng tạo và lòng can đảm, cô đã vượt qua mọi định kiến của xã hội áp đặt vào phụ nữ bằng những tuyên ngôn thời trang để đời của mình.
Không chỉ mang đến cái nhìn thực tế và thuyết phục về cuộc đời của Coco Chanel, bộ phim còn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ mạnh mẽ, dám chống lại điều không phù hợp và tự tin sống cuộc đời chính mình, như cách Coco Chanel đã nói “Cuộc đời tôi không làm tôi hài lòng, vậy nên tôi phải tự tạo ra cuộc đời chính mình.”
“Maid” dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của Stephanie Land, kể về hành trình của cô gái Alex 25 tuổi quyết định làm mẹ đơn thân, bỏ chạy khỏi cuộc hôn nhân với anh chồng nghiện rượu và trở thành một người giúp việc để nuôi sống đứa con nhỏ.
Được đánh giá là một bộ phim không dễ xem nhưng lại cực kì đáng trải nghiệm vì bên cạnh sự chỉn chu của kỹ thuật thì tính nhân văn của nội dung cũng được thể hiện rất chân thực và khéo léo. Phim đề cập sâu sắc đến các vấn đề của hiện thực xã hội và vấn đề của cá nhân con người bao gồm: bạo lực gia đình, khó khăn của một người mẹ đơn thân, tình mẫu tử thiêng liêng, nạn nghèo đói,…
Bộ phim cũng là lời cảnh tỉnh những người phụ nữ trước bạo lực gia đình tuyệt đối không nhẫn nhịn, không đầu hàng. Bên cạnh đó, sự vượt lên khỏi nghịch cảnh, dũng cảm bước ra vòng xiềng xích, từng bước xây dựng lại cuộc đời mình của Alex cũng là nguồn cảm hứng cho những người phụ nữ dám đứng lên, dám ước mơ và thôi thúc sự phấn đấu đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết “The Price of Salt” của Patricia Highsmith xuất bản năm 1952, “Carol” là một bộ phim chính kịch lãng mạn do Todd Haynes đạo diễn và được chắp bút bởi biên kịch Phyllis Nagy. “Carol” xoay quanh câu chuyện tình đầy trắc trở của một người phụ nữ tuổi trung niên Carol Aird (Cate Blanchett) và cô gái trẻ Therese Belivet (Rooney Mara) trong bối cảnh nước Mỹ thập niên 1950, khi xã hội vẫn còn nặng định kiến với người đồng tính.
Không chỉ đơn thuần là câu chuyện khát khao đi tìm hạnh phúc của các nhân vật, “Carol” còn muốn nói lên khát vọng về bình đẳng xã hội và bình đẳng giới tính giữa ràng buộc và định kiến thời bấy giờ. Cách mà bộ phim tiếp cận đề tài đồng tính cũng rất nhân văn, nhẹ nhàng, kết nối cảm xúc chân thật đến khán giả để họ dễ dàng mở lòng hơn, đón nhận thông điệp phim truyền tải một cách sâu sắc hơn.